BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh thẩm tra: Đảm bảo tốt an sinh xã hội, nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế

Cập nhật ngày: 09/12/2009 - 05:03

 

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Phó Trưởng Ban VH-XH báo cáo thẩm tra tại kỳ họp.

Thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hoá - xã hội (VH-XH) năm 2009, Ban VH-XH nhận định, năm qua tỉnh ta đã đảm bảo tốt an sinh xã hội, triển khai thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, đền ơn đáp nghĩa, xây tặng nhà đại đoàn kết… Kết quả tỷ lệ hộ nghèo còn 5,53%, giảm 2,15% (chỉ tiêu giảm 2%), đã tạo việc làm mới cho hơn 20.000 lao động, lao động qua đào tạo nghề chiếm 40% đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá từng bước nâng cao chất lượng, việc công nhận gia đình văn hoá; ấp, khu phố văn hoá ngày càng đi vào thực chất; năm 2009 tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 94,04% (239.091 gia đình); ấp, khu phố văn hoá đạt tỷ lệ 82,42% (408 ấp, KPVH), (chỉ tiêu nghị quyết GĐVH: 90%, ấp, KPVH: 80%).

Đáng chú ý, mặc dù ngành y tế còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, ngành đã thực hiện tốt nhiều mặt công tác, chủ động đối phó với dịch bệnh cúm A/H1N1, đến nay chưa có bệnh nhân nào tử vong do nhiễm cúm. Trong năm có 92/95 xã, phường thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 92 xã có bác sĩ phục vụ, mạng lưới y tế cơ sở cơ bản đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, Ban VH-XH cũng nhận xét một số mặt còn hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2009. Trong đó có mặt hạn chế tồn tại đã lâu và có cả hạn chế mới phát sinh. Cụ thể như lĩnh vực giảm hộ nghèo, mặc dù năm 2009 đã thực hiện hoàn thành kế hoạch, nhưng với tỷ lệ hộ nghèo hiện nay là 5,53% (14.838 hộ nghèo), thì đến năm 2010 khó có thể giảm xuống còn 2% theo kế hoạch 5 năm 2006-2010. Bên cạnh đó còn có thực trạng các hộ đã thoát nghèo cũng chưa thật sự bền vững, thu nhập của hộ nghèo có tăng nhưng đời sống vẫn còn khó khăn, số hộ cận nghèo vẫn còn khá nhiều (4.423 hộ, tỷ lệ 1,65%). Về các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tuy luôn được chú trọng nhưng do nhiều đơn vị quản lý, lại thiếu sự phối hợp đồng bộ nên thực hiện chưa đạt hiệu quả cao. Các lớp dạy nghề ngắn hạn ở nông thôn có nơi không tuyển sinh được vì không có người đăng ký học hoặc tuyển sinh không đúng đối tượng.

Về xã hội, đáng lo ngại là tình trạng trẻ em bị xâm phạm tình dục chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trẻ em lao động sớm vẫn còn ở một số nơi; trẻ em lang thang ở nơi khác đến vẫn còn nhiều, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để. Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2010 chưa được triển khai đồng bộ và chưa sơ kết đánh giá tình hình thực hiện để có giải pháp đến năm 2010 đạt các chỉ tiêu đề ra. Về việc thực hiện Quyết định số 91/2008/QĐ-UBND ngày 17.11.2008 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm giai đoạn 2008-2010, tuy đã triển khai đến cơ sở, nhưng các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc đăng ký, phần lớn chưa xây dựng kế hoạch cụ thể và chưa xác định mục tiêu phấn đấu để đạt xã, phường lành mạnh.

Trên lĩnh vực y tế, các cơ sở y tế công lập hiện đang quá tải bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các Trung tâm y tế huyện, thị thiếu bác sĩ trầm trọng, thiếu kinh phí hoạt động nên việc khám và điều trị cho bệnh nhân còn nhiều hạn chế. Nợ bảo hiểm y tế chưa được thanh quyết toán kịp thời, âm quỹ khám chữa bệnh BHYT còn cao (Bệnh viện đa khoa hiện đang âm quỹ KCB BHYT đến hơn 11 tỷ 124 triệu đồng). Chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực y tế chưa thu hút được nhiều bác sĩ về công tác, trong khi vẫn còn tình trạng bác sĩ nghỉ việc, nên việc thực hiện chỉ tiêu 7 bác sĩ/10.000 dân đến năm 2010 rất khó đạt. Đề án nâng cấp Bệnh viện đa khoa và một số Trung tâm y tế chậm triển khai nên chưa có cơ sở để phân bổ tăng kinh phí hoạt động cho các đơn vị này trong năm 2010.

Đối với ngành giáo dục, đáng chú ý là số học sinh bỏ học ở khối THPT tăng cao hơn năm học trước; phổ cập trung học cơ sở tuy vẫn được duy trì, nhưng kết quả cũng chưa thật vững chắc; việc vận động học sinh tham gia các lớp phổ cập bậc trung học gặp nhiều khó khăn. Như thế chỉ tiêu đến năm 2010 hoàn thành kế hoạch phổ cập bậc trung học không có khả năng đạt được. Tiến độ thực hiện Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên còn chậm; công tác khảo sát để nắm nhu cầu xây dựng phòng học trong Đề án kiên cố hoá trường, lớp có nơi chưa phù hợp với thực tế…

Qua báo cáo thẩm tra, Ban VH-XH còn nêu một số tồn tại, bất cập về thực hiện mô hình chuyển đổi trường bán công sang công lập, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn văn hoá, việc phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá ở địa phương cơ sở...

Ban VHXH khảo sát việc xây dựng xã văn hoá tại An Hoà

Trên cơ sở đánh giá các mặt làm được, cũng như những hạn chế tồn tại, Ban Văn hoá – Xã hội đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ năm 2010 để làm cơ sở cho đại biểu HĐND thảo luận, quyết nghị.

DN-NM