Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Với tư cách nước chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Việt Nam được Đức - nước Chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) - mời tham dự Thượng đỉnh Phụ nữ G20 (W20) tại thủ đô Berlin ngày 25-26/4.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, cố vấn cao cấp Ban Thư ký quốc gia APEC 2017 là đại diện Việt Nam được mời tham dự Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện của các nước thành viên G20, các nước khách mời gồm Hà Lan, Nauy, Singapore, Việt Nam, cùng đại diện, chuyên gia của Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhiều tổ chức phụ nữ, hiệp hội doanh nhân nữ...
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, cố vấn cao cấp Ban Thư ký quốc gia APEC 2017 là đại diện Việt Nam được mời tham dự Hội nghị.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel - Chủ tịch G20 năm 2017.
Nhằm thúc đẩy đưa quyền năng kinh tế của phụ nữ thành một nội dung của chương trình nghị sự thường niên Nhóm G20, Hội nghị năm nay đặc biệt được đề cao với sự tham dự của Thủ tướng Đức Angela Merkel - Chủ tịch G20 năm 2017, Tổng Giám đốc IMF Christine Largade, Hoàng hậu Hà Lan Maxima - Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tài chính bao trùm vì phát triển, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland, Cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ Ivanka Trump, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề gia đình, người cao tuổi, phụ nữ và thanh niên của Đức Manuel Schwesig.
Hội nghị đánh giá sâu sắc những thách thức, thời cơ mới đối với phụ nữ trong kỷ nguyên số, và các biện pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động, khả năng tiếp cận tài chính và giảm khoảng cách tiếp cận công nghệ số.
Nhiều đại biểu cho rằng, công nghệ số đang mang lại nhiều cơ hội hết sức to lớn, làm thay đổi căn bản cuộc sống của nhân loại, đặc biệt là phụ nữ và nhấn mạnh cần tăng cường vai trò dẫn dắt của cơ chế Đối thoại phụ nữ G20 trong hợp tác quốc tế, hoan nghênh sáng kiến của Hoa Kỳ thành lập Quỹ phụ nữ G20 hỗ trợ doanh nhân nữ.
Thủ tướng Đức Merkel đã trực tiếp đối thoại với các đại biểu và tiếp nhận bản khuyến nghị của Hội nghị trình lên Hội nghị cấp cao G20 sẽ họp tại Hamburg vào tháng 7 tới. Trong đó, các đại biểu đề xuất đưa vấn đề quyền năng kinh tế của phụ nữ vào các chiến lược phát triển và khuôn khổ chính sách G20; nỗ lực hoàn tất mục tiêu của G20 về cải thiện 25% khoảng cách giới trong tham gia lực lượng lao động vào năm 2025, và bảo đảm đại diện của đối thoại phụ nữ W20 tham gia các kênh đối thoại và các cuộc họp của các quan chức cao cấp Nhóm G20.
Trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc, Đoàn ta đã chia sẻ thông tin về ưu tiên hợp tác APEC trong năm 2017 nhằm thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ, cũng như “Diễn đàn APEC về phụ nữ và kinh tế lần thứ 6” dự kiến diễn ra tại Huế tháng 9 năm nay.
Đoàn ta cũng nêu một số đề xuất tăng cường phối hợp giữa các cơ chế, nhất là giữa G20 với Diễn đàn APEC, trong thúc đẩy bình đẳng giới; đồng thời, nhấn vai trò tiên phong của Cộng đồng ASEAN trong hợp tác, liên kết khu vực và toàn cầu, thể hiện sinh động qua trọng trách nước chủ nhà Năm APEC 2017 của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN của Philippines và vai trò chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) của Myanmar vào thời điểm ASEAN trải qua đúng 50 năm hình thành và phát triển.
Đây là lần thứ hai Việt Nam được mời tham dự Thượng đỉnh phụ nữ G20. Việt Nam đã được mời dự Thượng đỉnh phụ nữ G20 lần đầu tiên tổ chức vào năm 2015 khi Thổ Nhĩ Kỳ là Chủ tịch G20 - là một trong 7 kênh đối thoại chính của Nhóm G20 với doanh nghiệp (B20), công đoàn (L20), các nhà nghiên cứu chính sách (T20), các nhà khoa học (S20), tổ chức phi chính phủ (C20) và thanh niên (Y20).
Các thành viên G20 đặc biệt đánh giá cao sự đóng góp tích cực, chủ động và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn mới.
Nguồn baoquocte