Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vạn Bửu tự thuật- một tư liệu quý về làng xã Tây Ninh (Tiếp theo và hết)
Thứ tư: 13:06 ngày 23/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở Tây Ninh, chuyện cọp không phải là chuyện lạ, nhiều nơi vẫn còn lưu truyền các câu chuyện về đánh cọp thời xưa cho đến tận ngày nay. Như chuyện cọp bên xã Thanh Ðiền bắt người của dòng họ Trương những năm đầu thế kỷ 20.

Hình ảnh xưa nhất về Trảng Bàng, tranh vẽ năm 1865.

Xa hơn có các chuyện đánh cọp của người em út trong 3 anh em họ Phạm làng Thạnh Ðức thời còn 2 huyện Tân Ninh, Quang Hoá phủ Tây Ninh (sau năm 1836 đến 1862). Hay chuyện ông Trạng Bảy ở đình Truông Mít đánh diệt cọp dữ bảo vệ thôn làng. Gần nhất, có lẽ là chuyện các vị lập chùa Như Lai ở làng Ninh Thạnh vào năm 1930 (nay là phường 1, TP. Tây Ninh) còn thấy cọp đến chùa.

Cũng do vậy, dân gian còn gọi đây là chùa Ông Cọp. Khi các lưu dân đi mở đất, lập làng, nghiễm nhiên cọp là một thế mạnh mẽ của rừng hoang. Vì thế các ngôi miếu, đình của thôn làng đều có miếu hoặc bàn thờ “ông cọp”. Vậy nên, hồi ký của ông Nguyễn Vạn Bửu kể về thời gian cuối thế kỷ 19 thì chuyện về cọp cũng không là chuyện lạ. Tuy vậy, do những chi tiết rất cụ thể và sinh động nên chuyện cọp của ông kể cũng khá lạ lùng.

Chuyện thứ nhất là trong các năm 1860-1863, khi Vạn Bửu 7 tuổi đến 10 tuổi, được cha gửi xuống học ở làng An Ninh, thuộc huyện Ðức Hoà, tỉnh Long An, rất gần An Tịnh. Ông viết: “Tại Rạch Gần trên đồng thời rừng chồi rậm rạp, dưới bưng tràm mọc bít bùng, thú dữ lẩn tránh trong mấy khu rừng này nhiều lắm, phần nhiều là cọp… tại đường xe Cây Trắc cũng có dấu cọp qua lại nhẩm đất…”. Ấy thế mà ông thầy Cả Ngươn ấy vẫn dám nuôi dạy một lớp học trò đến 30 em. Là vì: “Ông thầy có một quyển kinh và chú “trừ hổ” hễ bước đầu canh một thì ông lên bàn Tổ tụng một biển kinh ấy, thời êm luôn tới sáng. Ðêm nào ông quên tụng thì có cọp tới cạ theo vách cặp bằng cây tràm… Học trò chong đèn học trong nhà kinh khủng hết, phải kêu thầy thức giấc để đọc kinh, rồi thì cọp đi mất…”.

Nhưng mà có một bữa kia, theo lệ ngày rằm nấu chè cúng cô hồn, có khoảng hai mươi trò được thầy giao đi kiếm củi: “Trò Thành mót được một bó, lại gần một bụi rậm để bức (bứt) một sợi dây xanh đặng bó củi. Rủi thay có một lão chúa sơn lâm nằm trong bụi búng, nghe động nhảy tung lên, hộc một tiếng vang trời rồi nhảy tuốt vô rừng rậm… Bao nhiêu học trò đều thất vía kinh hồn, chạy té lăn cù lăn chiêng, mặt mày tái xanh tái mét…”.

Diễn biến tiếp theo là nghe tiếng kêu la, bà con trong xóm chạy ra tiếp cứu. Không ai bị nạn. Chỉ có trò Thành do đến gần nơi cọp quá nên hoảng sợ mà thành ra mất hết hồn vía: “đứng trơ không nhúc nhích”. Thầy giáo phải rước ông Nhựt là thầy pháp truy hồn truy vía cho trò Thành. Như vậy mà trò vẫn lơ láo cho đến cả tháng mới “thiệt tỉnh táo lại như xưa…”. Câu chuyện này cho thấy cọp cũng không quá dữ dằn như người ta thường nghĩ và đã có phần thêm thắt hư cấu trong những câu chuyện kể. Minh chứng cho nhận định này là câu chuyện thứ hai kể về cọp của ông Vạn Bửu.

Chuyện xảy ra vào năm 1889, sau khi ông Vạn Bửu đã được bầu làm Phó Cai tổng. Năm đó, ông có chuyến đi gọi là “kỳ hội lệ” ở Tây Ninh. Ông đi quá giang xe tờ của người Chà Và và bị cướp xe ở cầu suối Bà Tươi, nay thuộc xã Phước Ðông. Bản thân ông bị mất số tiền thuế phải đóng lên quan tỉnh của hai làng An Tịnh và Gia Lộc.

Sau khi tìm ra thủ phạm, quan toà Tây Ninh gọi ông lên để “thông tin về vụ cướp xe tờ”. Như ta đã biết, từ Trảng Bàng lên Tây Ninh thời ấy chủ yếu đi bằng xe bò. Thường là chiều lên đường để 5- 6 giờ sáng hôm sau tới dinh quan Chánh bố (trụ sở UBND tỉnh hiện nay). Ðường đi dĩ nhiên là con đường sứ ngày xưa, nay là đường 782 và 784, có qua xóm Bàu-cóp: “là một xóm trên Truông-mít, dưới Bàu-năng, lúc ấy còn rừng bụi nhiều lại là chỗ ác thú tụ tập nhiều, nên mỗi khi đi qua thời phải cẩn thận, súng nạp sẵn đạn hềm khi bắt trắc… khi xe đến Bàu-cóp là chừng hai giờ khuya, tôi cầm cây súng day ra mé sau, trăng lờ mờ, hai con bò cứ đi, tôi thấy dạng một con gì cỡ bằng con bò lứa đi giữa đường cách mé sau xe chừng mươi thước. Tôi hồi hộp hờm cây súng trên tay, bóng ấy cứ theo hoài, không dang xa mà cũng không xáp gần, chừng qua khỏi Bàu-cóp thì bóng ấy tẽ vô rừng…”.

Chuyến này những người cùng đi không ai biết, nhưng lên tới Tây Ninh ông kể lại thì được người trên này cho hay là cọp đi theo để rình bò. Một chuyến khác, người khác đánh xe là ông Dự ở Gia Bình, thì ông Dự thấy và hoảng sợ: “Té ngửa trong xe, miệng thì la: phèo, phèo, phèo” (beo, beo, beo). Tôi đương thiêm thiếp lật đật kêu nó tỉnh lại, mới nói cho nó nghe là cọp hiền ra đưa mình đi. Chừng ấy nó mới bớt sợ…”. Ông Vạn Bửu tính ra trong 10 lần đi “hội lệ” ở Tây Ninh kể từ hôm ấy, thì có tới 7 lần gặp cọp. Quả đúng là cọp hiền, chứ không phải là cọp ác. Có điều, nó đã sinh ra thì cũng phải kiếm miếng ăn mà sống. Vậy thôi! Có lẽ đấy cũng là cái lý của dân gian khi thờ cọp. Chứ ai mà đi thờ phụng cái ác bao giờ!

Trong Vạn Bửu tự thuật còn có một số chuyện lạ khác, ngoài chuyện cọp. Chuyện xảy ra sau năm 1882, khi ông Vạn Bửu được bầu lên Phó Cai tổng Hàm Ninh Hạ. Thời gian này, ông đang lâm vào cảnh nghèo khó. Ðến độ: “vợ chồng tiện tặn từng đồng tiền, không dám sắm một cái áo tốt”. Vợ muốn may cho chồng một áo dài (lối 3 đồng) mà chồng cũng không cho.

Công việc đầu tiên của thầy tân Phó tổng là coi làm đường Trảng Bàng- Bùng Binh (hương lộ 6 bây giờ), thì: “có một người ở dựa mé lộ, nhà có trồng một cây ổi trâu- ngày đó có một trái chín tốt mới hái vô xẻ hai ra đặng ăn, trong ruột có hai cục lớn hơn hột ổi, cỡ bằng rưỡi hột thường mà màu hơi vàng vàng xanh xanh đục. Khi ấy có tên biện Thêm làm biện cho tôi vô uống nước gặp chuyện ấy.

Y biết rằng đó là ngọc nên mới nói cùng chủ nhà rằng: “Ðây là ngọc ổi, nhưng anh là người dân dã, không nên để nó trong nhà, sợ anh không đủ phước đức có khi phải lâm hại. Tốt hơn hiện nay, có thầy Phó đương coi làm đường ngoài trước ngõ anh, anh nên mời thầy vô tặng cho thầy đi, rồi anh nhờ phước đức của người ngày sau mang ơn nầy, người bảo bọc cho anh…”.

Chuyện sau đó diễn ra đúng theo lời của ông biện Thêm. Ông Vạn Bửu tặng chủ nhà 10 đồng, nhưng anh ta không lấy. Hỏi tên người chủ nhà, anh cũng đề nghị không muốn cho người ngoài biết. Chiều theo ý ấy mà ông Vạn Bửu cũng không kể ra. Chỉ biết ông coi hai hạt ngọc ấy như “của gia bảo”, sau tặng cho hai người con trai là Nguyễn Thành Huân và Nguyễn Hữu Trưng. Theo lời ông kể: “Nó cứng như hột xoàn, cắt kiếng được” thì có vẻ giống như kim cương.

Chuyện tìm được ngọc ổi đến nay cũng đã gần 140 năm. Không ai thấy một chuyện nào tương tự. Trái ổi trâu ngày đó cũng làm sao sánh được với những loài ổi trái lớn bằng nắm tay người, ruột trắng, ruột đỏ đang bày bán đầy các chợ Tây Ninh. Tỉnh đang ở vào thời kỳ phát triển mạnh các chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, mà nhất là các loại trái cây Nam bộ. Nhà máy chế biến trái cây Tanifood Tây Ninh cũng vừa mới khánh thành. Câu chuyện lạ được cụ Vạn Bửu kể lại từ hơn trăm năm trước, biết đâu lại là chuyện thường ngày của một Tây Ninh thời phát triển.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục