BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bất cập ở các xã nông thôn mới

Bài 3: An Hoà, An Tịnh - đường sá hư hỏng, xuống cấp “thậm tệ” 

Cập nhật ngày: 19/09/2018 - 18:13

BTN - Theo phản ánh của người dân, tuyến đường liên xã Gia Bình - An Hoà là trục đường chính nối liền từ quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) đến ấp An Thới, dài khoảng 2km, hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, mặt nhựa bong tróc tạo nhiều hố sâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tuyến đường Suối Sâu - An Khương có đoạn bị hư hỏng trầm trọng, nhưng không được quan tâm sửa chữa.

An Tịnh (huyện Trảng Bàng) là một trong những xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh. Không chỉ là địa phương duy nhất của tỉnh có đến 2 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn là KCN Trảng Bàng và KCN Linh Trung III, xã còn có vị trí địa lý “lý tưởng”, là cửa ngõ của Tây Ninh với thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi An Tịnh sớm cán đích NTM năm 2015. Thế nhưng, sau gần 4 năm được công nhận đạt chuẩn, một số tiêu chí trong bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM của xã này đã bị “rơi rụng”.

 

Gần đây, con đường từ ngã ba An Khương dẫn đến cổng KCN Linh Trung III, dài khoảng 500m là nỗi ám ảnh của công nhân và người đi đường. Theo ông Ðặng Văn Ðoàn (ngụ ấp An Khương), đây là tuyến đường có nhiều phương tiện tham gia giao thông, nhưng xuống cấp trầm trọng, mặt đường xuất hiện nhiều hố sâu, trở thành những “cái bẫy” nguy hiểm. “Mưa nhỏ thì trơn trượt, mưa lớn thì ngập, có nơi sâu gần cả mét khiến nhiều xe máy lưu thông qua đây bị chết máy, người lẫn xe bị trượt ngã”- một người dân nói.

Sinh sống tại khu vực này, ông Trần Thành cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhanh xuống cấp của đoạn đường này là một số hộ dân xây dựng công trình lấn chiếm lề đường, lấp các miệng cống thoát nước, gây ứ đọng làm hỏng nền đường. Ðồng thời, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải có tải trọng lớn, xe kéo container “cày xới” khiến con đường nhanh hư hỏng.

Còn tuyến đường từ ngã ba Cây Khế (ấp An Khương, xã An Tịnh) đến ngã ba Cây Dương (ấp Lộc An, xã Lộc Hưng) và đoạn từ ngã ba Cây Dương đến giáp ranh thành phố Hồ Chí Minh đã hư hỏng từ hơn hai năm qua. Dù đường đã được giặm vá bằng đá nhưng sau nhiều tháng vẫn chưa được trải nhựa nên nhiều chỗ lại bong tróc, đá vương vãi đầy đường gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.

Chủ một tiệm hớt tóc trên đường này cho biết, hằng ngày có hàng trăm chiếc ô tô tải, xe kéo container lưu thông, người dân ven đường không chỉ phải chịu đựng cảnh “nắng bụi, mưa lầy” đã lâu, mà còn nơm nớp lo sợ trước những “cái bẫy” từ ổ gà, ổ voi và đá vương vãi trên đường.

Mặc dù là xã NTM nhưng nhiều nơi trên địa bàn xã An Tịnh vẫn tồn tại tình trạng người dân đem rác bỏ giữa đường, hay đem bã mía phơi ngay trên dải phân cách... Một người dân sinh sống tại ngã tư Suối Sâu cho biết, nhiều năm nay, chợ công nhân ở khu vực này nhóm họp giữa đường gây ách tắc, mất trật tự an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường lẫn an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đó, ven quốc lộ 22, nhiều chỗ nước đen ngòm ứ đọng.

Theo phản ánh của người dân, tuyến đường liên xã Gia Bình - An Hoà là trục đường chính nối liền từ quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) đến ấp An Thới, dài khoảng 2km, hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, mặt nhựa bong tróc tạo nhiều hố sâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Theo ông Ðỗ Anh Dũng (người dân ấp An Thới, xã An Hoà), đây là con đường duy nhất trong ấp kết nối với bên ngoài nên khi đường hư, việc lưu thông của người dân hết sức khó khăn. Còn theo ông Nguyễn Văn Son (người dân ấp Bình Nguyên 2, xã Gia Bình), năm ngoái, một thanh niên do tránh “ổ gà” nên tông vào thành cống bằng bê tông gần ruộng của ông chết ngay tại chỗ.

“Nếu Nhà nước chưa thể nâng cấp, sửa chữa thì cũng nên giặm vá lại những đoạn hư hỏng để nhân dân chúng tôi an tâm lưu thông. Nếu cứ để như thế này đến hết mùa mưa năm nay thì con đường này tan nát hết”- ông Son trăn trở.

Trên địa bàn xã An Hoà còn một đoạn đường ngắn hơn 100m từ đường 787 giao với đường liên xã An Hoà - Gia Bình (khu vực gần chợ An Hoà) bị hư hỏng nặng nề. Người dân gọi những chỗ thủng trên đường là “ổ khủng long”. Một người dân giấu tên bức xúc: “Chỉ có một đoạn ngắn mà sao Nhà nước không chịu sửa chữa để giờ đường thành sông, thành suối khi mưa. Ðã có rất nhiều người bị té khi đi qua đây”.

Nhóm PV Kinh tế

Tin liên quan