Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh vừa có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh cho chủ trương xây dựng và ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh (KCB) cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028.
Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh thăm bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo tại Khoa Nhi bệnh viện.
Mục tiêu của chính sách là hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và một phần chi phí KCB cho bệnh nhân nghèo mắc bệnh hiểm nghèo vào điều trị tại các cơ sở KCB nhằm giảm bớt chi phí trong chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, giúp họ vượt qua gánh nặng bệnh tật, góp phần ổn định cuộc sống.
Mở rộng danh mục bệnh hiểm nghèo
Theo tờ trình, UBND tỉnh đề xuất mở rộng danh mục 9 bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ, bao gồm: ung thư, nhồi máu cơ tim lần đầu, phẫu thuật động mạch vành, thay van tim, phẫu thuật động mạch chủ, đột quỵ, suy thận mạn có chạy thận nhân tạo, bỏng nặng và chấn thương sọ não có phẫu thuật (tăng thêm 3 bệnh so với trước đây, gồm đột quỵ, bỏng nặng, chấn thương sọ não có phẫu thuật).
4 nhóm đối tượng được đưa vào chính sách hỗ trợ gồm: người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định hiện hành của Chính phủ; người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật và người đang hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian qua, công tác hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND, ngày 17.9.2015 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí KCB cho các đối tượng thuộc phạm vi vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đối với bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo tại các cơ sở KCB tư nhân.
Ông Hùng dẫn chứng cụ thể, hiện quá trình triển khai chỉ được áp dụng tại các cơ sở KCB công lập, trong khi đó, có hơn 80% số bệnh nhân chạy thận nhân tạo nộp hồ sơ cần hỗ trợ lại tập trung điều trị ở cơ sở KCB tư nhân do cơ sở KCB công lập thiếu máy chạy thận nhân tạo.
Ngành Y tế đề xuất bệnh nhân suy thận mạn có chạy thận nhân tạo được áp dụng chính sách khi điều trị tại các cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024-2028. Bên cạnh đó, năm 2021-2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên các cơ sở KCB công lập chuyển đổi công năng sang điều trị Covid-19, bệnh nhân chạy thận nhân tạo không bị nhiễm Covid-19 chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân. Đến nay, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, vẫn có số lượng lớn bệnh nhân theo điều trị tại các cơ sở KCB tư nhân.
Bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
“Mỗi năm có hàng ngàn bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo, trong khi số lượng máy của cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh quá ít, chỉ có 51 máy, trong khi các cơ sở y tế tư nhân có 81 máy mới có thể đáp ứng số bệnh nhân này, đặc biệt đối với những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo định kỳ 2 hoặc 3 ngày một lần”- ông Hùng cho biết thêm.
Ngoài ra, tờ trình cũng quy định 3 trường hợp không được hỗ trợ như: đối tượng mắc bệnh khác (không thuộc 9 bệnh được đề xuất) phát sinh trước, trong hoặc sau khi mắc bệnh hiểm nghèo; người bệnh tự lựa chọn cơ sở KCB (không KCB đúng tuyến đăng ký BHYT) hoặc KCB theo yêu cầu và người bệnh đã được thụ hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác cho số tiền mà người bệnh cùng chi trả hoặc người bệnh tự trả cho bệnh hiểm nghèo.
Hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh
UBND tỉnh đề xuất, 9 bệnh hiểm nghèo với 4 nhóm đối tượng được đưa vào chính sách hỗ trợ tại 3 chính sách hỗ trợ về tiền ăn, đi lại và hỗ trợ một phần chi phí KCB. Theo đó, người nghèo được hỗ trợ một phần chi phí KCB; hỗ trợ 30% chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng của Quỹ bảo hiểm y tế (hỗ trợ số tiền người bệnh cùng chi trả hoặc người bệnh tự trả), nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/người bệnh/lần hỗ trợ và tối đa không quá 3 lần hỗ trợ/năm.
Bên cạnh đó, các đối tượng được hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở KCB công lập từ tuyến huyện trở lên. Mức hỗ trợ là 54.000 đồng/người bệnh/ngày, không quá 540.000 đồng/người bệnh/đợt điều trị và không quá 3 lần hỗ trợ/năm.
Tờ trình cũng đề xuất hỗ trợ tiền đi lại trong các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được BHYT hỗ trợ. Mức hỗ trợ 200.000 đồng/người bệnh/lần hỗ trợ, mỗi trường hợp không quá 3 lần/năm.
Theo đề xuất, 4 nhóm đối tượng được đưa vào chính sách hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh.
Việc chi trả dựa trên bảng kê chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc chi phí chạy thận nhân tạo, số ngày điều trị nội trú bệnh hiểm nghèo. Tổng dự kiến kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2024-2028 khoảng 31,8 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách tỉnh.
Tại cuộc họp Thường trực HĐND tỉnh định kỳ tháng 4.2024, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn- Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng việc cho chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí KCB cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là cần thiết và đúng thẩm quyền, vì đây là nghị quyết đặc thù được ban hành theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương triển khai các bước bảo đảm quy trình thủ tục theo quy định khi có chủ trương xây dựng Nghị quyết. Trong đó, cơ quan soạn thảo (Sở Y tế) cần làm rõ thêm về chính sách quy định trong dự thảo Nghị quyết khi áp dụng cho các đối tượng KCB ngoại trú; người đang hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội (công lập và ngoài công lập), đồng thời bổ sung thêm các cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện chi trả chi phí KCB theo quy định.
Số liệu thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, toàn tỉnh có 59.090 người thuộc 4 nhóm đối tượng đang được đề xuất hưởng chính sách. Trong đó, có 5.630 nhân khẩu/512 hộ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; 3.437 hộ nghèo/8.919 nhân khẩu theo tiêu chuẩn nghèo của tỉnh; 36.336 người là đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng; 84 người hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội và 8.121 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn.
Dựa trên số liệu các năm trước đã hỗ trợ theo quy định, ước tính có 0,7% người mắc bệnh hiểm nghèo (414 người), trong đó có khoảng 20% bệnh nhân điều trị nội trú.
Tâm Giang