Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Gỡ khó” cho ngành Y tế - Không chỉ “một ngày, một bữa”
Bài 1: Y tế Tây Ninh trước và trong đại dịch Covid-19
Thứ hai: 08:01 ngày 21/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành Y tế và công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trong những lần thăm, trò chuyện, động viên cán bộ y tế, bệnh nhân tại nhiều bệnh viện, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Sức khoẻ là vốn quý của con người. Nhân dân có sức khoẻ tốt thì dân tộc ta mới phát triển trường tồn, đất nước mới cường thịnh. Đảng,

Nhà nước ta luôn quan tâm và coi công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân là nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Người thầy thuốc có vinh dự to lớn, nhiệm vụ vẻ vang nhưng hết sức nặng nề”. Tổng Bí thư chỉ rõ, muốn khám, chữa bệnh (KCB) tốt, cần phải có phương tiện máy móc, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, có nhiều thuốc tốt và đặc biệt là phải có thầy thuốc giỏi.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tây Ninh Phạm Hùng Thái trao tặng quà cho công nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần (ảnh chụp năm 2022)

Trong bối cảnh chung hệ thống y tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, phải đối mặt với những vấn đề sau đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, ngành Y tế tỉnh Tây Ninh cũng đang từng ngày đương đầu với những khó khăn, bất cập, đó là nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng cao trong khi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; tình trạng thiếu thuốc, hoá chất, vật tư y tế; nợ công; hàng loạt bác sĩ, điều dưỡng khu vực công nghỉ việc... Câu hỏi đặt ra: “Làm gì và như thế nào để sớm giải quyết những tồn đọng trong hệ thống y tế công lập nhằm bảo đảm công bằng, phục vụ tốt hơn nhu cầu KCB của nhân dân?”. Để trả lời được câu hỏi này không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có quyết tâm cao- không chỉ riêng ngành Y, mà còn của cả hệ thống chính trị tỉnh Tây Ninh, kịp thời đề ra những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết 20) đã chỉ rõ “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Nghề Y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Nghị quyết 20 chỉ rõ 9 nhiệm vụ và giải pháp, tạo ra sự kỳ vọng lớn trong xã hội về nâng cao chất lượng y tế. Khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là yếu tố hàng đầu của công tác an sinh xã hội, trực tiếp bảo vệ giống nòi, bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan tâm đầu tư cho y tế 

Mục tiêu của Nghị quyết 20 là “nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế... Phấn đấu đến năm 2030, tuổi thọ trung bình người Việt Nam khoảng 75 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm... đạt 11 bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%...”.

Bác sĩ, điều dưỡng trước đại dịch Covid-19.

Với quan điểm đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển, ngay từ đầu năm 2018, tỉnh Tây Ninh đã đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế và các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khoẻ như môi trường, thể dục, thể thao, văn hoá... vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; ngân sách Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực y tế bảo đảm nguồn lực thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành, thể hiện rõ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với ngành Y tế.

Theo đó, năm 2020, tỉnh tăng chi đảm bảo tiền lương, chế độ ưu đãi, độc hại cho nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh (từ 8 biên chế lên 20 biên chế); xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, chương trình về “nâng cao sức khoẻ và tầm vóc người Tây Ninh”, quản lý dịch bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm; ban hành chính sách giảm thiểu trở ngại về tài chính trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, chất lượng KCB; tăng chi thực hiện Chương trình mục tiêu y tế dân số, trong đó, tăng chi cho phòng, chống bệnh phong, lao, tâm thần...; hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên cho trạm y tế xã, chi trả trợ cấp bác sĩ, y tế ấp, khu phố, cộng tác viên; đầu tư trang thiết bị y tế từ nguồn kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT theo quy định.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát (năm 2021-2022), tỉnh đã dành trên 60% ngân sách y tế chi cho công tác phòng dịch và dành gần 40% chi cho công tác điều trị bệnh Covid-19.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát (năm 2021-2022), tỉnh Tây Ninh đã dành nhiều nguồn lực cho công tác điều trị.

Tỉnh ban hành Nghị quyết 11 năm 2019 và Nghị quyết 14 năm 2021 về chính sách hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực Y tế tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2021 nhằm thu hút nhân tài của ngành Y tế về và làm việc tại tỉnh nhà. Kết quả, tỉnh đã thu hút được 21 bác sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa ngành Y và 26 sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học loại giỏi, trình độ thạc sĩ về công tác. Năm 2022, tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 47 về “chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế”, nhờ đó, lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ được hỗ trợ 3-4 triệu đồng/người/tháng, giúp họ có thu nhập tương đối phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, ổn định nhân lực cho công tác KCB và phòng bệnh. Ngành Y tế cũng đã hoàn thành công tác xây dựng Đề án vị trí việc làm, đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định.

Mạng lưới các đơn vị y tế tiếp tục được tinh gọn theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nhiều bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa. Công tác xây dựng trạm y tế theo mô hình điểm của Bộ Y tế được triển khai tích cực; từng bước triển khai thực hiện mô hình hoạt động bác sĩ gia đình; duy trì tốt tiêu chí quốc gia về y tế xã, phường, thị trấn. Hằng năm, trên 95% trẻ từ 6-36 tháng tuổi được uống vitamin A, góp phần khống chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Các chính sách của Nhà nước về y tế được triển khai thực hiện như: tiêm chủng; dự phòng; phòng, chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, KCB cho người nghèo, cho đối tượng chính sách cùng các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh...

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện

Trên địa bàn tỉnh có 4 bệnh viện công lập (gồm: Đa khoa Tây Ninh, Phục hồi chức năng, Y dược cổ truyền, Lao và Bệnh phổi); 4 bệnh viện đa khoa tư nhân, 9 trung tâm y tế cấp huyện và 94 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc trung tâm y tế cấp huyện. Hệ thống bệnh viện đảm bảo tính kết nối, có đủ các chuyên khoa đáp ứng theo mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân; ứng dụng nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong hoạt động phòng bệnh, KCB. Triển khai thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật mới ở các đơn vị như: nội soi dạ dày, chụp CT Scan ở một số đơn vị tuyến huyện... từng bước nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân.

Thực hiện Quyết định 1816 ngày 26.5.2008 của Bộ Y tế, phê duyệt Đề án “cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, ngành Y tế Tây Ninh đã liên kết với các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh: Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Từ Dũ, Nhi Đồng 2, Tim mạch, Mắt TP. Hồ Chí Minh... trong công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu, tiên tiến như kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, lọc máu liên tục, triển khai đơn nguyên đột quỵ...

Trong năm 2024, ngành Y tế Tây Ninh đã thực hiện hợp tác liên kết vùng với các tỉnh, thành Đông Nam bộ. Đây là động lực, là cơ hội để y tế các tỉnh, thành trong khu vực nói chung và Tây Ninh nói riêng tiếp cận được các kỹ thuật y học tiến bộ của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh.

Tỉnh Tây Ninh có 120 cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau, trong đó có 11 phòng khám đa khoa tư nhân; 99 phòng khám chuyên khoa và cơ sở y tế tư nhân khác cùng 1.177 cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm tư nhân, các phòng khám tiêm chủng vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ chất lượng cao cho người dân.

Trên thực tế, sự phát triển của cơ sở dịch vụ y tế tư nhân cả trong lĩnh vực y và dược đã góp phần cung cấp hàng hoá, dịch vụ y tế được đa dạng hơn, tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các hàng hoá và dịch vụ y tế; giảm tải cho các cơ sở y tế công lập, nâng cao năng lực cho ngành Y tế tỉnh Tây Ninh cả về lượng lẫn về chất.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Cũng từ đây, những bất cập trong ngành Y tế dần lộ diện…

Tâm Giang - Nhật Thư

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục