BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu QH muốn tái cấu trúc kinh tế ngay năm 2010

Cập nhật ngày: 23/10/2009 - 05:42

Chính phủ cần sớm bắt tay vào tái cấu trúc nền kinh tế, làm rõ các khoản bảo lãnh Chính phủ và công khai con số bội chi, có tính cả các khoản chi từ trái phiếu Chính phủ... là đề xuất của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ ngày 22.10 về tình hình kinh tế - xã hội.

Chưa đánh giá đúng nỗ lực toàn dân

Gần như những ý kiến phản biện của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội đều được các đại biểu nhắc lại, nhưng đã gắn với số liệu thực tế từ địa phương.

Như chuyện gói hỗ trợ chủ yếu để đảo nợ, nông dân không tiếp cận được vốn, nguy cơ dòng tiền đổ vào bất động sản...

ĐBQH mong chủ trương tái cơ cấu thực hiện từ năm 2010.

Theo đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá đúng nỗ lực của toàn dân. Nền kinh tế VN nặng về tiền mặt. Nhà nào cũng có tiền tích trữ, nội lực gia đình đã cứu họ chứ không phải trông đợi vào việc "giải cứu" của Chính phủ.

"93 đến 95% doanh nghiệp VN là vừa và nhỏ và đa số là doanh nghiệp gia đình. Nói là họ lệ thuộc vào hệ thống tài chính ngân hàng, thì phải xem lại. Theo tôi, dạng doanh nghiệp này phần lớn dựa vào nội lực gia đình nên tình trạng phá sản ở VN không thấy thông báo. Họ tự động co cụm, chuyển sang làm việc khác. Nội lực của nhân dân, sự tự cường của doanh nghiệp đáng được đánh giá", bà Loan khẳng định.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hưng Yên Vũ Quang Hải cũng khẳng định, gói hỗ trợ lãi suất mới tập trung giải cứu cho một số ít doanh nghiệp và giúp ngân hàng giải quyết nợ xấu.

"Kết quả là các ngân hàng công bố hàng loạt mức lãi suất cao, cổ phiếu ngân hàng lên cao, trong khi tình hình các khu vực khác còn ảm đạm", ông Hải kết luận.

Và như vậy, chưa rõ trong số 20% doanh nghiệp được vay hỗ trợ, bao nhiêu doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn này để cơ cấu lại sản xuất. Bởi vì, tiêu chí phải dùng nguồn vốn vay để tái cấu trúc doanh nghiệp vẫn còn chưa rõ ràng, ông Hải phân tích.

Tại đoàn TP Hồ Chí Minh, các đại biểu đều mong muốn Chính phủ đẩy nhanh đề án tái cấu trúc nền kinh tế để thực hiện ngay trong năm 2010.

"Cho đến giờ vẫn chưa thấy Chính phủ đề xuất quyết sách gì về tái cấu trúc để Quốc hội xem xét", ông Trần Du Lịch nói.

Hiện, đề án mới đang ở dạng dự thảo, được gửi riêng cho đại biểu tự nghiên cứu.

Nếu Vinashin không trả được nợ?

Chưa hài lòng với đánh giá của Chính phủ về gói kích cầu cũng như sự chậm trễ trong kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế, các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề kinh tế khác lâu nay vẫn được đánh giá xuề xoà, chung chung.

"Nợ Chính phủ đang tăng, trong đó có các khoản Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay, mà nếu cộng thêm vào thì tỷ lệ còn cao hơn nữa. Như Vinashin vay 750 triệu USD, nay lại đang khó khăn về vốn, vậy khả năng trả nợ của tập đoàn này thế nào?", ông Vũ Quang Hải nêu ý kiến.

Ông Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) lưu ý, nếu đã nói nợ cao thì Quốc hội phải có giải pháp để ngăn nợ, không thể cứ nghe rồi để đấy: "Cái gì gần mất an toàn thì phải khắc phục chứ, nếu chỉ nêu lên và góp ý mà không có giải pháp thì nợ và bội chi ngân sách sẽ tiếp tục cao".

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Hoàng Văn Lợi cũng băn khoăn về cách tính bội chi của Chính phủ, 6,9% GDP, nhưng "chưa tính chi trái phiếu Chính phủ và một số khoản khác". Ông Lợi đặt câu hỏi "liệu cách tính đó chính xác chưa", đồng thời đề nghị phải làm rõ "một số khoản khác" là gì, nếu phải tính vào thì bội chi sẽ lên đến bao nhiêu.

Đáng lo ngại hơn cả là chỉ số ICOR năm nay tăng kỷ lục. "Bỏ 8 đồng lấy 1 đồng tăng trưởng thì chắc không có nước nào ngoài nước ta”, đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) khẳng định.

Ông Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thẳng thắn, ICOR có thể còn hơn 8. "Hai khu vực đầu tư tư nhân và nước ngoài thì ICOR không thể cao được, tôi tin chắc là khu vực nhà nước là ICOR lớn hơn cả".

Ông Hùng cho rằng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội năm nay nên xây dựng một chương trình giám sát riêng về chất lượng đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam), đánh giá thực chất tăng trưởng của nền kinh tế là tăng trưởng vốn. Nếu không khắc phục được thì tăng trưởng cao nhưng đời sống nhân dân không tăng tương xứng.
“Tôi không quan tâm nhiều đến tốc độ tăng trưởng mà chủ yếu là quan tâm đến ICOR và chỉ số giá tiêu dùng, nhưng Chính phủ mới chỉ nêu con số mà không phân tích được, phải chăng vì đồng tiền mất giá. Nếu mất giá thì nguyên nhân vì đâu?”, ông Thuận nói.
Vị đại biểu này cũng cho rằng nhận định tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7% như Uỷ ban Kinh tế là “quá hăng hái”. Nên để 6,5% như Chính phủ đề nghị là vừa.

Sang đầu tuần tới, phiên thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội sẽ được truyền hình trực tiếp. 

(Theo Vietnamnet)