Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Gỡ khó” cho ngành Y tế - Không chỉ “một ngày, một bữa”
Bài cuối: Cần giải pháp lâu dài
Thứ ba: 09:35 ngày 29/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau khi được gỡ những “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường.

Trên cơ sở nhận diện thực trạng ngành Y tế đang có những tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý như: thiếu thuốc; thiếu thiết bị, vật tư y tế cùng những bất cập trong quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư... và với phương châm “đặt tính mạng, sức khoẻ của người dân lên trên hết”, ngay lập tức, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương vào cuộc. Một số địa phương cũng đã có các giải pháp riêng, linh động để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Người dân khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế phường 3, thành phố Tây Ninh.

Vào cuộc sớm, khắc phục nhanh

Trong chuyến thăm, làm việc với Trường đại học Y Hà Nội dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2024), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ: “Nghề thầy thuốc là một nghề hết sức đặc biệt bởi đối tượng lao động là sức khoẻ, thể chất, sinh mạng con người...

Ở đâu có nhân dân ở đó cần người chăm sóc sức khoẻ”. Ông khẳng định: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn ghi nhớ và vinh danh những cống hiến, hy sinh; cả hệ thống chính trị sẽ tập trung phát triển nền y học của đất nước”.

Phó Thủ tướng còn giao các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính... tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hướng tháo gỡ những vướng mắc mang tính đặc thù trong đào tạo nhân lực ngành Y nói riêng và cả ngành Y tế nói chung.

Cũng trong ngày 27.2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 24 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, nhằm giải quyết đồng bộ, thống nhất những vướng mắc trong đấu thầu y tế. Đáng chú ý, Nghị định 24 quy định rõ các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng, chống dịch bệnh... 

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì 3 cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, một số bệnh viện Trung ương, Sở Y tế địa phương, bệnh viện tư nhân, chuyên gia… lắng nghe phản ánh, kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để giải quyết căn cơ, tạo thuận lợi nhất có thể cho các bệnh viện, cơ sở y tế trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế...

Để tạo dựng khung pháp lý đồng bộ, thống nhất bảo đảm thực hiện hiệu quả Luật Đấu thầu và Nghị định 24, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành liên tiếp 4 thông tư hướng dẫn, giải quyết tối đa các bất cập trong mua sắm, đấu thầu; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về bảo đảm cung ứng thuốc, đặc biệt là các thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá.

Tiếp đó, ngày 29.7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành Chỉ thị 24, chỉ đạo các biện pháp để đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu, trong đó có tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Một lần nữa, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.

Bộ Y tế cũng thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế. Đến nay, những giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý đã “gỡ khó” cho ngành Y tế. Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2024 được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung liên quan tới đổi mới cơ chế tài chính, khắc phục những hạn chế, bất cập của các cơ sở y tế thời gian qua.

Sau khi được gỡ những “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường.

Mới đây, ngày 18.10.2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành Thông tư 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT (có hiệu lực từ 1.1.2025), trong đó nêu rõ điều kiện, tiêu chí và định mức được thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế khi bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị thuộc danh mục BHYT. Cơ quan BHXH là đơn vị thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo quy định, giải quyết được tình trạng người bệnh phải bỏ tiền túi mua thuốc, vật tư bên ngoài khi cơ sở y tế không có sẵn.

Liên quan tới vấn đề này, bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh cho rằng: “Ở giai đoạn trước, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn, chồng chéo trong công tác đấu thầu. Giai đoạn hiện nay, hành lang pháp lý đã cởi mở hơn, tạo khá nhiều thuận lợi trong công tác đấu thầu, đặc biệt là cho ngành Y”.

Sau khi được gỡ “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường.

Hoàn thiện thể chế, sắp xếp cơ sở y tế

Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25.10.2023 (Chỉ thị 25) của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XIII) về việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới đã nêu rõ: “... các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm”, trong đó yêu cầu: “…

Thống nhất mô hình tổ chức, quản lý với trung tâm y tế cấp huyện theo hướng sự quản lý toàn diện của uỷ ban nhân dân cấp huyện; thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về y tế dân số, an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn; có nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn nâng cao chất lượng nguồn lực và tổ chức hoạt động chuyên môn y tế cơ sở”. Chỉ thị 25 xác định công tác chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế cơ sở cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Đây vừa là ưu tiên dài hạn vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay.

Thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 869 phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050, đặt chỉ tiêu nhân lực y tế/vạn dân, giúp ngành Y tế có lộ trình thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực hiệu quả về số bác sĩ, dược sĩ đại học và điều dưỡng. 

Ngày 1.10.2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ký ban hành Thông tư 17 quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị ngành Y tế. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15.11.2024. Bộ cũng đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Về phía địa phương, tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách thu hút và đào tạo đội ngũ trí thức có trình độ, góp phần đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Giám đốc Sở Y tế, Sở đang tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, sắp xếp lại mô hình hệ thống y tế cơ sở trên cơ sở rà soát các quy định, hướng dẫn của Trung ương và thực tế địa phương để đề xuất bảo đảm khả thi, hiệu quả về cơ sở vật chất, tổ chức nhân sự.

Theo đó, từ năm 2022 đến 30.6.2024, tỉnh đã chi gần 50 tỷ đồng hỗ trợ hằng tháng cho 2.663 nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh; dành nguồn ngân sách khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm hỗ trợ đào tạo bác sĩ theo Nghị quyết 47 về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh. Đây là giải pháp tích cực để đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế yên tâm công tác, phục vụ người dân.

Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bên cạnh một số hạng mục quan trọng, hằng năm, Sở Y tế dành khoảng 15 tỷ đồng để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị theo thứ tự ưu tiên. Sở cũng đã được phê duyệt khoảng 45 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp toàn bộ các trạm y tế trong giai đoạn 2026-2030; nâng cấp Trường trung cấp Y tế lên thành Trường cao đẳng Y tế để bảo đảm đủ điều kiện đào tạo đội ngũ điều dưỡng theo chuẩn quy định.

Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, định hướng đến năm 2030 có ít nhất 5 bệnh viện tuyến tỉnh, ngành Y tế đề xuất xây dựng đề án thành lập Bệnh viện Sản Nhi để phù hợp với Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các đơn vị làm công tác dự phòng và chuyên môn ngành tiếp tục được giữ nguyên. Từng bước thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến huyện, thực hiện thống nhất mô hình trung tâm y tế cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện quản lý, bảo đảm quản lý toàn diện, nhất là về nhân lực và cơ sở vật chất. Đối với những trung tâm y tế được xếp hạng II, ngành đề xuất tách khối khám, chữa bệnh, thành lập bệnh viện đa khoa khu vực trực thuộc Sở Y tế.

Hoạt động của trạm y tế tuyến xã tại tỉnh Tây Ninh, trên cơ sở nhận diện của “người ngoài ngành”, ngành Y tế đề xuất tổ chức lại các trạm theo hướng bố trí thiết bị và nhân lực hợp lý, không “cào bằng”; rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận của người dân. Xây dựng và thực hiện đầu tư các trạm y tế cấp xã phù hợp với nhu cầu thực tế để sử dụng nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất) hiệu quả, hạn chế đầu tư dàn đều, tập trung cùng một lúc.

Hướng lâu dài, Sở Y tế đã xây dựng Đề án củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2030 nhằm củng cố, nâng cao hoạt động cơ sở y tế công lập và phát triển y tế tư nhân để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; tăng cường thực hiện thoả thuận hợp tác và phát triển giữa các tỉnh vùng Đông Nam bộ; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý sử dụng cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư y tế để quản lý sử dụng hiệu quả, chuẩn bị bổ sung kịp thời, không để bị động, thiếu thuốc như thời gian qua.

Con tàu thống nhất - hướng tới tương lai

Tại buổi trao quyết định bổ nhiệm bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế giữ chức Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh vào chiều 1.10.2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đã bày tỏ: “Chúng tôi rất trân trọng và ghi nhận sự nỗ lực của cá nhân đồng chí Trương Văn Hùng cùng tập thể Đảng uỷ, Ban Giám đốc và cán bộ, công chức của ngành Y tế”.

Chỉ trong thời gian ngắn, khoảng 2 năm, cá nhân ông Trương Văn Hùng và tập thể ngành Y tế đã nhận diện được những tồn tại, hạn chế, đề ra lộ trình để tham mưu UBND tỉnh xử lý. Bước đầu, những biện pháp đề ra đã mang lại một số kết quả khả quan. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xử lý những tồn đọng, trả lại “mặt bằng sạch” cho ngành Y tế.

Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Tôi rất trân trọng những ai còn yêu nghề và gắn bó với sự nghiệp y tế công lập này! Những người hiện nay “bám trụ” và vẫn yêu nghề, tôi cho đó là những người có cống hiến rất tốt. Thật sự là vậy! Hãy đừng rời bỏ. Vì điều chúng ta đang làm, y tế tư nhân không bao giờ có- đó là đối tượng phục vụ của chúng ta rất đông, đó là những người yếu thế”.

Biết rằng khó khăn của ngành Y tế chắc chắn là chưa hết và cũng không thể hết trong một ngày một bữa, vẫn còn “nhiều việc phải làm”. Nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính quyền tỉnh nói chung và ngành Y tế Tây Ninh nói riêng, tin tưởng rằng khó khăn nào rồi cũng sẽ được giải quyết.

Chúng tôi xin mượn lời của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc để kết lại loạt bài viết này: “Tôi có 3 từ: “Đoàn kết - Trách nhiệm - Vì cái chung” dành tặng cho ngành Y tế, mong các đồng chí cùng nhau vượt khó vươn lên. Vì chúng ta là một con tàu. Chỉ một đầu tàu và một đoàn tàu. Các đồng chí sẽ là một đoàn tàu thống nhất với đầu tàu hướng tới tương lai”.

Tâm Giang - Nhật Thư

Tin cùng chuyên mục