Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Từ dịch bệnh, cơ hội nào cho ngành chăn nuôi ?
Chủ nhật: 11:28 ngày 26/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dịch tả lợn châu Phi hiện lây lan nhanh, có đến 42/63 tỉnh thành phát hiện có dịch bệnh, diễn biến vẫn còn phức tạp. Dự báo trong thời gian tới sẽ xảy ra thiếu nguồn cung thịt, giá tăng.

Số địa phương phát sinh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục tăng ẢNH: XUÂN LAM

Ngày 25.5, tại TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh phía nam. Đến hết ngày 24.5 dịch bệnh đã xuất hiện tại 42 tỉnh thành, 265 huyện, 2.904 xã, tổng số lợn bị bệnh hơn 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn buộc phải tiêu hủy.

Trong ngày 25.5 phát hiện thêm dịch tả lợn châu Phi tại TP.Cần Thơ (Q.Cái Răng và Q.Bình Thủy), là địa phương thứ 6/13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL có dịch tả lợn châu Phi.

Diễn biến phức tạp, lo nhất ĐBSCL

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề xuất: Nên giao cơ chế xác định giá thị trường và giá hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng về cho các địa phương. Hiện nay, T.Ư ra giá chung một lần, thay đổi rất khó, mất nhiều thời gian. Giá này không sát thực tế nên nhiều khi người chăn nuôi không tích cực hợp tác, khai báo với ngành chức năng khi phát hiện dịch

Đánh giá về diễn biến của dịch bệnh, ông Cường lo lắng: Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan ở khu vực Đông và Tây Nam bộ là rất cao. Nguyên nhân do miền Nam bước vào mùa mưa, nền nhiệt thay đổi liên tục, rất thuận lợi cho bệnh tả lợn châu Phi phát triển. Các địa phương ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen khó kiểm soát. Vì vậy mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan sang các địa phương chưa có dịch trong khu vực. “Giải pháp phòng dịch tốt nhất là áp dụng triệt để an toàn sinh học, vẫn trụ được, không bị nhiễm”, ông Cường khẳng định.

Về những bất cập trong công tác chống dịch tại các tỉnh phía nam, ông Bạch Đức Lữu, Phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết các hộ chăn nuôi mắc bệnh tả lợn châu Phi tại đây vẫn chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa thực hiện đúng các biện pháp về an toàn sinh học để phòng chống bệnh. Đặc biệt, công tác kiểm soát giết mổ vẫn chưa làm tốt, vẫn để tình trạng giết mổ lậu diễn ra thường xuyên.

Hiện nay không chỉ Trung Quốc, VN mà cả Campuchia cũng phát hiện xảy ra dịch bệnh. Chính vì vậy vấn đề kiểm soát các tuyến biên giới vẫn rất quan trọng.

Ông Randolph Reinecker Zoerb, chuyên gia chăn nuôi của Tập đoàn GreenFeed, nêu quan điểm: Tôi thấy các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống dịch. Song những nỗ lực này có thể trở thành vô nghĩa nếu chúng ta không có một chương trình hành động cấp quốc gia. Để kiểm soát dịch tốt, ở tầm quốc gia phải kiểm soát được việc giao thương vận chuyển qua biên giới bằng cả đường bộ, hàng không; không chỉ lợn, thịt mà cả nguồn thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ các nước có dịch, đặc biệt là Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác phòng chống dịch ở các tỉnh phía nam, đặc biệt việc xử lý hình sự các trường hợp, đối tượng cố tình vi phạm. “Ở các tỉnh phía bắc, một số địa phương còn để xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết xuống sông. Các trường hợp này sắp tới cũng sẽ bị điều tra xử lý hình sự”, ông Tiến nói.

Phát triển nguồn cung thịt thay thế

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), dự báo: Với tình hình dịch bệnh hiện nay, trong thời gian tới nguồn cung thịt sẽ khan hiếm do tổng đàn giảm nên giá thịt sẽ tăng. Tình hình này không riêng ở VN mà Trung Quốc cũng tương tự. Đặc biệt Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Trong khi chúng ta đang lo lắng về dịch bệnh thì những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn, làm ăn bài bản, kiểm soát được dịch bệnh nhìn thấy đây là cơ hội lớn.

Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta kiểm soát được dịch bệnh và tận dụng được cơ hội này để đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành chăn nuôi cũng như toàn ngành nông nghiệp nói chung?

Ông Dương đặt vấn đề và giải thích: Điều quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát dịch bệnh không để tiếp tục bùng phát thêm. Sau đó mới nghĩ đến việc tái đàn để tận dụng cơ hội. Việc tái đàn không thể làm “mọi giá” mà phải tiến hành căn cơ, bài bản, kiểm soát dịch bệnh trên cơ sở áp dụng các biện pháp quản lý an toàn sinh học.

Một đặc điểm khác của ngành chăn nuôi và tiêu dùng thịt của VN ngược với thế giới. Trong cơ cấu sử dụng thịt của người Việt cũng như Trung Quốc, thịt lợn chiếm 65 - 70%, 20 - 25% gia cầm, còn lại là thịt gia súc, trong khi thế giới sử dụng ngược lại khi thịt lợn chỉ chiếm khoảng 20% còn lại là gia cầm và gia súc. Chăn nuôi gia cầm có nhiều lợi thế phát triển trong thời gian qua, đặc biệt là thủy cầm.

Lợi thế lớn nhất của chăn nuôi gia cầm là thời gian ngắn, lượng tiêu tốn thức ăn để cho ra một ký thịt ít hơn chăn nuôi lợn. Lợi thế quan trọng khác là thời gian gần đây sản phẩm chăn nuôi gia cầm của chúng ta gồm cả thịt và trứng đã xuất được vào các thị trường cao cấp như Nhật Bản. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển loại hình này để chuẩn bị nguồn cung thịt thay thế. Nguồn cung thay thế không chỉ là gia cầm mà còn có các loại thịt của ngành chăn nuôi đại gia súc như: trâu, bò; sản phẩm thủy sản...

Nguồn TNO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục