Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cách mạng tháng Tám: Không bàn tay nào che nổi “Mặt trời chân lý”
Bài 4: Cuộc cách mạng và bản tuyên ngôn bất hủ
Thứ bảy: 05:32 ngày 07/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong dịp kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh, một vị giáo sư tuổi bát tuần đăng Tuyên ngôn độc lập trên trang cá nhân nhưng lại kèm theo dụng ý xấu khi cắt xén nội dung của bản Tuyên ngôn.

Thật thiếu sót nếu loạt bài này không đề cập đến Tuyên ngôn độc lập- áng thiên cổ hùng văn. Bản Tuyên ngôn đanh thép về chính trị, mềm dẻo về ngoại giao, nhân đạo về chính sách và đẹp như một bài thơ chính luận. Có điều này cần nói trước, trong dịp kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh, một vị giáo sư tuổi bát tuần đăng Tuyên ngôn độc lập trên trang cá nhân nhưng lại kèm theo dụng ý xấu khi cắt xén nội dung của bản Tuyên ngôn. Có bạn đọc bình luận rằng, một người mang học hàm giáo sư không nên có hành vi như vậy, vì nó không nghiêm cẩn về học thuật và không đàng hoàng về tư cách.

Trong khi một số người Việt ở trong nước hoặc nước ngoài không ngừng tấn công, bôi đen về sự kiện lịch sử mùa thu tháng Tám và thoá mạ vị lãnh tụ, linh hồn của cuộc cách mạng thì chính những người ở các quốc gia từng đem quân xâm chiếm Việt Nam lại thừa nhận sự vĩ đại của Người.

Tuyên ngôn độc lập- áng thiên cổ hùng văn có một câu rất tinh tế, đó là câu Bác nói: “...suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là, tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng...”. Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ chỉ nói “mọi người sinh ra có quyền bình đẳng”, trong khi Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam khẳng định không chỉ “mọi người” bình đẳng mà mọi dân tộc đều bình đẳng. Đây là thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến các đại cường lúc đó, rằng mọi dân tộc, quốc gia đều có quyền bình đẳng như nhau.

Còn 22 năm nữa, Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc tại Hà Nội tròn 100 năm. Càng lùi xa, càng thấy giá trị bất hủ của bản tuyên ngôn này. Chúng ta biết rằng, Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 ra đời từ sau cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và cuộc đại cách mạng tư sản Pháp.

Trên cơ sở kế thừa những tư tưởng tiến bộ thời kỳ Khai sáng, hai bản tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp là lời khẳng định đầy sức thuyết phục về quyền con người, quyền dân tộc, về nguyên tắc “chủ quyền nhân dân” trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến chuyên chế, hướng con người vươn tới các giá trị dân chủ, giá trị nhân văn cao cả về tự do, bình đẳng, bác ái.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ, tác giả Thomas Jefferson (sau này là Tổng thống Mỹ) khẳng định các nước thuộc địa phải có quyền là quốc gia tự do và độc lập, xoá bỏ quyền thống trị của thực dân Anh. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 nêu rõ: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Từ những dòng đầu tiên trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu nổi tiếng nhất trong hai bản tuyên ngôn lịch sử đó với thái độ rất trân trọng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”.

Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ những giá trị nhân văn mang tính phổ quát toàn nhân loại làm cơ sở, mục tiêu cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam cũng là nhằm thực hiện những quyền chính đáng, thiêng liêng không ai có thể xâm phạm, là sự tiếp nối của lá cờ giải phóng dân tộc, giải phóng con người mà các cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ đã giương cao.

Không chỉ kế thừa, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng, phát triển vượt bậc những giá trị của các bản tuyên ngôn trước đó trong thời đại mới. Có nhà nghiên cứu chỉ ra, Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, nguyên bản câu “tất cả mọi người” là “tất cả đàn ông” (all men).

Nguyên bản của câu đó là đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm cuối thế kỷ XVIII khi chế độ nô lệ, tệ phân biệt chủng tộc còn tồn tại, những người đàn ông có quyền mà Tuyên ngôn đề cập đến chỉ là những người đàn ông da trắng. Như vậy, các quyền cơ bản của con người, quyền vốn có ấy chỉ dành cho đàn ông da trắng. Trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách rõ ràng, quyền là dành cho “tất cả mọi người”, không phân biệt địa vị, thành phần, tôn giáo, giới tính, sắc tộc. Đó là sự mở rộng tuyệt đối, đem lại những giá trị to lớn và phù hợp với sự phát triển tiến bộ của nhân loại.

Trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Hà Nội năm 1945, Hồ Chí Minh mở rộng nội hàm khái niệm quyền dân tộc cả chiều rộng và chiều sâu. Xuất phát từ hoàn cảnh nước Việt Nam thuộc địa vừa mới giành độc lập và bối cảnh lịch sử quốc tế bấy giờ, Hồ Chí Minh khẳng định: quyền dân tộc không chỉ là quyền dân tộc tự quyết, mà còn là quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Độc lập dân tộc đã gắn bó mật thiết với các nguyên tắc dân tộc bình đẳng và tự quyết, với quyền sống và quyền hạnh phúc của mỗi dân tộc. Hơn nữa, quyền độc lập, bình đẳng ở đây phải được xác lập trong mối quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu hay khác nhau về thể chế chính trị. Vì thế, Tuyên ngôn độc lập không còn chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà đó còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc nhỏ yếu đang chịu sự cai trị của chủ nghĩa thực dân.

Từ quyền con người suy rộng ra quyền dân tộc, Tuyên ngôn độc lập đã góp phần tạo lập và khẳng định một nền pháp lý và công lý mới của văn minh nhân loại, hướng tới công bằng, bình đẳng, xoá bỏ ách áp bức, bóc lột, bất công trên bình diện quốc gia và quốc tế.

Công lý ấy về sau không chỉ trở thành nguyên tắc lập hiến của Việt Nam, của nhiều quốc gia khác mà trở thành điều khoản pháp lý quốc tế khi nó được ghi vào các công ước quốc tế liên quan đến chủ quyền quốc gia, về quyền độc lập dân tộc và quyền tự quyết.

Nhìn lại hành trình từ lúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng với hình ảnh “Từ đó, Người đi những bước đầu/ Lênh đênh bốn biển, một con tàu/ Cuộc đời sóng gió, trong than bụi/ Tay đốt lò, lau chảo, thái rau”… cho đến ngày Tuyên ngôn độc lập ra đời khẳng định trước thế giới “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” là một hành trình “ba mươi năm ấy chân không nghỉ”. Sinh thời, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng trả lời báo chí phương Tây rằng, tính từ khi Pháp xâm lược Việt Nam cho đến trước năm 1930, theo thống kê, cả nước có 300 cuộc nổi dậy, khởi nghĩa chống Pháp nhưng đều thất bại.

Đúng như nhà thơ chính luận Chế Lan Viên viết: “Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời/ Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá/ “Những pho tượng chùa Tây Phương” không biết cách trả lời/ Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ/ Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi/ Rồi với đôi tay trắng từ Đinh, Lý, Trần, Lê... Đảng làm nên công nghiệp/ Điện trời ta là sóng nước sông Hồng/ An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép/ Loa thành này có đẹp mắt Người chăng?”.

Cần nhắc lại, năm 2015, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Washington D.C, Phó Tổng thống lúc đó, ông Joe Biden (giờ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ) đọc tặng Tổng Bí thư hai câu Kiều bằng tiếng Anh: “Thank heaven we are here today/ To see the sun through parting fog and clouds” (Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”), nhằm nói về quan hệ giữa hai nước.

Loạt bài này lên trang báo đúng dịp Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam (từ 10 - 11.9.2023) theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Đây cũng là cột mốc rất quan trọng trên hành trình nỗ lực chung của hai nước để hiện thực hoá mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bức thư tháng 2.1946 gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman, đó là Việt Nam có quan hệ hợp tác đầy đủ với Mỹ”- theo đánh giá của Bộ Ngoại giao.

Điều này chứng minh, “không ai thay đổi được quá khứ, còn tương lai phụ thuộc vào chúng ta”. Qua đó mới thấy, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, ở bất kỳ thời đại nào, đều là những “ngọn núi”. Do đó, đừng mất thời gian ném đá vào những “ngọn núi” ấy, bởi vì, càng bị ném đá, ngọn núi chỉ càng cao hơn mà thôi.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, Tuyên ngôn độc lập được in toàn văn, nguyên văn và dạy rất kỹ trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12. Tuyên ngôn độc lập xuất hiện nhiều lần trong đề thi tốt nghiệp THPT. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Tuyên ngôn độc lập là một trong sáu tác phẩm (rất ít) bắt buộc phải dạy, gồm: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập. Nói như vậy để thấy giá trị của áng thiên cổ hùng văn này không chỉ trên phương diện chính trị, lịch sử, ngoại giao, pháp lý mà còn có giá trị cao về nghệ thuật. Trong đó, nghệ thuật lập luận của bản Tuyên ngôn được đánh giá là mẫu mực, kinh điển, văn phong hiện đại.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục