BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Phước Chỉ – huyện Trảng Bàng: Tổng kết hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ cho xã nghèo biên giới

Cập nhật ngày: 19/10/2009 - 05:47

Ngày 17.10.2009, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ (NC&CGKHCN)-Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trảng Bàng và UBND xã Phước Chỉ tổng kết công tác chuyển giao khoa học công nghệ cho xã nghèo biên giới sau một năm thực hiện theo Chương trình 135.

Chương trình do Phòng NN& PTNT huyện Trảng Bàng làm chủ đầu tư; Trung tâm NC&CGKHCN thực hiện. Với mục tiêu là tập huấn cho cán bộ đầu ngành, Hội Nông dân, các hộ nông dân trong xã Phước Chỉ nâng cao kiến thức trong công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nâng cao khả năng trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, hiểu biết thị trường tiêu thụ. Nội dung chương trình gồm có 3 mô hình: Mô hình “Ứng dụng một số kỹ thuật mới trong thâm canh cây lúa nhằm tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm” (gọi tắt là mô hình trồng lúa); mô hình “Nuôi cá lăng nha” và mô hình “Trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi”.

Thăm mô hình trồng lúa Đại học Nông Lâm.

* Mô hình trồng lúa được thực hiện trình diễn ở 7 hộ nông dân, ở các ấp trong xã, với quy mô 0,5 ha/hộ (50 cao)trong một vụ lúa. Đây là mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác mới trong thâm canh cây lúa, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Để thực hiện mô hình, Trung tâm NC&CGKHCN -Trường Đại học Nông Lâm đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt là thực hiện quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bền vững. Các hộ nông dân tự bỏ công lao động chăm sóc lúa và hưởng toàn bộ sản phẩm trên mô hình. Đến nay tất cả các hộ này đều thu hoạch lúa xong và đều  có nhận xét chung là áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa của Trung tâm NC&CGKHCN cho kết quả tốt. Sử dụng ít phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, cũng như quy trình kỹ thuật chăm sóc đơn giản hơn cách sản xuất lúa truyền thống, nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn.

Mặt khác, khi áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ sẽ làm cho đất đai ngày càng màu mỡ hơn, tăng hàm lượng hữu cơ và các vi sinh vật có ích cung cấp cho cây trồng và tạo ra hệ thống nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường. Về hiệu quả kinh tế, các hộ thực hiện mô hình trồng lúa này đều có hiệu quả kinh tế cao hơn cách làm truyền thống. Tuy nhiên mức thu lãi chênh lệch giữa các hộ này có khác nhau. Cao nhất là hộ ông Đặng Văn Phượng, có mức thu lãi cao hơn cách làm truyền thống đến 3,188 triệu đồng (tính trên diện tích 0,5 ha), kế đến là hộ ông Bùi Văn Phưởng có mức thu lãi chênh lệch trên 3 triệu đồng. Người có mức thu lãi thấp nhất là hộ ông Hà Văn Son, cũng được hơn 146.000 đồng.

* Mô hình nuôi cá lăng nha được thực hiện cách đây 4 tháng, tại nhà ông Lê Văn Trạng, với diện tích mặt ao 1.600 m2, cá giống thả xuống ao ban đầu có trọng lượng khoảng 700 con/kg, số lượng thả 7.000 con. Thời gian thu hoạch cá là dự kiến khoảng 1 năm (khi đó trọng lượng cá đạt từ 1 -1,4kg/con). Đến nay cá đã được 120 gram/con. Như vậy là trọng lượng cá tăng khoảng 83 lần sau 4 tháng nuôi. Điều này cho thấy cá lăng nha có thể triển khai nuôi rộng rãi ở xã Phước Chỉ, nơi mà điều kiện ao hồ không có nước chảy ra vào thường xuyên. Đây là mô hình hiện nay đang được các hộ nông dân quan tâm nhiều nhất, vì nó có thể cho lợi nhuận cao.

Nuôi cá lăng nha.

* Mô hình trồng cỏ phục vụ chăn nuôi: Mục đích của mô hình này là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò thịt và kỹ năng trồng cỏ ủ rơm làm thức ăn cho bò. Giúp cho nông dân tăng thu nhập kinh tế từ phát triển chăn nuôi bò thịt. Mô hình trồng cỏ được Trung tâm NC&CGKHCN phối hợp với hai hộ nông dân Biện Văn Bao (ấp Phước Hưng) và Lê Văn Tuấn (ấp Phước Tân) thực hiện. Mô hình này bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2008, với tổng diện tích khoảng 2.000 m2. Nhìn chung cỏ phát triển chưa thật đều, thật tốt. Việc ủ rơm (ủ urê) làm thức ăn cho bò chưa được thường xuyên. Theo cán bộ Trung tâm NC&CGKHCN trồng cỏ ủ rơm làm thức ăn cho bò là một biện pháp cần thiết cho việc phát triển đàn bò. Việc thực hiện mô hình trồng cỏ, ủ rơm làm thức ăn cho bò tuy chưa được quan tâm rộng rãi của cộng đồng, nhưng đã trang bị cho người chăn nuôi một giải pháp kỹ thuật tích cực, chủ động để ứng dụng nhiều hơn ở các nơi trong tương lai.

D.H