Chưa bao giờ diện tích mía bị cháy trong 1 vụ lớn như vậy- gần 100 ha và đám cháy này chữa chưa xong lại xảy ra đám cháy khác cách đó không xa. Vụ cháy không chỉ làm hàng chục hộ nông dân bị thiệt hại mà còn làm “mất ăn, mất ngủ” cho nhiều hộ trồng mía khác.
Tập trung xe vận chuyển mía cháy |
Vụ cháy mía xảy ra trong đêm 5.11.2010 ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu có lẽ là vụ gây “kinh hoàng” nhất cho nông dân trồng mía. Bởi vì chưa bao giờ diện tích mía bị cháy trong 1 vụ lớn như vậy- gần 100 ha và đám cháy này chữa chưa xong lại xảy ra đám cháy khác cách đó không xa. Vụ cháy không chỉ làm hàng chục hộ nông dân trực tiếp bị thiệt hại mà còn tác động làm “mất ăn, mất ngủ” cho nhiều hộ trồng mía khác.
Có mặt tại ruộng mía bị cháy ngay hôm sau vụ cháy mía, chúng tôi chứng kiến cả một đồng mía trải dài hàng cây số cặp tuyến kênh tiêu ở ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh sau một đêm chỉ còn trơ lại những cây mía đen thui. Đây là ruộng mía tốt nhất trong vùng, năng suất bình quân hằng năm không dưới 80 tấn/ha. Trên cánh đồng mía còn đầy tro bụi sau vụ cháy đang có hàng chục xe máy cày, xe trâu và nhiều nhân công khẩn trương thu hoạch, hy vọng chở lượng mía cháy về nhà máy càng sớm càng đỡ thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Hoà- một chủ mía bị cháy đứng nhìn đám ruộng mía cháy đen của mình, than thở: “Cơm đến miệng rồi mà không được ăn”. Ông cho biết vụ cháy đêm qua đã thiêu rụi của ông hơn 13 ha. Ông Hoà là người trồng mía chuyên nghiệp và rất mạnh dạn đầu tư cho cây mía nên năng suất đám mía của ông bình quân không dưới 80 tấn/ha, trong đó có đám không dưới 100 tấn/ha. Với năng suất cao như vậy, sau cả năm trời cực khổ, ông hy vọng trong vài tuần nữa ông sẽ có lãi không dưới 35 triệu đồng/ha mía. Thế nhưng khoảng 4 giờ chiều ngày 5.11, đám cháy bắt đầu xuất hiện ngày càng lớn và lan nhanh. Dù phát hiện kịp thời và cùng nhau tổ chức ngăn lửa, nhưng với phương tiện thô sơ và sức nông dân có hạn nên không thể dập đám cháy được. Đến nửa đêm- khi lửa không còn chỗ để lan thì đám cháy mới tắt. Khoảng 1 sáng ngày 6.11, khu vực mía cách đó gần 1 cây số lại bị cháy. Một số nông dân chưa hết bàng hoàng về vụ cháy trước đã phải “vắt chân lên cổ” chạy cứu mía vụ cháy sau. Theo một số nông dân ở đây thì khi mía đã bị cháy, dù có được nhà máy sớm tiếp nhận đi nữa thì trước mắt nông dân cũng bị thiệt hại nặng do chất lượng mía thấp vì chưa chín đến đỉnh mà lại không được bảo hiểm chữ đường, sản lượng mía cũng giảm mạnh, đồng thời chủ mía phải chịu nhiều chi phí tăng bo, thu hoạch cao hơn bình thường khi cần thu hoạch khẩn trương. Nhiều nông dân trồng mía cho rằng nếu mía cứ cháy nhiều như vậy thì chắc chắn sẽ có không ít người chán nản và từ bỏ cây mía.
Anh Nguyễn Mạnh Cường- Trưởng Trạm Nông vụ Biên Hoà 4 cho biết, theo thống kê thì tổng diện tích mía bị cháy trong đêm 5.11 ở xã Phước Ninh lên đến khoảng gần 100 ha. Đây là vụ cháy mía có diện tích bị thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó phần diện tích do Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh đầu tư bị cháy khoảng hơn 40 ha và do Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) đầu tư bị cháy hơn 50 ha. Tổng sản lượng mía cháy trong vụ này có thể lên đến hơn 7.000 tấn. Điều đáng nói là hiện tại chỉ mới có Nhà máy đường Biên Hoà vào vụ chế biến, còn Nhà máy SBT thì đến ngày 11.11 mới vào vụ. Như vậy, toàn bộ mía cháy trong giai đoạn này chỉ trông mong vào Nhà máy đường Biên Hoà tiêu thụ cho nông dân trong thời gian sớm nhất.
Khẩn trương thu hoạch mía cháy |
Lãnh đạo Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh cho biết thiệt hại của nông dân cũng là thiệt hại của nhà máy, nên quan điểm của nhà máy là cố gắng tiêu thụ hết sản lượng mía cháy cho bà con nông dân trong thời gian nhanh nhất. Thế nhưng hiện tại nhà máy cũng đang gặp khó khăn về khâu tiếp nhận mía. Bởi vì ngay từ đầu vụ, nhà máy đã có lịch chặt mía và phân bố cụ thể cho từng trạm nông vụ thực hiện vừa đủ với công suất của nhà máy. Trước khi xảy ra cháy, có một số ruộng mía đã tiến hành chặt xong, chờ phương tiện vận chuyển về nhà máy. Sản lượng mía này bắt buộc phải đưa về nhà máy sớm để không làm thiệt hại cho chủ mía nếu bỏ bãi. Vì thế cho nên, lượng mía cháy đưa về nhà máy trong những ngày đầu tối đa chỉ được khoảng 400 tấn/ngày, hơn nữa thì sẽ vượt quá công suất. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra cháy mía, lãnh đạo nhà máy đã thông báo đến các trạm nông vụ cắt giảm sản lượng mía tươi đã có lịch chặt để có thể tăng sản lượng mía cháy đưa về nhà máy. Biện pháp “chữa cháy” trên dù sao cũng chỉ là đối phó trước mắt.
Về lâu dài, cả nhà máy và nông dân cùng kiến nghị các cấp, các ngành tổ chức hội nghị chuyên đề về thực trạng mía cháy, có giải pháp hữu hiệu, có sự phân nhiệm cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ tài sản cho nông dân. Khi tài sản trên đồng ruộng được bảo vệ thì người trồng mía mới yên tâm đầu tư sản xuất và quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía của Tây Ninh mới có thể thực hiện được.
SƠN TRẦN