Nhiều tài liệu, hiện vật chưa từng được công bố liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nay được giới thiệu với công chúng.
Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đảng uỷ ngoài nước và Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO - Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức triển lãm "Một số tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh mới sưu tầm từ năm 2000 đến 2009" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Nhiều hiện vật quý
Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu, phim, ảnh và hiện vật, trong đó chủ yếu là mới và lần đầu tiên được công bố, chọn lọc trên cơ sở các tài liệu, ảnh và hiện vật được Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm ở Cộng hoà Pháp và Liên bang Nga trong các năm 2006, 2007 và 2008 và do các tập thể, cá nhân ở trong và ngoài nước trao tặng.
Sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Nội dung trưng bày chia làm hai nội dung chính: một số tài liệu liên quan đến Nguyễn Ái Quốc trong thời gian sống và hoạt động ở nước ngoài giai đoạn 1919 - 1938 và một số thư, điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cá nhân ở trong và ngoài nước giai đoạn 1945 - 1969.
Phần thứ hai là ảnh về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước, trong đó chủ yếu trưng bày các bức ảnh được sưu tầm ở LB Nga và album ảnh do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Nhiều tài liệu, hiện vật được đánh giá là quý như bộ sưu tập tài liệu liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Pháp 1919 - 1923, hay tài liệu về Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hồng Kông (1931 - 1933) do bà Lady Borton, một người bạn Mỹ sưu tầm ở Anh Quốc trao tặng.
Một số tài liệu tiêu biểu khác được trưng bày như thư của Nguyễn Ái Quốc đề ngày 7.9.1919 do Người trực tiếp đánh máy và ký tên, gửi Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, chất vấn về việc chính quyền thuộc địa không thực hiện bản "Yêu sách của nhân dân Việt Nam".
Đó là tác phẩm "Chủng tộc gia đen", được scan màu toàn bộ tác phẩm, với số lượng 68 trang, của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Nga ở nước Nga năm 1928 với số lượng 50 ngàn bản nhưng chưa hề có ở Việt Nam.
Tài liệu tiêu biểu khác như bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình cố tiến sĩ y khoa Lê Văn Cưu ở Pháp trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh...
Sẽ kiến nghị để không còn là "mật"
Tại triển lãm, nhiều hình ảnh quý giá khác được trưng bày như album ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng gia đình luật sư Loseby, ghi lại chuyến thăm Việt Nam năm 1960 của gia đình luật sư.
Một số hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ cũng được trưng bày như chiếc áo len Bác tặng NSND Linh Nhâm năm 1967 trước khi bà lên đường ra chiến trường biểu diễn phục vụ các chiến sĩ...
Ông Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết trên đây chỉ là một phần những tài liệu, hiện vật mới sưu tầm được đưa ra công bố, "mang tính chất tuyên truyền" và khối lượng mang tính chất đại diện, tượng trưng.
Theo ông Tính, việc công bố, trưng bày tất cả các tài liệu, hiện vật mới sưu tầm trong giai đoạn trên, nhất là nguồn sưu tầm từ nước ngoài, bị "vướng" bởi một pháp lệnh trong đó quy định những tư liệu, hiện vật thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc danh mục mật.
Trong khi những tài liệu, hiện vật sưu tầm "không còn bí mật với thế giới nữa", đã được các nước công bố, ông Tính nói sẽ kiến nghị điều chỉnh để các cơ quan chức năng cho phép công bố những tài liệu quý sưu tầm với công chúng cả nước.
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ giữa tháng 12.2009 đến hết tháng 1.2010.
Một số hình ảnh tài liệu, hiện vật trưng bày tại triển lãm :
Đài bán dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cụ Nguyễn Thị Tố, một lão thành cách mạng ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. |
Biển lưu niệm gắn tại khách sạn Carlton, London, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc năm 1913 (nay là trụ sở của Đại sứ quán New Zealand). Toàn quyền New Zealand tặng Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2005. |
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quyển sổ lịch năm 1946 do Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm ở Pháp năm 2007 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng J.Nêru, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Ấn Độ sang thăm Việt Nam, Hà Nội 17.10.1954 |
|
Tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ người Pháp Claude Bouvier sáng tác |
Hiện vật trưng bày tại triển lãm |
Ảnh và tài liệu về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Nga (1923 -1938) do Tổng thống V.Putin trao tặng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2006. |
(Theo Vietnamnet)