Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mình không nóng vội, không lớn tiếng nhưng ai cũng biết quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam là không thể bẻ gãy.
Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước đổi mới nhận thức, tư duy đối ngoại. Tại Đại hội VII, Đảng đề ra chủ trương “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Đến Đại hội VIII, Đảng tiếp tục “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.
Sang Đại hội IX, Việt Nam “tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Đến Đại hội X, Việt Nam “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Tại Đại hội XI và XII, Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đến Đại hội XIII, Đảng bổ sung và phát triển từ “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” thành “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tiệc trà tổ chức ở Văn phòng Trung ương Đảng ngày 12.12.2023
Hoà bình và công bằng
Merle Ratner, nhà đồng sáng lập và điều phối tổ chức “Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” (VAORRC) bình luận, Việt Nam là một quốc gia hoà bình với tất cả các quốc gia và dân tộc khác, không có căn cứ quân sự trên lãnh thổ quốc gia khác, không can thiệp đối với quốc gia khác, và cũng không cho phép bất kỳ nước nào khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
Theo đánh giá của Ratner, Việt Nam ưu tiên đoàn kết, độc lập, hữu nghị và tương trợ lẫn nhau. Đường lối này phù hợp với chính sách “bốn không” lâu năm của Việt Nam, vốn được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019: “Việt Nam sẽ không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào; không đứng về phía nước này để chống lại nước khác; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước thứ ba; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Trong đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, Việt Nam luôn tuân thủ nguyên tắc độc lập, chủ quyền, tự quyết, tự cường và thống nhất với cam kết vì hoà bình, công lý và đoàn kết. Trong lịch sử cũng như hiện tại, Việt Nam luôn sát cánh cùng các phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có phong trào đấu tranh giành tự do của những người da đen ở Mỹ, cũng như phong trào đấu tranh của các tầng lớp lao động trên thế giới. Chính sách đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm của đất nước trong việc duy trì độc lập, chủ quyền và quốc phòng, góp phần xây dựng một thế giới hoà bình, bền vững và công bằng.
Trong bài viết có tiêu đề “Ngoại giao cây tre đã được Việt Nam áp dụng thành công trong thực tiễn”, Taylan Coskun, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng Cộng sản Pháp nêu, hài hoà nền kinh tế mở với giữ vững chủ quyền và độc lập trước mọi cường quốc, Việt Nam đã trở thành một nhân tố dám nghĩ, dám làm trên trường khu vực và quốc tế trên cơ sở chủ nghĩa đa phương. Thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, ký kết quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ đối tác toàn diện với 30 quốc gia và hợp tác kinh tế - thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức và diễn đàn quốc tế quan trọng, Việt Nam trở thành một nền tảng ngoại giao thông qua đảm nhận nhiều trọng trách trong những năm gần đây như là chủ nhà của APEC 2017, Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. “Ngoại giao cây tre” đã được Việt Nam áp dụng thành công liên tiếp từ giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và tái thiết đất nước cho đến giai đoạn hiện nay, như vậy, tư tưởng của Hồ Chí Minh về “ngoại giao cây tre” đã được triển khai và khẳng định trong thực tế. “Dựa trên sức mạnh của lịch sử được chia sẻ giữa những người cộng sản Pháp và nhân dân Việt Nam, chúng tôi nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu Việt Nam đã đạt được - là thước đo của con đường mà nhân dân Việt Nam đã vượt qua từ những năm tháng đau thương của chiến tranh”.
“Ở phương Tây, cây tre được biết đến chủ yếu về tính chất dẻo dai. Tính chất dẻo dai này là một sức mạnh, với một thân cây vững chắc và rễ bám sâu. Sử dụng hình ảnh này để đánh giá tổng quát, chúng ta càng thấy cách ví von này phù hợp với năng lực phát triển đất nước, gắn liền với chính sách mở cửa “đón gió biển”. “Ngoại giao cây tre” chính là yếu tố then chốt giải quyết các thách thức của quá trình cởi mở này. Hình ảnh cây tre giúp hiểu rõ hơn về sức mạnh không chỉ để kháng cự mà còn để chủ động trong một môi trường bất ổn và khó lường như chúng ta đang trải qua. Sự kết hợp khéo léo giữa kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo trong triển khai và đàm phán đã định hình cho một khuôn khổ hài hoà, cởi mở nhằm thu được mọi lợi ích có thể có và vẫn kiểm soát được các lựa chọn phát triển đã được đặt ra. Theo hướng này, với các đặc điểm của Việt Nam phù hợp với điều kiện trong nước và hội nhập quốc tế, “ngoại giao cây tre” đáng được quan tâm và chú ý”- Daniel Cirera, chuyên gia về các vấn đề quốc tế và châu Âu, Tổng thư ký Hội đồng Khoa học Viện Gabriel Péri, Pháp bình luận về đường lối ngoại giao của Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “ngoại giao cây tre” của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể, cho phép Việt Nam giữ vị trí ngang hàng với các cường quốc quan trọng nhất của thế kỷ chúng ta theo các nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa phương hoá và đa dạng hoá. Bằng cách này, Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu đa dạng, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam trong mắt các chính phủ và nhân dân các nước khác. Việc áp dụng “ngoại giao cây tre” đã giúp Việt Nam cân bằng quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có lợi ích lớn ở khu vực Đông Nam Á. Công tác đối ngoại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng đạt được nhiều kết quả to lớn trong quan hệ đa phương. Thực tế, Việt Nam đã khẳng định mình là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong tất cả các tổ chức, cơ chế đa phương mà Việt Nam tham gia như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC và các dự án hợp tác trong khu vực Mekong. Rõ ràng “ngoại giao cây tre” dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường sức mạnh cho Việt Nam trên nhiều phương diện, bất chấp một môi trường quốc tế đầy khủng hoảng và bất ổn”- Stefano Bonilauri, Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizioni, Italia và Giulio Chinappi, Quản lý châu Á của Nhà xuất bản Anteo Edizioni, Italia bình luận về đường lối đối ngoại của Việt Nam, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
“Không để bị cuốn vào vòng xoáy”
Năm 2019, trong một lần trả lời phỏng vấn, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (phụ trách đối ngoại quốc phòng) đã nói: “Trong lịch sử chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng để giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta đánh để có hoà bình, cho nên chúng ta rất coi trọng những yếu tố, nhân tố để có được hoà bình”. Ông nêu rõ, phương châm chỉ đạo của chúng ta là phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Hay nói cách khác, bảo vệ hoà bình cho Tổ quốc toàn vẹn và phát triển. Do lịch sử để lại, nhiều người vẫn có tư duy thắng thua, tư duy chiến tranh, chưa dứt ra được. Một người sống với trạng thái sẵn sàng chiến đấu thì rất tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu họ có trạng thái bình an và xây dựng cuộc sống của mình trong sự bình an đó. Trong bối cảnh môi trường chiến lược vô cùng phức tạp hiện nay, nước lớn nào cũng muốn “cầm cờ” chi phối thế giới và khu vực, chúng ta đừng để bị cuốn vào, không ngả theo ai và thêm bạn, bớt thù. Hiện nay, chúng ta có độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và không thể để mất. Như vậy, có nền hoà bình bền vững, có sự ổn định lâu dài thì đất nước mới phát triển, mới hội nhập, mới thêm bạn bớt thù, khi đó tiềm lực quốc phòng mới tăng. Cái cần quan tâm nhất của xã hội bây giờ là nhận thức về bảo vệ hoà bình. Đừng có hung hăng, đừng có thấy rằng mình đánh được tất cả “kẻ thù lớn” thì mình không sợ ai. Chúng ta phải rất cẩn trọng, rất tập trung, rất cảnh giác, quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội mạnh nhưng không để xảy ra chiến tranh mà để bảo vệ sự bình yên của đất nước, để làm sao đất nước phát triển. Mình không nóng vội, không lớn tiếng nhưng ai cũng biết quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam là không thể bẻ gãy. Khi gặp gỡ, quan hệ với bạn bè quốc tế, có những điều mình khác biệt với họ, có những điều họ không thừa nhận, nhưng họ đều khâm phục quyết tâm, ý chí bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam là hết sức kiên cường, không bị khuất phục. Đối ngoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp này.
Việt Đông