Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xuất phát từ thực tiễn hiện nay, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng cần phải quy định bắt buộc xác nhận tại cơ sở (UBND cấp xã) là “đất không có tranh chấp” trước khi thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương.
Chiều 27.5, phát biểu tại hội trường kỳ họp Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhất trí với các báo cáo gần đây (ngày 18.4 và ngày 20.5.2019) của đoàn giám sát. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc giám sát ở địa phương, đại biểu Phương cho rằng vẫn còn một số tồn tại mà trong báo cáo chưa đề cập hoặc đề cập chưa sâu.
Cụ thể là những vấn đề liên quan đến những bất cập, hạn chế trong quản lý, quy hoạch sử dụng đất ở địa phương, như: tình trạng cho thuê đất trái luật ở địa phương, nhất là sau quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê sau đó mang đi cho thuê lại, hay giao đất không qua đấu giá. Việc quản lý sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại một số dự án lớn ở một số địa phương, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận nhưng xử lý chưa đến nơi đến chốn gây dư luận không tốt.
Việc điều chỉnh quy hoạch cũng là vấn đề bức xúc mà trong thực tế thường gặp phải sự phản đối của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên vẫn được các cơ quan chức năng “hợp thức hoá” cho sự điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư. Nhiều vần đề điều chỉnh gây ra những hệ luỵ làm xung đột ngày càng gay gắt trong cộng đồng dân cư, chủ đầu tư và chính quyền như: Thay đổi mật độ xây dựng, nhà cao tầng, làm mất đất công viên, hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng… mà đến nay đơn thư khiếu nại của người dân vẫn chưa được giải quyết rõ ràng, cụ thể.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương nhận xét, tất cả những vấn đề trên trong báo cáo vẫn chưa nêu rõ trách nhiệm thuộc về ai, kiến nghị Chính phủ xử lý ra sao đối với bộ, ngành liên quan, nhất là những dự án lớn gây bức xúc trong dư luận. Trong thời gian qua, ở địa phương, người dân cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch, cho thuê đất vội vàng rõ ràng là để phục vụ lợi ích nhóm của chủ đầu tư, không quan tâm đến lợi ích của người dân đang sống trong khu đô thị, trong khi người dân phải bỏ ra số tiền lớn mua căn hộ đi kèm với tiện ích, không quen hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài ra, trong báo cáo cũng chưa làm rõ một số hiện tượng như sốt đất ảo ở nhiều địa phương, hay đua nhau xây nhà trái phép để… chờ đền bù. Thực tế này đã xảy ra từ hàng chục năm nay, cho nên Chính phủ cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời để không gây lãng phí lớn cho xã hội, cũng như cản trở việc triển khai xây dựng các dự án.
Bên cạnh đó, đại biểu Phương nhận xét ở địa phương quy định chưa cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước nên đã xảy ra nhiều bất cập. Trong khi hiện nay, tranh chấp đất đai xảy ra tương đối nhiều ở cả đô thị và nông thôn và về giải quyết tranh chấp có quy định bắt buộc là phải được hoà giải ở cơ sở.
Cụ thể là quy định tại Điều 202 Luật Đất đai: chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức việc hoà giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Ở cơ sở là nơi trực tiếp nắm bắt biến động để quản lý và có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh này từ ban đầu. Đây là quy định có tính bắt buộc khi có bất đồng phát sinh giữa các bên tranh chấp.
Tuy nhiên, hiện nay có thực trạng là người dân đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người này sang người khác được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho họ mà UBND cấp xã không biết. Người dân làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với nhau tại tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện việc đăng ký tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương.
Trong khi Điều 79 Nghị định 43/2014 quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng cho thuê, cho thuê lại… không có quy định phải xác nhận tình trạng đất không có tranh chấp tại UBND cấp xã. Thực tế đã xảy ra một thực trạng là đất đang có tranh chấp, ở cơ sở đã thụ lý và chuẩn bị hoà giải thì chủ thể có giấy chứng nhận vẫn thực hiện việc chuyển nhượng cho người khác. Và khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chủ thể tiếp theo có thể tiếp tục chuyển nhượng hoặc thực hiện các quyền khác của mình.
Tại Điều 188 Luật Đất đai quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất là “Đất không có tranh chấp”. Điều 208 Luật Đất đai cũng quy định chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đất đang có tranh chấp mà các chủ thể vẫn có thể thực hiện việc chuyển nhượng như nêu ở trên là một bất cập, không chỉ tạo ra việc xung đột giữa các quy định của pháp luật mà còn gây ra nhiều hệ luỵ và khó khăn trong công tác giải quyết ở các cơ quan có thẩm quyền và thực hiện khi có kết quả giải quyết cuối cùng.
Từ thực tiễn nêu trên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng cần phải quy định bắt buộc xác nhận tại cơ sở (UBND cấp xã) là “đất không có tranh chấp” trước khi thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
TÂM TRUNG - DUY NHÃ
(Lược ghi)
__________________
(*) Tựa đề do Toà soạn đặt