Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Việc tàu không số hiệu khai thác cát trái phép ở khu vực thượng nguồn Hồ Dầu Tiếng (xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) và địa phận huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương thời gian qua đã được một số cơ quan báo chí phản ánh, chính quyền các địa phương chấn chỉnh.
Tàu khai thác cát hoạt động tại khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn. Ảnh minh hoạ
Gần đây, Báo Tây Ninh có bài viết về sự xuất hiện tàu không số hiệu hoạt động trái phép tại khu vực thượng nguồn hồ Dầu Tiếng (địa phận huyện Tân Châu) được dư luận quan tâm.
Đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng không thể nằm ngoài cuộc
Trước đây, ngày 2.6.2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Quy chế phối hợp có liên quan trong quản lý khai thác hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà.
Quy chế này được ký kết nhằm quy định nguyên tắc, trách nhiệm, phương thức, nội dung phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và UBND cấp tỉnh có liên quan trong thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (gọi tắt là hệ thống Dầu Tiếng - Phước Hòa) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bên và theo quy định của pháp luật.
Việc phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Thuỷ lợi, Luật đất đai, Luật Đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan, nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khoản 4 và Khoản 5, Điều 8 của Quy chế quy định, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa chủ động thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan lập biên bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm và báo cáo kết quả về Bộ NN&PTNT và UBND cấp tỉnh có liên quan.
Như vậy, quy chế phối hợp không chỉ quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp mà còn quy định trách nhiệm của đơn vị được Bộ NN&PTNT giao quản lý, khai thác hồ Dầu Tiếng là Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà (nay là Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi miền Nam) trong công tác theo dõi, nắm bắt tình hình để phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm.
Bãi tập kết cát của một doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép nằm trên địa bàn xã Tân Hoà, huyện Tân Châu.
Xuất hiện tàu không số hiệu khai thác cát lậu
Liên quan đến sự xuất hiện của những chiếc tàu không số hiệu khai thác cát trái phép ở khu vực thượng nguồn hồ Dầu Tiếng (xã Tân Hoà, huyện Tân Châu), cần đặt ra trách nhiệm quản lý của chính quyền các địa phương và đơn vị quản lý, khai thác hồ Dầu Tiếng.
Ngày 7.10.2010, UBND tỉnh Bình Phước cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 50/GP-UBND cho doanh nghiệp tư nhân Thái Thịnh, loại khoáng sản cát xây dựng tại thượng nguồn sông Sài Gòn, chiều dài 16km thuộc địa phận các xã Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) và xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh (UBND tỉnh Tây Ninh uỷ quyền cho UBND tỉnh Bình Phước cấp), thời gian khai thác 10 năm, trữ lượng khai thác 914.206 m3, công suất khai thác 30.000 m3/năm. Sau đó, doanh nghiệp Thái Thịnh chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH MTV SX TM Phú Thọ vào ngày 1.12.2017.
Ngày 25.8.2023, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Công văn số 2975/UBND-KT về việc tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH MTV SX TM Phú Thọ do doanh nghiệp có những vi phạm trong hoạt động khai thác cát.
Qua đối chiếu, vị trí khai thác của các "tàu lạ" mà cơ quan báo chí phản ánh nằm ngoài khu vực được phép khai thác của Công ty TNHH MTV SX TM Phú Thọ, cách khu vực khai thác gần nhất về phía Tây 1 km, thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh.
Cơ quan chức năng của huyện Tân Châu xác định có sự xuất hiện của những chiếc tàu không số hiệu khai thác cát lậu tại thượng nguồn sông Sài Gòn (địa phận xã Tân Hoà, huyện Tân Châu), nhưng chưa thể xác định chủ sở hữu của những con tàu trên.
Theo quy định, tàu khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng phải có biển kiểm soát, có định vị, sổ quản lý… và những điều kiện khác thì mới được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động. Thời gian qua, UBND các tỉnh và các ngành chức năng đã nhiều lần tổng kiểm tra kiểm đếm tàu khai thác cát của các doanh nghiệp có đăng ký. Đối với những tàu ngoài danh sách đăng ký hoặc tàu không số hiệu, phải trục xuất ra khỏi hồ Dầu Tiếng.
Quy định là vậy, nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện những con tàu không có số hiệu khai thác cát lậu trong hồ.
Đây là vấn đề dư luận quan tâm đặt ra, rất cần câu trả lời từ cơ quan có thẩm quyền.
Tầm Hoan