Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bất cập ở các xã nông thôn mới
Bài cuối: HTX thiếu vốn, thiếu đất sản xuất
Thứ sáu: 10:25 ngày 21/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để đáp ứng các yêu cầu về xây dựng NTM, nhiều địa phương “bằng mọi giá” phải thành lập cho được HTX và hoạt động theo các nội dung được quy định. Tuy nhiên, do “sinh non” và gặp nhiều khó khăn nên việc duy trì HTX hoạt động ổn định là một vấn đề nan giải đối với không ít xã NTM hiện nay.

Chăm sóc hành lá ở HTX rau an toàn Trường Huệ (xã Trường Tây). Ảnh: Thanh Nhi.

“Ráng cho có” HTX

Ông Ðỗ Thiết Lập, Chủ tịch UBND xã Tân Hà (huyện Tân Châu) cho biết, năm 2018, xã đã đăng ký đạt chuẩn NTM. Dù vậy, hiện xã vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất.

Theo Quyết định số 1980 của Thủ tướng Chính phủ, HTX phải hoạt động có lãi, tăng thu nhập cho thành viên và hoạt động hiệu quả 3 năm liên tục. Trước năm 2017, xã Tân Hà chỉ có THT hoa lan cây cảnh mà chưa có HTX.

Ðể đạt tiêu chí 13, UBND xã đã vận động các thành viên THT và một số người dân thành lập HTX nông lâm nghiệp, hoạt động đa ngành nghề với 37 thành viên, vốn điều lệ ban đầu 700 triệu đồng.

Hiện xã có một mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực dựa trên hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm khâu thu hoạch, sản xuất theo quy trình và đạt chất lượng, góp phần giảm chi phí đầu tư và tăng giá bán sản phẩm.

Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020, để đạt được các mục tiêu xây dựng NTM theo kế hoạch đã đề ra, các địa phương cần thực hiện đồng bộ giữa đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần của cư dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng biên giới.

Việc cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM cần bảo đảm đúng quy định (ngoại trừ các xã biên giới). Cần đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư, không yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân.

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định thời gian, lộ trình thực hiện từng năm cho phù hợp tình hình thực tiễn đối với một số tiêu chí, chỉ tiêu như: Tiêu chí 11 - hộ nghèo; chỉ tiêu 15.1 - tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; chỉ tiêu 15.3 - tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi - chiều cao theo tuổi...

HOÀNG THI

Nhận thức về kinh doanh sản xuất theo mô hình liên kết của một số cán bộ và nhân dân địa phương còn hạn chế. Tâm lý người dân luôn muốn sản xuất theo kinh nghiệm tự có mà không chú trọng đến tính bền vững; diện tích sản xuất manh mún, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, HTX mới hoạt động vào tháng 12.2017 chưa đủ điều kiện, yêu cầu quy định nên chưa được thẩm định đạt tiêu chí này.

Một khó khăn khác là HTX không có đất sản xuất. Trước mắt, UBND xã đã tạm giao 3,6 ha đất công cho HTX sản xuất nông nghiệp, chưa có pháp nhân để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Chính vì vậy, HTX khó phát triển quy mô lớn, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, dẫn đến hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

Do không tiếp cận được nguồn vốn chung, chỉ hoạt động từ nguồn vốn cá nhân nên các thành viên trong HTX dần hoạt động riêng lẻ, rời rạc, thiếu liên kết, tự tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra và trích một phần nhỏ vào HTX. Thực tế này cho thấy trước kết quả HTX khó duy trì bền vững 3 năm liên tục theo quy định. Mà nếu tiêu chí 13 bị “rớt” sẽ ảnh hưởng lớn đến việc bình xét xã đạt chuẩn NTM trong năm 2018.

Ông Ðinh Trọng Cảnh, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Tân Hà cho biết, hiện tại, HTX được UBND xã giao tạm thời 3,6 ha đất để trồng táo Thái và hoa lan ngọc điểm. Tuy nhiên, với diện tích ít ỏi và thời gian giao đất chỉ 1 năm, HTX hoàn toàn không thể chọn cây trồng lâu dài, và các thành viên cũng không mấy mặn mà tham gia góp vốn chung nên dần hoạt động độc lập.

Vì vậy, HTX kiến nghị lãnh đạo xã có phương án giao đất dài hạn để các thành viên yên tâm tham gia sản xuất. Ðồng thời, HTX kiến nghị lãnh đạo tỉnh, huyện xem xét hỗ trợ quỹ đất công với diện tích lớn để HTX có thể mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới.

Khuyến khích cán bộ tham gia vào HTX

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch UBND xã Trường Tây kiến nghị, để tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất thực sự có hiệu quả thì chính quyền cấp huyện mỗi địa phương nên chọn 2-3 HTX để xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hiệu quả.

Trên cơ sở đó, hình thành một số mô hình HTX phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tiễn theo các lĩnh vực khác nhau, có liên kết theo chuỗi các sản phẩm chính ở địa phương mình để tổng kết và nhân rộng.

Có như vậy, những HTX hoạt động chưa thật sự hiệu quả sẽ học tập những HTX điểm để tập trung củng cố hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ  theo hướng phát triển ổn định và bền vững.

 Xác định tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất chính là tiêu chí đột phá trong phát triển đời sống cho người dân vùng nông thôn, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với Trung tâm tư vấn hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ nông nghiệp phát triển nông thôn 2) xây dựng 3 mô hình điểm về HTX đi đôi với phát triển NTM.

Ðến cuối năm, Liên minh HTX tỉnh sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình điểm trên địa bàn tỉnh. Ðối với mô hình HTX nông nghiệp đa ngành nghề, đa dịch vụ, Liên minh khuyến khích cán bộ chính quyền địa phương tham gia HTX với 50 thành viên trở lên để đóng góp và hỗ trợ HTX phát triển tại các xã Hoà Hiệp (Tân Biên), Phước Ðông (Gò Dầu) và Long Thành Bắc (Hoà Thành).

Nhóm PV Kinh tế

Theo UBND huyện Tân Châu, sau 5 năm tái cơ cấu nền nông nghiệp, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu hỗ trợ thiết yếu trong quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện. Do đó đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, giúp họ có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến và áp dụng vào sản xuất.

Ðồng thời, các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp cũng đã làm nông dân thay đổi nhận thức về phát triển sản xuất hàng hoá, tạo sự chuyển biến tốt trong tổ chức sản xuất của người dân.

Tuy nhiên, việc lồng ghép một số nhiệm vụ, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia vào Chương trình xây dựng NTM dù tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhưng đồng thời cũng phát sinh rất nhiều nhiệm vụ trong một chương trình mục tiêu quốc gia. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên còn rất hạn chế so với nhu cầu của địa phương.

Một khó khăn khác của huyện Tân Châu cũng như của các địa phương khác trong tỉnh là một số tiêu chí ở các xã trước đây đã đạt theo Quyết định số 491/QÐ-TTg năm 2009, nhưng do quyết định này đã được thay thế bằng Quyết định số 1980/QÐ-TTg năm 2016 có nâng cao chất lượng các tiêu chí nên không duy trì đạt.

Còn theo UBND huyện Trảng Bàng, trong 5 năm qua, việc chuyển đổi cây trồng từ cây cho hiệu quả kinh tế thấp sang cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn huyện còn chậm, nhất là cây dứa. Do thời gian từ khi bắt đầu trồng dứa đến khi thu hoạch khoảng 13-14 tháng, nhiều hộ nông dân không có thu nhập để trang trải cuộc sống.

Do đó, nhiều người muốn trồng dứa nhưng đành phải chọn trồng cây ngắn ngày để giải quyết nhu cầu cơm áo trước mắt. Mặt khác, chi phí đầu tư trồng dứa khá cao, quá khả năng của nhiều người (khoảng từ 70-100 triệu đồng/ha). Trong khi đó, phía doanh nghiệp thu mua chưa có phương thức đầu tư, chưa có chính sách thu mua cũng như nhu cầu diện tích rõ ràng nên người dân chưa mạnh dạn đăng ký trồng.
                                                                                                                               ÐÌNH CHUNG
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục