Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Anh Trần Văn Nhu, chủ cơ sở, quê ở một tỉnh miền Tây Nam bộ. Trước kia, gia đình anh rất nghèo. Anh phải đi làm thuê làm mướn đủ việc ở đủ nơi.
Chúng tôi đến ấp Phước Đức B, xã Phước Đông (Gò Dầu) thăm cơ sở sản xuất nhựa tái chế Đỗ Thị Ngọc Yến. Trước mắt chúng tôi là một cơ ngơi khá rộng. Bên ngoài chứa đầy nhựa phế thải, bên trong nhà xưởng tiếng máy chạy ồn ào. Vợ chồng ông chủ còn khá trẻ, ăn mặc chẳng khác gì những người làm công và đang cùng với họ trực tiếp lao động sản xuất.
Anh Nhu (bên trái) giới thiệu sản phẩm nhựa hạt tái chế của cơ sở mình |
Anh Trần Văn Nhu (sinh năm 1973) chủ cơ sở, quê ở một tỉnh miền Tây Nam bộ. Trước kia, gia đình anh rất nghèo. Anh phải đi làm thuê làm mướn đủ việc ở đủ nơi. Cách đây khoảng 10 năm, anh Nhu đến xã Phước Đông làm thuê và lập gia đình với chị Đỗ Thị Ngọc Yến (sinh năm 1979), rồi ở luôn tại ấp Phước Đức B. Buổi đầu, hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn. Anh Nhu tiếp tục đi làm thuê, vừa đi làm thợ hồ, vừa cùng vợ chăn nuôi. Trải qua nhiều mô hình nuôi gà, ếch, ba ba… vợ chồng anh vẫn không khá lên được, có khi còn lỗ vốn. Trong lúc đi làm thuê, anh Nhu thấy các loại nhựa phế thải (chủ yếu là bọc mủ) bị vứt bỏ bừa bãi, trong khi có những cơ sở sản xuất nhựa tái chế ăn nên làm ra. Anh Nhu bàn với vợ quyết định chuyển đổi nghề. Có được ít vốn tích luỹ, anh chị vay mượn thêm rồi thuê đất lập cơ sở sản xuất nhựa tái chế. Giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn. Do ít vốn, để giảm bớt chi phí thuê mướn, anh Nhu phải tự tay làm lấy rất nhiều việc kể cả những việc rất nặng nhọc như lắp ráp máy, xây cất nhà trại, kể cả đi mua nhựa phế thải. Thế nhưng dần dần, nhờ biết tính toán trong công việc, lại chịu khó, siêng năng lao động, cơ sở của anh Nhu, chị Yến từng bước đi vào ổn định. Khoảng hơn 2 năm nay, cơ sở này đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên ở địa phương với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.
Anh Nhu cho biết, từ khi ổn định sản xuất đến nay, mỗi ngày cơ sở của anh tiêu thụ khoảng 2.500 kg nhựa phế thải (giá mua 2.500 đồng/kg) và sản xuất được 1.250 kg nhựa hạt thành phẩm. Giá bán mỗi kg nhựa hạt là 9.000 đồng. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập được hơn 300 triệu đồng. Vừa qua anh đã mua được 3.500 mét vuông đất ở địa phương, với giá 600 triệu đồng. Sắp tới anh sẽ dời cơ sở đến để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, đồng thời giải quyết thêm nhiều lao động ở địa phương.
Khi đã có cuộc sống khá giả, vợ chồng anh Nhu không quên đóng góp phần mình cho các hoạt động xã hội ở địa phương. Vừa qua anh đã ủng hộ cho quỹ hỗ trợ nông dân xã Phước Đông 5 triệu đồng. Anh còn hứa sau khi di dời cơ sở về địa điểm mới, sẽ đóng góp cho địa phương xây tặng một căn nhà đại đoàn kết giúp người nghèo gặp khó khăn về chỗ ở.
VĂN NHANH-DUY HUÂN