BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc

Cập nhật ngày: 24/09/2010 - 10:27

Kết quả khảo sát thực trạng 82 xã nông thôn trên địa bàn Tây Ninh của Sở NN&PTNT Tây Ninh cho thấy, sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông thôn Tây Ninh đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Kinh tế nông thôn chuyển dịch đúng hướng; dịch vụ, ngành nghề sản xuất, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn (giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, điện, bưu chính viễn thông) được đầu tư phát triển.

Tính đến nay, 96% xã, ấp nông thôn trong toàn tỉnh có điện lưới quốc gia với 97,6% hộ dân sử dụng điện. Đã có 925km đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng, láng nhựa và 2.174 km được nâng cấp, trải sỏi đỏ; 100% ấp có đường ô tô đến văn phòng ấp; 100% xã có đường ô tô được nhựa hoá đến trụ sở xã. Có 70.619 ha đất nông nghiệp được hệ thống thuỷ lợi dẫn nước tưới, tiêu; đã kiên cố hoá (bê tông xi măng) 135 km kênh cấp 2, cấp 3. Hiện 100% xã có trường tiểu học, THCS; 85,5% trạm y tế có bác sĩ; 86,6% xã có chợ; mạng lưới bưu chính- viễn thông phát triển rộng khắp ở nông thôn. Toàn tỉnh có 97 điểm thông tin (bưu cục cấp 2, cấp 3, điểm bưu điện văn hoá xã). Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 80%. Bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi, kinh tế nông thôn phát triển, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 27%. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân người dân tộc thiểu số được nâng lên thấy rõ. Thu nhập bình quân ở nông thôn đạt 10.072.053 đồng/nhân khẩu/năm.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy nông thôn Tây Ninh còn không ít hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Có đến 70/82 xã (85% số xã nông thôn của tỉnh) đạt dưới 60% các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (19 chỉ tiêu). Chỉ có 7 xã đạt từ 60 đến 80% và 5 xã đạt trên 80% các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, đời sống nhân dân ở vùng nông thôn có phát triển nhưng chưa vững chắc, phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và giá cả; cây trồng, vật nuôi phát triển không ổn định; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng còn thấp; chất lượng hàng nông sản còn kém, chưa đủ sức cạnh tranh.

Cho đến nay, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn vẫn còn chậm phát triển, chưa thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa chặt chẽ, còn tình trạng sử dụng đất sai mục đích. Một bộ phận nông thôn chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định nhưng chưa được giải quyết kịp thời.

Sở NN&PTNT nhận định, việc xây dựng xã nông thôn mới của tỉnh đạt tiêu chí quốc gia trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Hiện tỉnh đang xây dựng Đề án nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dự kiến, đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 15% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020 sẽ có 50% số xã đạt tiêu chuẩn này.

Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành bao gồm 19 tiêu chí chính để xây dựng mô hình nông thôn mới: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hoá, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội.

Bộ tiêu chí đưa ra chỉ tiêu chung cả nước và các chỉ tiêu cụ thể theo từng vùng: Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của mỗi vùng. Mỗi tiêu chí đều được quy định mức chỉ tiêu cụ thể đối với từng xã để được công nhận đạt xã nông thôn mới.

Bộ tiêu chí cũng quy định, tất cả các xã nông thôn mới đều phải có hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; có nhà văn hoá và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch; có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có Internet đến thôn; có tổ hợp tác  hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và không có nhà tạm, dột nát...

Để được công nhận là huyện nông thôn mới, phải có 75% số xã trong huyện đạt nông thôn mới. Nếu tỉnh có 80% số huyện nông thôn mới thì sẽ đạt tỉnh nông thôn mới.

 BẢO TÂM