Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xây dựng về đạo đức trong công tác xây dựng Đảng tự nó trở nên hết sức quan trọng, xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn.
“Đạo đức cách mạng là nền tảng, là vấn đề cốt lõi chi phối toàn bộ hoạt động, mục tiêu, lý tưởng chính trị và phẩm chất chính trị của Đảng nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng nói riêng. Xây dựng về đạo đức trong công tác xây dựng Đảng tự nó trở nên hết sức quan trọng, xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Đạo đức là gốc của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, làm cách mạng là công việc to tát, nếu không có đạo đức thì làm sao làm nổi, làm sao lãnh đạo được Nhân dân”- nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản viết và phát biểu tại cuộc hội thảo “Báo Đảng với công tác tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức”, tổ chức tại tỉnh Bình Phước, ngày 8.8.2024.
Dân tộc độc lập, nhân dân hạnh phúc
Nhà báo Nhị Lê viết, đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng phải được coi là vấn đề rất quan trọng, phải được quan tâm xứng đáng và ngang tầm trọng trách trong tất cả các giai đoạn cách mạng. Vấn đề đạo đức có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức và rộng hơn là kinh tế, ngọai giao. Mục tiêu chính trị của Đảng ta là gì, nếu không phải là vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý tưởng chính trị. Vì lý tưởng cao cả đó, biết bao chiến sĩ cộng sản đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đó chính là đạo đức chính trị. Mục đích cao nhất của đạo đức chính trị của Đảng Lao động Việt Nam gọn gồm tám chữ: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” (Hồ Chí Minh). Trung với nước, hiếu với dân là một phẩm chất đạo đức, đồng thời là lý tưởng chính trị của những chiến sĩ cộng sản chân chính, về tư tưởng chính trị. Tư tưởng đạo đức không chỉ thể hiện nhận thức đúng đắn về các giá trị đạo đức, nó còn chi phối hành động đạo đức. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, không thể không quan tâm đến xây dựng tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng về tổ chức. Dù hàng vạn chi bộ hay cơ sở đảng, hàng triệu đảng viên nhưng được tổ chức chặt chẽ, để Đảng trở thành một khối thống nhất như “cha con một bụng”, trăm người như “huynh đệ một nhà”, “muôn cành chung một cội”. Để tạo nên một tổ chức như vậy, không thể chỉ quan tâm đến các nguyên tắc, coi nhẹ hoặc lãng quên giáo dục đạo lý, tình thương, lẽ phải… tức là đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Như vậy, đối với Đảng, đạo đức chính là chính trị.
Không phải ngẫu nhiên, ngay từ “Tư cách của người cách mạng” ở tác phẩm “Đường kách mệnh” (năm 1927) và trong “Mười hai điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính” ở tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Trong di chúc (năm 1969), Người vẫn căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đạo đức của Đảng biểu hiện tập trung ở mục tiêu, lý tưởng chính trị và hành động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đó là tiên phong thực hiện sứ mệnh giải phóng con người, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người. Từ mục tiêu, lý tưởng đó, toàn Đảng và từng cán bộ, đảng viên trong mọi suy nghĩ và hành động phải quán triệt và thấm nhuần sâu sắc phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Thời kỳ phát triển mới của đất nước, hơn lúc nào hết, đòi hỏi tư duy về phát triển, hoạch định chính sách phát triển đều phải tự nó hàm chứa và thấm đẫm yếu tố đạo đức và văn hoá. Phát triển kinh tế - xã hội vừa phải được định hướng chính trị, vừa được bảo đảm bởi sức mạnh đạo đức và văn hoá, nhất là đạo đức, văn hoá của Đảng trong điều kiện của một đảng lãnh đạo, cầm quyền. Đó là yêu cầu tất yếu của mục tiêu phát triển đất nước bền vững, dưới ngọn cờ của Đảng. Đó là đạo đức chính trị trong kinh tế. Đối với Đảng, đạo đức lại là kinh tế.
Đạo đức của Đảng nói chung và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, là tư chất của Đảng. Hơn 90 năm lịch sử của Đảng, không phải tới Đại hội XII, Đảng mới đề cập đến vấn đề rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Tuỳ vào tình hình, mức độ và yêu cầu đặt ra trong từng giai đoạn, từng nhiệm kỳ để Đảng xác định cụ thể về nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức. Bởi lẽ, đạo đức là “cái gốc” để tạo nên sức mạnh chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng. Đối với Đảng, chính trị, ngoại giao là đạo đức.
Từ khi ra đời, Đảng trở thành người đồng chí, người bạn của gần 100 đảng cộng sản và công nhân, các đảng cầm quyền và liên minh các đảng cầm quyền khắp các châu lục, đầy tin cậy và tôn trọng. Dưới ngọn cờ của Đảng, nước ta đặt mối giao hảo chính trị, hợp tác toàn diện ở các tầm mức khác nhau với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tình bạn thuỷ chung, đối tác tin cậy… Vị thế chính trị quốc gia, nhờ đó, được khẳng định và uy tín chính trị dân tộc không ngừng được nâng cao. Nền tảng làm nên và là riềng mối bảo đảm các mối quan hệ chính trị ấy là gì, nếu không phải là tình hữu ái nhân loại, tình đồng chí, tình bầu bạn… nghĩa là đạo đức chính trị. Đối với Đảng, chính trị, kinh tế hay ngoại giao suy cho tới cùng là đạo đức.
Một lĩnh vực cơ bản
Xây dựng Đảng về đạo đức, phải đặt lên hàng đầu, vì điều đó quyết định sức sống, năng lực, uy tín lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Không có bảo đảm về đạo đức, mọi nỗ lực xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức không thể thành công.
Những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cho thấy, khi Đảng giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng gương mẫu đi đầu thì niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố, tăng cường. Sức mạnh của cách mạng nước ta vì thế được khơi nguồn, giữ gìn, phát huy cao nhất. Điều đó khẳng định việc xây dựng Đảng về đạo đức phải là một trong những lĩnh vực cơ bản, là một trong những giải pháp chủ yếu và quan trọng để củng cố và tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết nhân dân và đoàn kết quốc tế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” và Kết luận số 21-KL/TW “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của Hội nghị Trung ương khoá XIII là sự tiếp tục tự nhiên vấn đề cơ bản, nhu cầu tự nhiên đó. Như vậy, xây dựng Đảng về đạo đức là điểm mới mẻ, công việc rất quan trọng được Đại hội XII khẳng định. Đại hội XII và XIII của Đảng lĩnh nhiệm yêu cầu lịch sử và trọng trách cần phải có và quyết định phải xây dựng Đảng về đạo đức là công việc ngang hàng trong tổng thể các công việc xây dựng Đảng, chỉnh đốn về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Nghĩa là, đối với toàn bộ công việc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng từ chính trị, kinh tế tới xã hội, ngoại giao… là vậy. Nó góp phần quyết định hoàn thiện bản chất của Đảng, phát triển công tác xây dựng Đảng ở tầm mức mới cả về định tính và định lượng, ở quy mô và tính chất. Mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” trở nên hoàn bị, hài hoà và thiết thực, ngang tầm vị thế và trách nhiệm lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Việt Đông
(Còn tiếp)