BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 - 19.8.2024)

Vai trò của Thanh niên Tiền Phong trong khởi nghĩa giành chính quyền ở miền Nam (Tiếp theo kỳ trước) 

Cập nhật ngày: 25/08/2024 - 23:12

BTN - Các trí thức yêu nước, thực chất đã là đảng viên do Xứ uỷ kết nạp là Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tấn Nhơn, Huỳnh Văn Tiểng trở thành thủ lãnh trong Hội đồng quản trị Thanh niên Tiền Phong, do ông Phạm Ngọc Thạch làm Tổng thư ký.

Sau khi được Giáo sư Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ uỷ Nam bộ (Xứ uỷ Tiền Phong) và đồng chí Hà Huy Giáp chấp thuận “tương kế tựu kế”, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhận lời mời của Tổng lãnh sự Nhật tại Sài Gòn Ida đứng ra thành lập một tổ chức chính thức, hoạt động công khai của giới trẻ miền Nam do nhà cầm quyền Nhật bảo trợ lấy tên là lực lượng Thanh niên Tiền Phong.

Các trí thức yêu nước, thực chất đã là đảng viên do Xứ uỷ kết nạp là Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tấn Nhơn, Huỳnh Văn Tiểng trở thành thủ lãnh trong Hội đồng quản trị Thanh niên Tiền Phong, do ông Phạm Ngọc Thạch làm Tổng thư ký. Trong thời gian khoảng 5 tháng phong trào Thanh niên Tiền Phong là phát triển rộng khắp các tỉnh Nam bộ, lan rộng ra các tỉnh Trung bộ.

Nhân dân Sài Gòn biểu dương lực lượng sáng 25.8.1945

Về sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào này, được sự chỉ đạo của Xứ uỷ, tổ chức Đảng ở các tỉnh miền Nam, nòng cốt của Mặt trận Việt Minh các tỉnh đã bí mật lãnh đạo Thanh niên Tiền Phong tổ chức các hoạt động công khai của phong trào như học tập, rèn luyện về văn hoá, thể thao, kể cả hoạt động bí mật huấn luyện quân sự cho thanh niên các địa phương. Cho đến những ngày tiền khởi nghĩa, trung tuần tháng Tám - 1945 Thanh niên Tiền Phong chính thức công bố là thành viên của Mặt trận Việt Minh, nhà cầm quyền phát-xít Nhật mới “bật ngửa” biết mình đã “mắc mưu cộng sản”.

Về vai trò, nhiệm vụ Thanh niên Tiền Phong trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến, tập I. 1945-1954 (NXB Chính trị quốc gia - Sự Thật xuất bản năm 2010) trang 148-150 ghi rõ: “Sau khi được tin Nhật Hoàng đầu hàng (14.8.1945), Thường vụ Xứ uỷ Tiền Phong triệu tập ngay Hội nghị (15.8.1945) để nhận định tình hình, xác định nhiệm vụ cần kíp: Thời cơ khởi nghĩa tới rồi, phải tận dụng thời cơ lúc Nhật đã đầu hàng và quân Đồng minh chưa đến Sài Gòn. Thường vụ Xứ uỷ Tiền Phong thành lập ngay Uỷ ban khởi nghĩa gồm Trần Văn Giàu (Bí thư Xứ uỷ), Nguyễn Văn Trấn (Xứ uỷ viên), Nguyễn Văn Tư (đại diện Tổng Công đoàn Nam bộ), Huỳnh Văn Tiểng (đại diện Thanh niên Tiền Phong)… Đặc biệt Thường trực Uỷ ban khởi nghĩa cũng chính là thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong Huỳnh Văn Tiểng. Hội nghị Xứ uỷ dự tính cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn có thể sẽ nổ ra vào ngày 17, trễ lắm là ngày 18.8.1945. Đối với quân Nhật đang chờ quân Đồng minh đến giải giáp, Hội nghị chủ trương “trung lập hoá” họ và bằng mọi cách lấy được vũ khí, đạn dược từ tay họ (trước khi quân Đồng minh đến tước khí giới - NV). Thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong Phạm Ngọc Thạch được Xứ uỷ giao thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc với chỉ huy quân Nhật.

Ngày 16.8.1945, Thống chế Terauchi Hisaichi, Tư lệnh quân Nhật ở Nam Thái Bình Dương gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trên cương vị Tổng thư ký Hội đồng quản trị Thanh niên Tiền Phong tại hành dinh Tổng tham mưu quân đội Nhật. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Terauchi vốn quen biết tôi từ trước, bắt tay chào mừng rồi ôm mặt khóc và nói: “Tôi mời ngài đến để nhờ ngài giúp đỡ một số việc: Quân đội Nhật hiện có 70 ngàn người rất cần gạo, rau quả, thịt cá để sống chờ ngày Đồng minh đến giải giáp và hồi hương; nếu có lính Nhật trốn, xin các ông làm lơ và giúp đỡ họ”. Bác sĩ Thạch đáp: “Vì lòng nhân đạo chúng tôi có thể chấp nhận, nhưng Nhật phải đáp ứng một số điều: Khi nhân dân Việt Nam khởi nghĩa giành độc lập, quân đội Nhật không được can thiệp, gây khó khăn; đề nghị Nhật cung cấp cho nhân dân Việt Nam một số vũ khí cần thiết”. Terauchi cảm ơn bác sĩ Thạch, hứa hạ lệnh cho các đơn vị Nhật rút về doanh trại, không can thiệp khi nhân dân Việt Nam nổi dậy; về vũ khí sẽ trả lại số súng ống đã tước của quân đội Pháp trước đây. Terauchi còn tặng cho bác sĩ Thạch một thanh gươm 5 tấc mạ vàng và một súng lục 6,35 ly mạ bạc.

Sau Hội nghị Xứ uỷ, Việt Minh tỉnh Tân An (Long An ngày nay-NV) nhận nhiệm vụ khởi nghĩa trước làm thí điểm rút kinh nghiệm cho Sài Gòn và các tỉnh khác. Sáng sớm ngày 23.8.1945, được tin Tân An khởi nghĩa thắng lợi, Xứ uỷ dự kiến sáng sớm ngày 24 sẽ phát lệnh, 0 giờ ngày 25.8 bắt đầu tổ chức biểu tình vào sáng sớm ngày 25.8. Trong thời gian Xứ uỷ họp Hội nghị, tại thành phố Sài Gòn cũng như tại các địa phương (tỉnh, huyện, xã) đều đã thành lập Uỷ ban khởi nghĩa và xúc tiến mọi việc tổng khởi nghĩa.

18 giờ ngày 24.8, Uỷ ban khởi nghĩa Nam bộ phát lệnh khởi nghĩa theo kế hoạch đã thống nhất từ chập tối đến 0 giờ ngày 25.8 hoàn thành việc chiếm đóng tất cả các cơ quan, trước hết là các cơ quan “yết hầu” (cơ quan giữ nhiệm vụ chính yếu trong bộ máy quản lý hành chính, trị an của các cấp chính quyền địa phương - NV), sử dụng các lực lượng bên trong tại chỗ để chuẩn bị sẵn kết hợp với lực lượng bên ngoài, có nơi chiếm và giữ luôn, có nơi chiếm rồi giao lại cho đơn vị được phái đến hoặc cùng hợp sức giữ.

Đến 22 giờ đêm 24.8 (trước kế hoạch 2 tiếng) tất cả bộ máy cai trị của chính quyền bù nhìn trong thành phố Sài Gòn đã về tay các đội Thanh niên Tiền Phong xung kích. Tại dinh Khâm sai (Dinh Thống đốc Nam kỳ, nay là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh), Khâm sai Nguyễn Văn Sâm (của triều đình vua Bảo Đại) vừa từ Huế vào nhậm chức đã bị bắt giữ, quyền Khâm sai Hồ Văn Ngà chưa kịp bàn giao cho quan Khâm sai cũng bị bắt giữ.

Trong thời gian này, Thanh niên Tiền Phong, công nhân mang băng đỏ Việt Minh có vũ trang trên xe cam-nhông cắm cờ đỏ sao vàng chạy khắp thành phố biểu dương khí thế khởi nghĩa, đồng thời sẵn sàng can thiệp, bắt giữ phản động, lưu manh… Các ngõ ra vào thành phố như Phú Lâm, cầu Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y, cầu Tân Thuận, cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, Bà Hom đều được lực lượng khởi nghĩa canh giữ nghiêm ngặt.

Ngay trong đêm 24.8, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chỉ huy việc dựng tại ngã tư đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ)- đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) một đài cao bằng gỗ bọc vải đỏ ghi tên 9 vị Uỷ viên Uỷ ban Hành chính lâm thời Nam bộ (còn gọi là Lâm uỷ Hành chính Nam bộ). Từ nửa đêm 24.8, hàng trăm ngàn quần chúng từ “vành đai đỏ” Bà Điểm, Hóc Môn, Bình Chánh; từ các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre… rầm rập tiến vào trung tâm Sài Gòn, vũ trang bằng súng đủ loại, vũ khí thô sơ, tầm vông vạt nhọn, giáo mác tua tủa; cờ đỏ sao vàng của Việt Minh và cờ búa liềm của Đảng Cộng sản dẫn đầu cùng với băng-rôn ủng hộ Việt Minh. Cả thành phố rung chuyển dưới chân bước theo nhịp “một hai” của hàng trăm ngàn đến cả triệu người biểu tình vừa đi vừa hát bài Lên đàng- bài Đoàn ca của Thanh niên Tiền Phong, hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo khâm sai Nguyễn Văn Sâm”, “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”…

Rạng sáng 25.8.1945, cả thành phố Sài Gòn là biển người với cờ, khẩu hiệu, băng-rôn… Cuộc biểu tình vĩ đại có khoảng trên một triệu người, có mặt đủ các lứa tuổi già, trẻ, nam, nữ, không phân biệt tầng lớp, giai cấp: công nhân, nông dân, lao động, nhân sĩ trí thức, tôn giáo, người Việt, người Hoa, có cả người Pháp thuộc phe Ch. de Gaulle…

8 giờ sáng, đoàn biểu tình dẫn đầu là các uỷ viên trong Xứ uỷ Nam kỳ, Kỳ bộ Việt Minh, Uỷ ban khởi nghĩa, đại biểu các đảng phái, tôn giáo… Từ tổng hành dinh của Uỷ ban khởi nghĩa (số 6 Colombert, nay là Alexandre de Rohdes, cơ quan Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh) kéo đến dinh Đốc lý (nay là trụ sở HĐND-UBND Thành phố Hồ Chí Minh).

Đoàn biểu tình tập hợp trước dinh Đốc lý, tràn ngập các con đường trung tâm thành phố… Ra trước ban công dinh Đốc lý, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong, thay mặt Kỳ bộ Việt Minh Nam bộ đọc ba lần danh sách Lâm uỷ Hành chính Nam bộ do Giáo sư Trần Văn Giàu làm Chủ tịch được đồng bào hoan nghênh nhiệt liệt. Thay mặt Lâm uỷ Hành chính Nam bộ, Chủ tịch Trần Văn Giàu tuyên bố: Nước ta hôm nay bắt đầu thực hiện nền độc lập, chế độ cộng hoà dân chủ được thành lập tại Nam bộ, kêu gọi toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do. Tiếp theo, Nguyễn Văn Nguyễn, đại diện Xứ uỷ Nam kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi hết thảy anh em thợ thuyền, nông dân, thanh niên, binh lính và các giới đồng bào… đem toàn lực ủng hộ Lâm uỷ Hành chính Nam bộ đương thực hiện một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và làm cho người Việt Nam tự do, sung sướng.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn toàn thắng. Cuộc biểu tình kết thúc trong niềm hân hoan của trên một triệu đồng bào, đại diện cho cả Nam bộ đang trong khí thế hừng hực đứng lên khởi nghĩa lần lượt trên khắp các tỉnh trong vòng 4 ngày, từ 25 đến 28.8.1945.

Về vị trí và ý nghĩa của khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn, sau này, đồng chí Lê Duẫn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng đã khẳng định: “Cách mạng tháng Tám là một cuộc tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt ở cả thành thị lẫn nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn”. 

Nguyễn Tấn Hùng

(Còn tiếp)

Tin liên quan