Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sốt giá bất động sản Tây Ninh- mừng hay lo?
Bài 4: Khổ vì "quy hoạch" !
Chủ nhật: 23:03 ngày 24/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có một thực trạng cần quan tâm là sự bất cập trong việc công bố “quy hoạch”, xác định “đất quy hoạch” của cơ quan chức năng thời gian qua. Nhiều trường hợp đất “bỗng dưng bị quy hoạch” khiến người dân dở khóc dở cười. Cũng có những trường hợp từ khi được cơ quan chức năng thông báo (miệng) là đất “vừa bị quy hoạch” cho đến khi đất được “xoá quy hoạch” chỉ trong vài tháng!?

Một dự án bất động sản ở trung tâm Thành phố.

Cuối năm 2017, khi “cơn sốt đất” đang bùng lên, bà B (ngụ phường Hiệp Ninh) mua một mảnh đất trồng cây lâu năm có diện tích 400m2 tại khu phố Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh với giá “vừa phải” so với giá thị trường lúc đó nên bà rất mừng. Trước khi mua, bà B đã cẩn thận liên hệ với cơ quan chức năng kiểm tra thông tin, kiểm tra quy hoạch và tìm hiểu xem đất này có được chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất thổ cư hay không. Người thực hiện kiểm tra, rà soát trả lời cho bà B biết là đất này không “dính” bất kỳ quy hoạch nào, đồng thời đất này cũng được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở.

Bà B thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất trên, đồng thời thuê đơn vị thiết kế bản vẽ công trình nhà ở với dự định sau khi được cấp “sổ đỏ”, bà sẽ chuyển mục đích sử dụng sang đất ở rồi xây nhà. Thế nhưng, sau khi nhận “sổ đỏ”, bà B thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất được vài hôm thì bị trả hồ sơ với lý do “đất dính quy hoạch”.

Bà B thất vọng, thắc mắc: “Mới chưa đầy 1 tháng trước, cơ quan chức năng kiểm tra và trả lời là đất này không bị quy hoạch và được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, sao giờ lại nói là đất bị quy hoạch?”. Cán bộ ở cơ quan thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trả lời “Lúc trước chưa quy hoạch, mới quy hoạch được vài ngày nay”. Bà B hỏi quy hoạch gì thì anh cán bộ trả lời qua quýt “chỉ biết quy hoạch vậy thôi”.

Nhiều ngày sau đó, bà B vẫn còn buồn bã, bức xúc trước tình trạng quy hoạch vô lý, khó hiểu như trên thì gặp một người quen làm “cò” đất. Anh này khoa trương cho biết có nhiều nguồn tin rất có giá trị về quy hoạch, về các dự án sắp đầu tư trên địa bàn Thành phố. Theo anh, đất của bà B bị “dính” quy hoạch xây dựng trụ sở một cơ quan cấp tỉnh và giục bà B tranh thủ bán đất “chứ để vài hôm nữa Nhà nước thu hồi thì tiền đền bù chả được bao nhiêu”. Bà B hoang mang nên đồng ý bán thửa đất trên. Ngay lập tức được anh nọ “giới thiệu” người mua đất của bà B với giá khá rẻ so với thị trường.  

Vài tháng sau, bà B tình cờ đi ngang qua khu đất cũ của mình và không khỏi thảng thốt khi thấy một căn nhà to đùng vừa được xây xong trên đó. Lúc này, bà B chỉ biết kêu trời và lòng không khỏi uất ức. “Tôi thật không thể hiểu nổi. Chả lẽ cơ quan Nhà nước ở thành phố này muốn quy hoạch là quy hoạch, muốn xoá là xoá chỉ trong thời gian ngắn hay là có điều chi khuất tất? Tại sao tôi không được chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà, trong khi người khác lại được? Thật là bất công quá đỗi!”. Bà B cho biết thêm, thửa đất mà bà phải miễn cưỡng bán đi hiện có giá gấp hơn hai lần so với 1 năm trước.

Cũng ở địa bàn Thành phố, trên đường Nguyễn Hữu Thọ, một người kinh doanh bất động sản đã phải “ôm” một mảnh đất có giá trị lúc mua gần 3 tỷ đồng. Trước đó, khoảng giữa năm 2017, người này mua thửa đất trên do vị trí rất đẹp, nằm gần trung tâm Thành phố và có 3 mặt tiền, rất thuận lợi để kinh doanh. Lúc mua, người này cũng cẩn thận rà soát quy hoạch, kiểm tra thông tin về đất khá kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, sau khi được cấp “sổ đỏ”, người này định “lên thổ cư” thêm một phần diện tích đất vừa mua thì nhận được thông tin đất đã bị “quy hoạch”. Anh này tá hoả chạy đôn chạy đáo đi kiểm tra thông tin một lần nữa vì sợ có sự nhầm lẫn, nhưng cuối cùng đành thất vọng não nề khi được cơ quan Nhà nước khẳng định “đất nằm trong quy hoạch”. Gia đình anh nọ khổ sở vô cùng vì phải “chôn” một khoản tiền lớn cho khoản đầu tư không như mong đợi.

Một giáo viên ở Hoà Thành tích cóp được một khoản tiền, nhờ người quen giới thiệu, anh này định mua một thửa đất thuộc địa bàn khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn. Khi đi xem đất, anh rất vừa ý và quyết định mua. Tuy nhiên, sau khi liên hệ với cơ quan chức năng kiểm tra thông tin thửa đất, anh được cho biết đất đã bị quy hoạch làm trường học.

Sợ sau này Nhà nước thu hồi đất thực hiện công trình giáo dục sẽ đền bù với giá thấp hơn số tiền đã bỏ ra mua nên vợ chồng giáo viên nọ quyết định không mua thửa đất trên trong sự tiếc nuối. Thế nhưng, ngay sau đó, thửa đất đó đã được bán cho người khác; và được người này sang tay cho một người khác nữa, hiện đã xây nhà ở (!?).

Hai vợ chồng nông dân nọ ở phường Ninh Sơn vay mượn, tích cóp mua được một mảnh đất ở ấp Bàu Lùn, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh. Khi nhận “sổ đỏ”, họ xin thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hằng năm sang thổ cư. Sau khi kiểm tra, anh cán bộ thực hiện việc rà soát thông tin thửa đất trả hồ sơ có ghi mấy chữ (viết tay) mà hầu như không có mấy người dân có thể hiểu nổi “Trả, KHSDĐ 2018, QH đất SKC” và cho biết đất “đã có quy hoạch”.

Căn nhà được xây trên khu đất mà bà B phải bán đi trong tiếc nuối vì “bị quy hoạch”.

 Quá đỗi hoang mang, vợ chồng anh nhờ người quen là cán bộ trong một cơ quan cấp tỉnh một lần nữa liên hệ kiểm tra thông tin thửa đất này. Một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị Thành phố sau khi xem mấy chữ viết tay trong hồ sơ trên đã thốt lên “Ghi như vầy mà không giải thích rõ thì làm sao người dân họ hiểu được?”, rồi hướng dẫn anh cán bộ trên sang Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố để được cung cấp thông tin.

Tại đây, sau khi kiểm tra hồ sơ, anh được giải thích thửa đất này không phải là đất bị quy hoạch, đất cũng không thuộc diện bị Nhà nước thu hồi để thực hiện các công trình công cộng hay dự án nào. Những chữ viết tay (do cán bộ của một cơ quan khác ghi) có nghĩa là trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018 đã quy hoạch khu đất trên là đất sản xuất kinh doanh (SKC) nên người dân không được chuyển mục đích sang thổ cư mà chỉ có thể chuyển từ đất trồng cây hằng năm sang đất sản xuất kinh doanh với mức thuế thấp hơn.

“Tuy nhiên, đây cũng chỉ là định hướng trong giai đoạn ngắn. Sau vài năm, cơ quan quản lý Nhà nước có thể sẽ điều chỉnh kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp thực tế”, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho biết.

Trước thực trạng “lợi bất cập hại” từ “cơn sốt đất” ở Tây Ninh, chúng tôi đã liên hệ với cơ quan chức năng của tỉnh để trao đổi về công tác quản lý thị trường bất động sản thời gian qua cũng như sắp tới và sẽ thông tin đến bạn đọc trong các số báo sau.

ĐÌNH CHUNG

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục