BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thường trực HĐND tỉnh: Giám sát ngành Toà án về hoạt động HTND

Cập nhật ngày: 24/08/2010 - 10:32

Thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh và Kế hoạch hoạt động năm 2010, Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh vừa có đợt giám sát ngành Toà án nhân dân (TAND) về việc tổ chức và hoạt động của Hội thẩm TAND. Trong đợt này Đoàn giám sát trực tiếp làm việc tại TAND các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, thị xã Tây Ninh và TAND tỉnh. Tham gia Đoàn giám sát có lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, Sở Nội vụ. Về phía các địa phương có Thường trực HĐND, hai Ban của HĐND, UBMTTQVN, phòng Nội vụ các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, thị xã Tây Ninh tham gia làm việc.

Thực hiện Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân (HTND) năm 2002 và Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội thẩm TAND, HĐND tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2004 – 2011 đã bầu được 207 vị Hội thẩm TAND. Sau khi miễn nhiệm và bầu bổ sung hiện nay còn 210 vị hội thẩm, trong đó ở cấp tỉnh có 21 vị. Trong năm 2009, các vị Hội thẩm TAND tỉnh đã tham gia xét xử 168 vụ án các loại, với 380 lượt Hội thẩm tham gia, có vị tham gia xét xử cao nhất là 68 vụ, thấp nhất là 1 vụ. Cấp huyện, các vị Hội thẩm TAND huyện, thị xã đã tham gia xét xử 2.598 vụ án các loại với 5.196 lượt Hội thẩm tham gia, trong đó có những vị Hội thẩm là cán bộ hưu trí tham gia xét xử với số lượng khá cao.

Đoàn giám sát làm việc tại TAND thị xã Tây Ninh

Qua giám sát cho thấy, đội ngũ HTND trong nhiệm kỳ 2004-2011, cơ cấu nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, đa số có bản lĩnh chính trị, có chuyên môn ở lĩnh vực mình công tác, có kiến thức pháp lý, và có nhiều vị Hội thẩm có kinh nghiệm trong thực tiễn nên có điều kiện thuận lợi trong việc tham gia xét xử từng vụ án cụ thể. Hầu hết các vị Hội thẩm đã tích cực nghiên cứu hồ sơ, không những nắm nội dung vụ án mà cả về mặt tố tụng; thực hiện tốt các nguyên tắc tố tụng như: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, “Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số”. Một số vụ án dân sự hoà giải thành tại phiên toà có sự đóng góp ý kiến thấu tình đạt lý của Hội thẩm. Trong khi nghị án, Thẩm phán – chủ toạ phiên toà, và Hội thẩm đã thực hiện đúng quy định của Luật Tố tụng. Trong nghị án nếu Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có ý kiến khác nhau thì vấn đề được bảo lưu bằng văn bản theo quy định của pháp luật. Đã có trường hợp Hội thẩm bảo lưu ý kiến về tội danh, mức án ở phiên xử sơ thẩm, sau đó kết quả xét xử phúc thẩm cho thấy là đúng. Thông qua công tác xét xử tại Toà án cũng như các phiên toà xét xử lưu động, Hội thẩm đã góp phần cùng Thẩm phán Toà án tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức phòng, chống và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng còn một số vị Hội thẩm chưa quan tâm đến việc tham gia xét xử, có vị Hội thẩm thường xuyên vắng mặt với nhiều lý do, có vị cả năm chỉ tham gia xét xử 1 - 2  vụ, còn nhiều trường hợp từ chối đột xuất khi đã nhận được thư mời hoặc lịch xét xử của Toà án đã được sắp xếp trước hàng tháng (như Trảng Bàng trong năm có 112 lượt thay thế xét xử). Tình trạng mời Hội thẩm tham gia đột xuất cũng ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Toà án. Bên cạnh đó, trình độ năng lực, kiến thức pháp lý của một số vị HTND còn hạn chế nên trong xét hỏi, tranh tụng tại phiên toà còn dùng những từ ngữ chưa chuẩn xác, hoặc xét hỏi không đúng trọng tâm của vụ án, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của phiên toà, nhất là các vụ án có yếu tố nước ngoài. Việc nghiên cứu hồ sơ trước khi tham gia xét xử của Hội thẩm, tuy có chuyển biến tốt hơn nhưng vẫn còn một số Hội thẩm trước khi xét xử không nghiên cứu hồ sơ hoặc nghiên cứu qua loa, sơ sài trước khi xét xử; thụ động trong quá trình xét hỏi hoặc tham gia xét hỏi không đi vào trọng tâm, xét hỏi còn mang tính lặp lại nên tự mình làm giảm đi tính độc lập trong xét xử.

Việc tạo điều kiện để Hội thẩm tham gia xét xử các vụ án chưa được thủ trưởng các đơn vị, cơ quan chủ quản quan tâm, do đó có một số vị Hội thẩm tham gia xét xử chưa đều, hoặc các vị Hội thẩm là trưởng, phó đầu ngành của các đơn vị do bận nhiều việc tại cơ quan, đơn vị hoặc đi học, hội, họp không có thời gian tham gia xét xử… Việc hỗ trợ kinh phí, phương tiện làm việc cho Đoàn hội thẩm, HTND cũng chưa được triển khai thực hiện tốt, nên hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. 

Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đề cao những kết quả đạt được trong tổ chức và hoạt động HTND, đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của HTND cũng như của TAND để kiến nghị cơ quan thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ…

Kim Chi