Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bán phân bón kém chất lượng, phải bồi thường cho nông dân 

Cập nhật ngày: 28/08/2017 - 05:35

BTN - Trước đây, Báo Tây Ninh có loạt bài phản ánh nhiều nông dân ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên nghi ngờ một số sản phẩm phân bón của Công ty cổ phần nông nghiệp Tinh Hoa (Công ty Tinh Hoa) kém chất lượng. Vừa qua, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định công ty này có nhiều sai phạm. Hay tin này, những nông dân đã sử dụng phân bón do Công ty Tinh Hoa sản xuất rất bức xúc và yêu cầu được bồi thường thoả đáng.

Sản phẩm phân bón của Công ty Tinh Hoa mà nông dân nghi ngờ kém chất lượng.

HỨA CHO QUA CHUYỆN ?

Người đứng đơn đại diện các hộ dân khiếu nại nghi ngờ phân bón kém chất lượng là ông Lê Tấn Ðông, ngụ tổ 1, ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình. Ông Ðông đã nộp đơn cho các cơ quan chức năng ở tỉnh Tây Ninh cũng như nơi Công ty Tinh Hoa đặt trụ sở, tại địa chỉ C5/181A, đường Vườn Thơm, tổ 5, ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh; kể cả nơi đặt nhà máy sản xuất phân bón của công ty ở tỉnh Long An.

Như tin đã đưa, khoảng tháng 10.2016, gia đình ông Ðông có mua 1 bao phân bón nhãn hiệu Siêu Lúa Te 02 (Siêu Lúa 2) của Công ty Tinh Hoa tại một cơ sở bán lẻ gần nhà. Sau khi bón cho ruộng lúa, ông Ðông phát hiện loại phân này chỉ tan được một ít, đa phần là không tan, dù thời gian bón xuống ruộng khá lâu.

Ðể làm rõ sự thật nhằm ngăn ngừa và bảo vệ quyền lợi của bà con, ông Ðông đã chủ động lấy mẫu đem đến đề nghị Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (số 49, đường Pasteur, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) kiểm nghiệm.

Kết quả cho thấy, hàm lượng thành phần các chất N, P2O5, K2O trong mẫu phân bón Siêu Lúa 2 đều thấp hơn so với chỉ số % được in trên bao bì. Riêng chất SiO2 (dân gian thường gọi là đất sét) vượt gấp 3 lần so với chỉ số in trên bao bì sản phẩm.

Trước đó, nông dân tên Lương Chí Thanh, ngụ tổ 3, ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh Bình cũng gặp tình trạng “phân cao cấp không tan” tương tự.  Sự việc này đã được Công ty Tinh Hoa “dàn xếp” bằng cách đền bù cho ông Thanh 9 bao phân khác.

Một nông dân khác tên Nguyễn Văn Long (ngụ tổ 30, ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) cũng rất bức xúc về chuyện phân bón của Công ty Tinh Hoa không tan. Ông mua khá nhiều bao “Phân bón cao cấp NPK 14-8-6+Te” do Công ty Tinh Hoa sản xuất để bón lót cho khoảng 3 ha mía.

Ðiều không thể hiểu nổi là sau gần 2 năm bón xuống ruộng mía mà phân vẫn không tan, hầu hết các hạt phân còn nguyên hình dạng và màu sắc, mặc dù trong thời gian gần 2 năm đó, có lúc đất trồng mía bị ngập dưới 0,5m nước trong nhiều tháng. Ðại diện phía Công ty Tinh Hoa cũng đã trực tiếp kiểm chứng tình trạng này tại ruộng mía của ông Long.

Sau khi Báo Tây Ninh đăng loạt bài phản ánh tình trạng trên, có thêm khoảng 20 hộ dân khác nữa cùng tìm đến nhà ông Lê Tấn Ðông than phiền về việc phân bón của Công ty Tinh Hoa chậm tan hoặc khó tan, thậm chí không tan.

Những hộ dân này đã đồng thuận ký đơn tập thể gửi các cơ quan chức năng yêu cầu được giải quyết. Kể cả chủ cơ sở bán lẻ phân bón cho bà con tại địa phương cũng lên tiếng đề nghị làm rõ để tránh việc bị khách hàng “tẩy chay”.

Trước sức ép từ nhiều phía, ngày 20.4.2017, Công ty Tinh Hoa đã cử người đại diện lên đối thoại trực tiếp với bà con tại nhà ông Ðông, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và Ðội Quản lý thị trường (QLTT) số 7. Cách giải quyết của người đại diện phía công ty sản xuất đã khiến cho nhiều nông dân có mặt thông cảm.

Theo đó, phía Công ty Tinh Hoa hứa sẽ hỗ trợ lại miễn phí số phân bón khác (bằng với số phân bón “đáng ngờ” bà con đã mua và sử dụng).

Ðồng thời, sẽ tiến hành làm rõ nguyên nhân vì sao phân đã được bón khá lâu mà vẫn chậm tan, không tan. “Xin mọi người hãy cho chúng tôi thời gian trong vòng 1 tháng để giải quyết” - người đại diện phía Công ty Tinh Hoa khẳng định. Tuy nhiên, điều đáng thất vọng là đến nay đã tám, chín tháng trôi qua, lời hứa này vẫn là... lời hứa.

Nông dân Nguyễn Văn Long bức xúc nói: “Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ hộ nông dân nào nhận được phân bón “đền bù” như lời hứa. Ðược biết, cơ quan chức năng đã tiến hành làm rõ và kết luận Công ty Tinh Hoa có sai phạm. Thế nên, cũng đã đến lúc buộc công ty này phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng”.

Công văn của Cục Hoá chất.

HÀNG LOẠT SAI PHẠM

Ngày 10.5, Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh có Văn bản số 389 gửi Chi cục QLTT tỉnh Long An về việc cung cấp thông tin phối hợp kiểm tra Công ty Tinh Hoa. Ngày 19.5, Chi cục QLTT tỉnh Long An có Công văn số 324 trả lời như sau: Chi cục đã chỉ đạo cho Ðội QLTT số 4 tiến hành kiểm tra Công ty Tinh Hoa.

Qua kiểm tra, hiện nay, công ty không còn sản xuất phân bón nhãn hiệu Siêu Lúa 2, mà chỉ sản xuất phân bón NPK 16-16-8+Te. Trước đó, ngày 12.4.2017, Ðội Quản lý thị trường số 4 đã lấy mẫu phân NPK 16-16-8+Te kiểm nghiệm, sau đó xử phạt Công ty Tinh Hoa số tiền 7 triệu đồng vì chất lượng phân bón không phù hợp với hồ sơ công bố.

Ðược biết trước đó, ngày 7.4, Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã có Văn bản số 285 gửi cho Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, đề nghị kiểm tra Công ty Tinh Hoa về việc sản xuất phân bón nhãn hiệu Siêu Lúa 2 khối lượng mỗi bao 50kg có dấu hiệu giả mạo, không bảo đảm chất lượng theo quy định (theo khiếu nại của người tiêu dùng).

Ngày 30.5, Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh có công văn phúc đáp cho biết, Ðội QLTT huyện Bình Chánh đã tiến hành xác minh tại địa chỉ C5/181A, đường Vườn Thơm, tổ 5, ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, địa chỉ đúng là văn phòng của Công ty cổ phần nông nghiệp Tinh Hoa nhưng không có hoạt động kinh doanh cũng như chứa trữ hàng hoá.

Thực tế, Công ty Tinh Hoa có xưởng sản xuất phân bón đặt tại địa chỉ khu A, đường số 1, Cụm công nghiệp Quốc Quang Long An, thuộc ấp 5A, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Về việc kiểm tra sản phẩm theo đề nghị của Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh, phía TP. Hồ Chí Minh trả lời theo nội dung Công văn số 324 của Chi cục QLTT tỉnh Long An.

Trong Công văn số 805, ngày 18.7 của Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) gửi cho Công ty Tinh Hoa có nêu: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Lê Tấn Ðông, ngày 26.4.2017, về chất lượng sản phẩm phân bón vô cơ do Công ty Tinh Hoa sản xuất; ngày 30.6.2017, tổ công tác của Cục Hoá chất đã phối hợp với Cục QLTT và Sở Công Thương tỉnh Long An tổ chức kiểm tra xác minh điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với Công ty Tinh Hoa.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Cục Hoá chất yêu cầu công ty tạm dừng sản xuất, không được phép lưu thông các sản phẩm phân bón đã sản xuất và đang tồn trong kho, trong khu vực sản xuất cho đến khi khắc phục toàn bộ các tồn tại đã được tổ công tác ghi nhận; không cho phép lưu hành và tiêu huỷ toàn bộ số bao bì sản phẩm không ghi địa chỉ nơi sản xuất.

Về giấy phép gia công phân bón: niêm phong và tiêu huỷ toàn bộ số sản phẩm phân bón do Công ty Tinh Hoa thực hiện gia công sản xuất cho Công ty cổ phần hoá chất và phân bón Ba Miền- theo Quyết định số 43/QÐ-CHC ngày 12.7.2017 của Cục Hoá chất về việc tước quyền sử dụng và thu hồi giấy phép thuê sản xuất phân bón vô cơ số 161a/GP-CHC (do Cục trưởng Cục Hoá chất cấp ngày 31.10.2016). Công ty cổ phần nông nghiệp Tinh Hoa phải báo cáo kết quả thực hiện về Cục Hoá chất trước ngày 31.7.2017.

Ðó cũng là nội dung chính trong Công văn số 837 của Cục Hoá chất gửi cho nông dân Lê Tấn Ðông (trả lời đơn khiếu nại của ông ngày 26.4) về việc xử lý vi phạm trong kinh doanh, sản xuất phân bón vô cơ.

Mặt khác, Công văn 837 còn đề cập đến nội dung Thanh tra Sở Công Thương tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 100/QÐ-XPVPHC, ngày 25.7.2017, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tinh Hoa, do công ty này vi phạm điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ.

Theo Quyết định số 100, Công ty Tinh Hoa đã bị xử phạt số tiền 25 triệu đồng về các vi phạm như không thực hiện thử nghiệm, đánh giá chất lượng phân bón trước khi đưa ra kinh doanh đối với các sản phẩm NPK 14-8-6+TE, NPK 16-16-8+TE theo hoá đơn GTGT số 0000302 ngày 3.7.2017.

Trở lại nội dung kiểm tra của tổ công tác ngày 30.6, trong biên bản làm việc cho thấy rõ Công ty Tinh Hoa đang vướng phải hàng loạt sai phạm như sản phẩm phân bón không kê lên kệ, một số bao bì sản phẩm không ghi địa chỉ nơi sản xuất, không thực hiện lưu mẫu kiểm tra chất lượng đối với một số sản phẩm do công ty sản xuất, một số nguyên liệu nhập khẩu trên bao bì không có nhãn phụ, một số bao bì ghi nguyên liệu ngoại nhập không rõ ràng.

Như vậy, sự nghi ngờ của những nông dân ở ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên đã được xác định là có cơ sở. Vấn đề còn lại là bà con mong mỏi cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ số lượng phân bón kém chất lượng mà Công ty Tinh Hoa đã bán ra thị trường, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó.

Sẽ không khó để xác định số phân bón này bán đi đâu và bán cho ai, bởi vì mua bán phải có hoá đơn, cơ quan thuế có kiểm soát, kể cả đa số nông dân đều mua theo kiểu bao vụ (mua thiếu) nên có lưu sổ ghi chép và sổ nợ ở các đại lý bán lẻ.

“Công ty Tinh Hoa bán phân bón kém chất lượng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng, cũng như trách nhiệm trước pháp luật. Bà con chúng tôi chỉ còn biết tin tưởng và đang trông chờ vào cách giải quyết của cơ quan chức năng” - ông Lê Tấn Ðông bày tỏ.

Quốc Sơn

Tin liên quan
  • Phân bón kém chất lượng: Cần nâng cao mức xử phạt và có biện pháp chế tài nghiêm khắc

    Phân bón kém chất lượng: Cần nâng cao mức xử phạt và có biện pháp chế tài nghiêm khắc

    Năm 2008, tình trạng phân bón kém chất lượng lưu hành trên thị trường ngày càng đáng lo ngại, trong đó có thị trường tỉnh Tây Ninh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức nhiều đợt thanh tra chất lượng phân bón, đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đã xử phạt theo quy định. Thế nhưng tình hình vi phạm thực chất vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.

  • Tình trạng kinh doanh phân bón kém chất lượng: Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn

    Tình trạng kinh doanh phân bón kém chất lượng: Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn

    Năm 2008, tình trạng phân bón kém chất lượng lưu hành trên thị trường trong tỉnh Tây Ninh diễn ra khá phức tạp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đã xử phạt theo quy định. Thế nhưng bước sang năm 2009 tình hình vi phạm chất lượng phân bón vẫn tiếp diễn.

  • Nông dân lãnh đủ

    Nông dân lãnh đủ

    (BTNO) - Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) rất cần thiết trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, lựa chọn sản phẩm BVTV nào trong hàng trăm nhãn hiệu trên thị trường để bảo đảm chất lượng là điều người nông dân luôn trăn trở, bởi nạn kinh doanh phân bón và thuốc BVTV kém chất lượng đang hoành hành.

  • Phạt 2 cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng

    Phạt 2 cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng

    2 cửa hàng kinh doanh phân bón bị xử phạt 100 triệu đồng.

  • Nông dân nghi ngờ phân bón kém chất lượng 

    Nông dân nghi ngờ phân bón kém chất lượng

    “Nông dân luôn thua thiệt khi gặp phải phân bón kém chất lượng, vì cơ sở bán lẻ sẵn sàng “phủi” trách nhiệm, nhà sản xuất thì giải thích theo kiểu quanh co, chống chế… Cho dù khó khởi kiện, tôi vẫn muốn lên tiếng để bà con thận trọng hơn trong việc sử dụng phân bón”, đó là tâm trạng bức xúc của anh Lê Tấn Đông, ngụ tổ 1, ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên.

  • Bước đầu công ty sản xuất đã nhận lỗi 

    Bước đầu công ty sản xuất đã nhận lỗi

    Báo Tây Ninh số ra ngày thứ bảy 8.4.2017 có đăng bài “Nông dân nghi ngờ phân bón kém chất lượng”, phản ánh những bức xúc của bà con nông dân ở xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên về tình trạng phân bón “khó tan”. Sau khi cùng người dân kiểm tra sản phẩm và qua khảo sát thực tế, bước đầu, đại diện công ty sản xuất đã nhận lỗi.