Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam, Campuchia mãi mãi sát cánh bên nhau
Chủ nhật: 16:24 ngày 06/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong tiến trình lịch sử, Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ láng giềng tự nhiên, lâu đời với tinh thần thân thiện, hữu nghị và hợp tác.

Tượng đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN

Quan hệ giữa hai nước ngay từ thế kỷ XVII, XIX đã gắn kết hai nước trong công cuộc cùng chống đế quốc, thực dân phương Tây đến xâm chiếm làm thuộc địa.

Đến giữa thế kỷ XX, lần đầu tiên trong lịch sử bán đảo Đông Dương xuất hiện Mặt trận Đoàn kết liên minh Việt-Miên-Lào (11/3/1951), thực hiện kết nối ba mặt trận Liên Việt - Itsara - Issarak và xác định “Phải tăng cường tình đoàn kết, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau để chống kẻ thù chung”. Từ đó, Ủy ban Liên minh Việt-Miên-Lào thực hiện việc liên lạc phối hợp ba nước trong cuộc chiến đấu thục dân.

Trong thời kỳ chống chủ nghĩa thực dân mới (1954-1975), ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam còn hai lần tổ chức Hội nghị nhân dân Đông Dương (tháng 3/1965 và tháng 4/1970) biểu thị tình đoàn kết, chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù, kiên quyết chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ.

Trong dòng chảy ấy, ngày 24/6/1967, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh và Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk chính thức đặt quan hệ ngoại giao Việt Nam và Campuchia cấp Đại sứ.

Đây là sự kiện quan trọng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Khmer là những người bạn chiến đấu, những người anh em trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược, để bảo vệ những quyền dân tộc thiêng liêng của mình. Chúng ta luôn luôn ủng hộ, cổ vũ lẫn nhau. Chúng ta tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

Từ đây, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, các lực lượng vũ trang Campuchia phát triển nhanh, mạnh, đạt được những thành quả đáng kể trên chiến trường Campuchia.

Hoàng thân Sihanouk từng viết trong hồi ký: “Luôn luôn ghi nhớ sâu sắc công ơn của các bạn chiến đấu Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi trong những ngày đầu kháng chiến, về những vũ khí mà Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã cung cấp cho chúng tôi, về những huấn luyện viên quân sự mà miền Bắc Việt Nam đã cử tới chỉ bảo quân đội chúng tôi”. Đó là cơ sở quan trọng và quyết định nhất để Campuchia giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng thủ đô Phnom Penh vào ngày 17/4/1975.

Ngay sau ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ do Pol Pot và Ieng Sary cầm đầu chiếm đoạt thành quả cách mạng và tiến hành cuộc diệt chủng chính dân tộc mình. Thảm họa diệt chủng của Khmer Đỏ trong những năm 1975-1979 đã đưa cả dân tộc Campuchia đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Ông Heng Samrin nhớ lại: “Lúc đó không có nước nào, không có lực lượng nào đáp ứng lời kêu gọi của nhân dân Campuchia, chỉ có Việt Nam là đáp ứng kịp thời lời kêu cứu của nhân dân Campuchia”. Còn Thủ tướng Hun Sen lý giải: “Nhân dân Campuchia có niềm tin chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.

Từ cuối năm 1978 đến đầu năm 1979, quân đội Việt Nam có sự phối hợp của lực lượng yêu nước và cách mạng Campuchia tập trung tiến công tiêu diệt lực lượng Khmer Đỏ, giải phóng toàn bộ các vùng đất biên giới Việt Nam bị chúng chiếm đóng, tiến tới giải phóng các địa phương Campuchia.

Sáng ngày 7/1/1979, bộ đội Việt Nam và quân dân cách mạng Campuchia mở cuộc tổng tấn công và tiến vào thủ đô Phnom Penh và từ ngày ấy, lá cờ đỏ mang hình 5 ngọn tháp màu vàng của Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia tung bay giữa thủ đô Phnom Penh.

Sau khi cùng bạn lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot đầu năm 1979, Việt Nam ở lại giúp bạn Campuchia xây dựng lại đất nước. Trong khoảng 10 năm ấy (1979-1989), Việt Nam và Campuchia tiến hành củng cố mối quan hệ lịch sử lâu đời, đồng thời thiết lập cơ chế hữu nghị, hợp tác mới.

Kết quả là cách mạng Campuchia ngày càng phát triển nhanh với khả năng bảo đảm được sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước và khi đó, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước (1982-1989), tạo điều kiện thúc đẩy nhanh xu hướng đối thoại trong quan hệ quốc tế cũng như trong nội bộ Campuchia.

Khi Hội nghị quốc tế Paris về Campuchia được triệu tập (31/7/1989) và đi đến ký kết Hiệp định (23/10/1991) là lúc đã có giải pháp pháp lý hoàn tất quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Campuchia, quan hệ láng giềng thân thiện hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Campuchia sang trang sử mới.

Có thể nói dù lịch sử có thăng trầm đến đâu, rốt cục không thể thay đổi được nhu cầu hòa bình, ổn định để phát triển, không thể thiếu được tình thân thiện, hữu nghị và hợp tác. Dù lợi ích quốc gia dân tộc chi phối mạnh mẽ đến đâu vẫn phải gắn với lợi ích láng giềng, bởi suy cho cùng đều là lợi ích kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng mỗi quốc gia - nhân tố bảo đảm cho hòa bình phát triển bền vững.

Với Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác (18/2/1979), Việt Nam và Campuchia chung tay bồi đắp mối quan hệ tốt đẹp, lâu đời.

Ở hai bên biên giới, 10 tỉnh Việt Nam và 9 tỉnh Campuchia đang chung lưng đấu cật xây dựng đường biên giới hòa bình dài 1.137 km với 10 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu chính và nhiều cửa khẩu khác. Việt Nam và Campuchia tổ chức hàng trăm cuộc viếng thăm giữa lãnh đạo cấp cao; hai bên ký thêm nhiều văn kiện pháp lý về hợp tác song phương trên hầu hết các lĩnh vực, đồng thời hình thành các cơ chế hợp tác phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển của hai nước.

Đặc biệt, trong xu thế quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, thương mại, dân sự ngày càng phát triển, hai nước xúc tiến đàm phán và ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của hai nước khi tham gia vào các quan hệ thương mại, dân sự, đầu tư, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển các quan hệ hợp tác chung.

Hiện nay, đầu tư của Việt Nam vào Campuchia trải rộng trên 15 lĩnh vực, tập trung nhiều vào nông, lâm nghiệp (chiếm 54% ), năng lượng (27,05%), tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông, chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng…

Sau Chiến thắng ngày 7/1/1979, quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển theo tinh thần “Hợp tác láng giềng tốt đẹp, đoàn kết hữu nghị truyền thống, ổn định lâu dài”.

Tình hữu nghị anh em lâu đời gắn bó ấy, như Quốc vương Shihanouk khi tiếp Chủ tịch nước Lê Đức Anh vào năm 1995 từng nói, là mối quan hệ “phục vụ lợi ích cao cả và sinh tử của nhân dân hai nước, là một nhân tố thiết yếu của sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng cho cả khu vực rộng lớn, nơi chúng ta mãi mãi ở sát bên nhau”.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục