Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Việt Nam cùng một số nền kinh tế châu Á được nhận định là đã chứng tỏ được khả năng chống chịu trong bối cảnh biến động toàn cầu, vượt qua thách thức từ COVID-19.
Insider Monkey hôm 4/6 có bài viết về 21 nước giàu nhất châu Á. Trang này nhận định, các nước châu Á mới nổi này "đã thể hiện khả năng phục hồi trong bối cảnh bất ổn toàn cầu", "vượt qua một cách hiệu quả những thách thức do đại dịch COVID-19", chiến sự Nga - Ukraine và suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra.
"Điều này một phần có thể là do các chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô phù hợp, hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ và nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở một số quốc gia. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của các nước châu Á mới nổi được dự đoán sẽ tăng lên 5,3% vào năm 2023 và 5,4% vào năm 2024.
Đối với ASEAN, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trung bình dự kiến đạt 4,6% vào năm 2023 và 4,8% vào năm 2024, yếu hơn một chút so với đến năm 2022 nhưng vẫn thể hiện khả năng phục hồi dựa trên khung dự báo của Trung tâm Phát triển OECD", Insider Monkey viết.
Việt Nam lọt danh sách 20 nước giàu nhất châu Á. (Ảnh minh họa)
Về phương pháp, trang cho biết, để xác định những quốc gia giàu có nhất ở châu Á, "chúng tôi đã phân tích dữ liệu từ Sách dữ liệu về sự thịnh vượng toàn cầu của Credit Suisse năm 2022. Cơ sở dữ liệu này tính toán mức độ giàu có (tính đến năm 2021) dựa trên giá trị của tài sản tài chính và phi tài chính trừ đi nợ".
Việt Nam nằm trong danh sách, ở vị trí 16, với tổng tài sản năm 2021 được ước tính là 985 tỷ USD. Trang bình luận: "Mặc dù là một quốc gia đang phát triển với nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong thế kỷ 21.
Việt Nam là thành viên của một số tổ chức quốc tế và liên chính phủ, bao gồm ASEAN, APEC, CPTPP, Phong trào Không liên kết, OIF và WTO. Tổng tài sản của Việt Nam vào năm 2021 là 985 tỷ USD, trở thành một trong những quốc gia giàu nhất châu Á".
Nguồn VTC(Nguồn: Yahoo Finance )