BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ tinh hoa làng, xã tới tầm vóc thương hiệu

Cập nhật ngày: 10/03/2017 - 09:09

Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Ðề án Mỗi xã, phường một sản phẩm. Ðến nay, sau hơn ba năm triển khai thực hiện, đã có gần 100 sản phẩm trong số 210 sản phẩm đăng ký tham gia đề án đạt tiêu chuẩn từ ba đến năm sao.

Trong đó, nhiều sản phẩm được "xuất khẩu tại chỗ" phục vụ khách du lịch quốc tế và cả trong nước đến vùng đất mỏ. Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai chương trình "Mỗi làng, xã một sản phẩm" một cách bài bản, có hệ thống và hiệu quả. Mở ra hướng đi đúng, sáng tạo cho các địa phương trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền.

Từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, đồng thời để nhân rộng mô hình "Mỗi làng, xã một sản phẩm", mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Ðề án thí điểm mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" dự kiến được thực hiện theo hai giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1(từ năm 2017 đến 2019), sẽ chọn bảy tỉnh, thành phố có điều kiện, tiềm năng và đại diện cho bảy vùng kinh tế có lợi thế về phát triển các sản phẩm đặc sản, có nhiều làng nghề truyền thống, có quyết tâm và cam kết của địa phương để thực hiện chương trình. Tại mỗi tỉnh, thành phố sẽ ưu tiên triển khai tại các huyện, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, vì đây là những địa phương có điều kiện về cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa. Giai đoạn 2 được thực hiện từ sau năm 2019, sẽ là xây dựng Ðề án Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" Việt Nam, tổ chức trên phạm vi quốc gia trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm từ kết quả triển khai các mô hình tại bảy địa phương của giai đoạn 1.

Được biết, ngày 7-7-2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2006/NÐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai thí điểm mô hình "Mỗi làng một sản phẩm", nhưng kết quả mang lại chưa như mong muốn. Vì vậy, để phát triển làng nghề một cách có hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách, quy hoạch, để tạo hành lang pháp lý mới trong phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách cụ thể đối với các sản phẩm đặc thù, các sản phẩm có thế mạnh vùng, miền. Nhà nước có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, hội, hiệp hội, nhà khoa học tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; gắn phát triển làng nghề với xây dựng nông thôn mới. Ðặc biệt, việc triển khai chương trình "Mỗi làng, xã một sản phẩm" phải đồng bộ với sự tham gia của cộng đồng để huy động các nguồn lực, từ tri thức, công nghệ, nguyên liệu địa phương, cùng với sự tham gia của người dân. Mỗi địa phương tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mình, phân cấp quản lý quyết định đầu tư, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và thi xếp hạng sản phẩm có thế mạnh; tổ chức thiết kế lô-gô,
kiểu dáng công nghiệp và lựa chọn những sản phẩm có lợi thế, có thị trường. Phải coi người dân, các hộ gia đình là chủ thể, coi doanh nghiệp, hợp tác xã là động lực trong việc tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường, mở rộng xúc tiến thương mại và hội chợ "Mỗi xã, phường một sản phẩm" hằng năm... Từ đó các sản phẩm "sinh ra từ làng quê" mới có nhiều điều kiện vượt qua "lũy tre làng" đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động ở khu vực nông thôn.

Sản vật, tinh hoa từ mỗi làng, xã luôn là niềm tự hào, thương nhớ của mỗi người con quê hương dù xa xứ hay đang sống, làm việc ở quê nhà. Nhưng để nó trở thành hàng hóa, vượt khỏi lũy tre làng, trở nên một thương hiệu, nhãn mác công nghiệp, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng như một niềm tự hào đất nước, biểu tượng của sức mạnh quốc gia, thì cần rất nhiều công sức. Cần chữ tín và chất lượng, cần bảo hộ, bảo vệ bản quyền. Cần cánh tay nối dài của xúc tiến thương mại, chuyên nghiệp và hiện đại. Và trên hết, cần tấm lòng, trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Nguồn Báo Nhân dân