Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
UBND tỉnh: Phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (giai đoạn 2017 – 2020)
Thứ tư: 20:01 ngày 22/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mục tiêu của Đề án là từng bước khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Tây Ninh, đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.

Sinh viên tình nguyện dạy trẻ em người dân tộc học chữ. Ảnh minh hoạ

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số – Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011 – 2015 và năm 2016, giảm tỷ suất sinh thô xuống còn dưới 16%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên dưới 6%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%; các biện pháp tránh thai hiện đại đạt từ 70,06% trở lên.

Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh của Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2015 là 111,98 bé trai/100 bé gái, riêng năm 2016 là 112,27 bé trai/100 bé gái, tăng so cùng kỳ 0,29%, tuy đạt chỉ tiêu do Trung ương giao nhưng vẫn vượt quá mức bình quân của cả nước (103-106 nam/100 nữ).

Với mục đích nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và tạo sự đồng thuận trong việc thực thi các quy định của pháp luật về nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2025, ngày 15.3.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 553/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 - 2020.

Mục tiêu của Đề án là từng bước khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Tây Ninh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115 vào năm 2020.

Đề án được triển khai tại 95 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đề án tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đề ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc thực hiện chính sách dân số, trong đó có nội dung tặng học bổng khuyến khích các cháu gái có thành tích đạt loại giỏi trong các gia đình sinh con một bề là gái, để khuyến khích động viên không lựa chọn giới tính thai nhi (định mức: sinh viên Đại học 1.000.000 đồng/suất; học sinh cấp I, II, III 500.000 đồng/suất); nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2017-2020 là 22.223 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 17.775 triệu đồng (chiếm 80% so với tổng kinh phí), ngân sách địa phương khoảng 4.448 triệu đồng (chiếm 20% so với tổng kinh phí).

  Thùy Dung

Tin cùng chuyên mục