BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đoàn ĐBQH tỉnh TN: Không nên giao Chính phủ quy định quá nhiều điều khoản trong luật, để không phải chờ văn bản dưới luật

Cập nhật ngày: 21/10/2010 - 02:10

Chiều ngày làm việc thứ hai, 21.10.2010, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Đoàn ĐBQH Tây Ninh có các đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai và Nguyễn Thành Tâm phát biểu tán thành với phạm vi và các nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với cam kết WTO của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với luật có liên quan và các sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm; về các loại hình bảo hiểm (Điều 7) đại biểu cho rằng không nên “liệt kê” các loại hình bảo hiểm mà nên quy định theo nhóm bảo hiểm, vì với sự phát triển khá nhanh của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc quy định cụ thể trong luật sẽ không bao quát được hết những nghiệp vụ và sản phẩm bảo hiểm sẽ phát sinh, và như thế khi có phát sinh lại phải sửa Luật. Việc này đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ quy định và hướng dẫn cụ thể.

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm đang phát biểu

Về vấn đề “sửa đổi các quy định phải được Bộ Tài chính chấp thuận” (Điều 69), đại biểu cho rằng việc thay đổi chuyên gia tính toán là hoạt động nghiệp vụ bình thường của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; còn việc đầu tư ra nước ngoài hay đầu tư trong nước đã có pháp luật về đầu tư điều chỉnh, do đó đề nghị không cần thiết “Bộ Tài chính chấp thuận”. Đại biểu đồng ý các đại lý bảo hiểm phải được đào tạo chất lượng và đạt hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm về số lượng, chất lượng và giao Bộ Tài chính là cơ quan cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng không nên quy định “Bộ Tài chính quy định về chương trình, nội dung và hình thức đào tạo đại lý bảo hiểm; phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam trong việc tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm vì như thế sẽ  tạo ra  cơ chế xin cho, nên giao cho công ty bảo hiểm đào tạo các đại lý của mình vì doanh thu của công ty bảo hiểm phụ thuộc vào các đại lý bảo hiểm bán hàng; về trích lập quỹ (Điều 97), đại biểu băn khoăn cho rằng không nên thành lập quỹ, vì khi doanh nghiệp bảo hiểm thành lập và đi vào hoạt động đã có quỹ dự phòng để chi trả cho người tham gia bảo hiểm.

Về việc bổ sung khoản 3 vào Điều 127: “3. Đại lý bảo hiểm đã được cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm trước ngày luật này có hiệu lực thực hiện việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, trong thời hạn hai năm kể từ ngày luật này có hiệu lực”, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, tính toán lại, vì quy định như thế sẽ gây khó khăn cho các đại lý bảo hiểm, bắt buộc phải chuyển đổi và học lại. Ngoài các nội dung trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định về việc hình thành cũng như hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm mà Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế thành lập, vì hiện nay việc thực hiện kinh doanh bảo hiểm trong nội bộ Tập đoàn đã làm giảm đi tính cạnh tranh hoặc cạnh tranh không bình đẳng, đặc biệt, nếu rủi ro xảy ra sẽ gây thiệt hại cho Tập đoàn, ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách Nhà nước, không bảo đảm lành mạnh trong hoạt động tài chính doanh nghiệp, đồng thời đại biểu đề nghị nên nghiên cứu loại hình bảo hiểm vật nuôi, cây trồng của doanh nghiệp Nhà nước cho nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp để bảo hiểm cho nông dân khi bị thiên tai, dịch bệnh,... Đại biểu nhận định một số điều, khoản quy định trong luật mang tính chất Nghị quyết, không có tính chất chế tài như điểm a, b khoản 1 Điều 10: «a) Việc thực hiện quy định pháp luật về đấu thầu sản phẩm bảo hiểm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm có chất lượng cao, với mức phí bảo hiểm phù hợp; b) Việc hợp tác nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm; mở rộng phạm vi địa bàn phục vụ nhu cầu bảo hiểm; nâng cao chất lượng kênh phân phối, đồng bảo hiểm, nâng cao năng lực nhận bảo hiểm và tái bảo hiểm”. Bên cạnh đó đại biểu nhận xét: dự thảo luật trình lần này chỉ sửa đổi, bổ sung quy định tại 16 điều, nhưng lại có đến 7 điều có nội dung dự kiến giao Chính phủ quy định, do đó đại biểu đề nghị nên nghiên cứu, bổ sung quy định một số điều khoản cụ thể vào dự thảo luật, hạn chế việc giao Chính phủ quy định bằng các văn bản dưới luật để khi luật có hiệu lực thi hành có thể triển khai thực hiện được ngay…

THANH NHÀN (Lược ghi)