BAOTAYNINH.VN trên Google News

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 27

Cập nhật ngày: 19/01/2010 - 05:42

Trong giai đoạn 2006-2010, nguồn vốn đầu tư công chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư toàn xã hội

Xem xét thẩm quyền của trọng tài thương mại

Theo Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khoá XII vừa qua, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận, góp ý là “phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại” (Điều 2 dự thảo Luật Trọng tài thương mại).

Uỷ ban Tư pháp tán thành với đa số ý kiến của đại biểu cho rằng, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có liên quan đến hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở luật khác.

Theo lý giải của Uỷ ban Tư pháp, các hoạt động thương mại được quy định tại Luật Thương mại năm 2005 có phạm vi tương đối rộng, đã khắc phục được hạn chế về phạm vi thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.

Bên cạnh đó, Uỷ ban cũng không đồng tình với một số ý kiến đề nghị nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại (được giải quyết cả các tranh chấp dân sự).

Theo chương trình, dự thảo luật này sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khoá XII tới đây.

Kiến nghị sửa đổi Nghị quyết về công trình, dự án quan trọng quốc gia

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận và cho ý kiến về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2010.

Theo đó, dự án Luật Đầu tư công được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình Kỳ họp 7 Quốc hội tới đây để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến lần đầu và thông qua vào Kỳ họp cuối năm 2010.

Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay việc quản lý đầu tư công thiếu một văn bản pháp luật nhất quán. Các luật có liên quan đến hoạt động này chưa đủ chế tài điều chỉnh toàn diện. Trong khi đó, đây là hoạt động có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cần được quản lý có hiệu quả. Theo tính toán, trong giai đoạn 2006-2010, nguồn vốn này chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư toàn xã hội.

Uỷ ban Pháp luật sau khi tiến hành thẩm tra đã nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật này.

Bên cạnh nội dung trên, Chính phủ cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Theo Tờ trình của Chính phủ, theo quy định hiện nay, trong thực tế chỉ đạo điều hành sẽ có những dự án không nhất thiết phải báo cáo Quốc hội song vẫn phải trình ra Quốc hội, làm chậm cơ hội đầu tư. Chính phủ cho rằng, ở thời điểm ban hành Nghị quyết 66, quy mô vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng đối với dự án, công trình được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư là hợp lý, song ở thời điểm hiện nay, Chính phủ đề xuất tăng quy mô lên theo chỉ số giá xây dựng từng thời điểm.

Chính phủ đề nghị ban hành hai nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 66: Một nghị quyết quy định về tiêu chí dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư trong nước, một nghị quyết khác dành cho công trình quan trọng quốc gia đầu tư ra nước ngoài.

Uỷ ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ về sớm điều chỉnh lại tiêu chí về quy mô vốn đầu tư theo hướng tăng lên cho phù hợp với thực tế hiện nay, đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với việc đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia ra nước ngoài.

Đa số ý kiến thảo luận cũng thống nhất cần sửa đổi Nghị quyết 66. Dự kiến, những đề xuất của Chính phủ sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại phiên họp sau.

(Theo VNE)