Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Còn ai đan đệm cỏ bàng
Thứ năm: 08:55 ngày 19/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cách nay hơn 100 năm, tại khu vực phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng đã hình thành nghề đan đệm từ cây cỏ bàng. Bằng đôi tay khéo léo, những người làm nghề này đã đan lát thủ công cho ra các sản phẩm đệm nằm được đông đảo người tiêu dùng yêu thích.

Năm tháng trôi qua, nghề đan đệm cỏ bàng dần mai một. Đến nay, các thợ thủ công lành nghề đã là người cao tuổi, thế hệ trẻ không mặn mà nối nghiệp đan cỏ bàng.

Kỳ công nghề đan đệm

Từ thành phố Tây Ninh hướng theo quốc lộ 22B về thị xã Trảng Bàng, đến đoạn gặp cầu vượt Bình Nguyên rẽ trái vào một đường giao thông nông thôn, tiếp tục di chuyển thêm khoảng 1km nữa là đến xóm đan đệm cỏ bàng (thuộc khu phố Bình Nguyên 1, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng). Qua hỏi thăm người dân địa phương, tác giả bài viết lần tìm đến nhà của cụ Nguyễn Thị Thiều (87 tuổi) ở gần cuối con hẻm nhỏ.

Cụ Nguyễn Thị Thiều hằng ngày vẫn cần mẫn ngồi đan đệm.

Ấn tượng đầu tiên là cụ Thiều ngồi ở một góc nhà, đôi tay thoăn thoắt nhịp đan đệm. Luôn bận bịu với công việc nhưng cụ vẫn niềm nở tiếp khách lạ đến thăm nhà đột xuất, vừa tranh thủ đan đệm vừa trò chuyện.

Cụ Thiều kể, mới 15 tuổi cụ đã lân la theo nhiều người dân trong xóm học nghề đan đệm. Lâu dần, cụ Thiều trở thành người thợ đan lát lành nghề và gắn bó với công việc này từ thuở ấy đến nay.

Theo cụ Thiều, để người thợ đan hoàn thành một tấm đệm phải mất từ 2-3 ngày. Trước tiên, những người làm nghề mua cỏ bàng tươi (chủ yếu có nguồn gốc từ tỉnh Long An). Cỏ sau khi mua về phải được so cho bằng, cao theo cao, thấp theo thấp rồi đem phơi từ 4 - 5 nắng để giữ màu.

Nghề này tối kị việc để cỏ bàng qua nhiều ngày bị ngả màu héo úa rồi mới đem phơi, vì cỏ bàng sau khi phơi không giữ được màu tươi mới thì sản phẩm làm ra khó bán, giá thấp.

Cỏ bàng khô được đưa vào máy ép dẹp rồi bó lại có đường kính khoảng 10cm, mỗi bó gọi là một neo. Trước khi lấy cỏ bàng khô đan đệm, người thợ dùng máy ép bàng thêm lần nữa, đồng thời dùng chày gỗ giã kỹ những chỗ mà máy ép chưa đạt. Trước đây khi chưa có máy ép, công đoạn này được thực hiện hoàn toàn bằng sức người, dùng chày gỗ giã bàng. Trên thực tế, cũng có người làm nghề chọn cách mua bàng nguyên liệu đã phơi khô và ép sẵn, như vậy giá mua nguyên liệu đầu vào sẽ cao hơn nên ít có lãi, do nghề này chủ yếu “lấy công làm lời”.

Cụ Nguyễn Thị Lành vừa đan đệm vừa kể chuyện nghề

Cách nhà cụ Thiều không xa, cụ Nguyễn Thị Lành (78 tuổi) cũng bắt đầu đến với nghề đan đệm cỏ bàng từ khi còn khá trẻ, năm 12 tuổi. Cùng chia sẻ về kỳ công đan đệm, cụ Lành cho biết do chiều dài cọng bàng có hạn nên một tấm đệm đan hoàn chỉnh phải được ghép nối từ hai mảnh đệm lại với nhau, mỗi mảnh gọi là một vuông. Cũng có trường hợp khách hàng yêu cầu đan đệm cỡ lớn thì đệm được ghép từ nhiều vuông. Dụng cụ dùng để ghép nối vuông là cây ghim luồn bàng. Cây ghim thường được làm bằng chất liệu tre gai già mới không bị bung xơ gỗ trong quá trình sử dụng, bảo đảm độ uốn cong khi luồn. Phía sau đuôi cây ghim có phần bị vạt khuyết một nửa theo kiểu cạnh góc vuông, tại góc có khe hẹp để giữ cọng bàng khi luồn nối.

Cụ Lành cho hay, kỹ thuật nối vuông đòi hỏi người đan đệm phải có nhiều năm kinh nghiệm, tỉ mỉ, khéo léo. Mặt khác, để sản phẩm đạt yêu cầu về tính thẩm mỹ và độ bền, người thợ phải vừa đan vừa nhắt. Nhắt là thao tác dùng các đầu móng tay thúc cọng bàng khít chặt lại với nhau. Kỹ năng thúc cũng phải đồng loạt các đầu móng tay và đồng lực tác động để tạo hình cỏ bàng đan xen được đều, thẳng, đẹp.

Ngoài sự khéo léo, kinh nghiệm, kỹ năng nêu trên, người thợ muốn trụ được với nghề cần có độ bền về sức khoẻ, sự kiên nhẫn, do đặc thù công việc phải ngồi bệt đan đệm suốt từ sáng đến chiều mới hy vọng trong hơn 2 ngày đan xong một tấm đệm loại thường dùng.

Kỳ công của nghề là vậy nhưng nguồn thu nhập lại không cao, thế hệ trẻ ngày nay không mặn mà nối nghiệp. Tại địa phương chủ yếu chỉ còn lại những người cao tuổi vẫn kiên trì ngồi đan đệm cỏ bàng.

Nghề dần mai một

Cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ cũng làm nghề đan đệm cỏ bàng tại khu phố Bình Nguyên 1 trong mấy chục năm qua, cho biết, gia đình cô có truyền thống làm nghề đan đệm qua nhiều thế hệ, từ đời ông bà đến cha mẹ rồi truyền tới đời cô. Năm 13 tuổi, cô Thuỷ bắt đầu làm quen với công việc đan đệm của gia đình và theo nghề cho đến nay đã 64 tuổi.

Cô Thuỷ tâm sự về những khó khăn của nghề, hiện nay giá mua nguyên liệu cỏ bàng tươi dao động từ 36 - 40 ngàn đồng/bó, tuỳ theo loại cỏ xấu hay tốt. Giá này có xu hướng ngày càng tăng do bàng khan hiếm. Thực tế, các vùng đất mà cỏ bàng mọc hoang hoặc được người dân trồng trước đây dần thu hẹp. Nhất là tình hình quy hoạch các vùng đất này để làm khu công nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn...

Đa số những người còn theo nghề tại khu phố Bình Nguyên 1 đều phải mất thêm khoản phí thuê máy ép cỏ bàng, phí mỗi lần ép cỏ từ 4 - 5 ngàn đồng/bó. Đó là chưa kể các khoản chi phí chở đệm bàng đi bán tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng... Theo nhận định của cô Thuỷ, sau khi trừ các khoản chi phí, một người làm nghề đan đệm cỏ bàng hiện nay tại địa phương kiếm được khoảng từ 1 – 1,5 triệu đồng/tháng.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy đan đệm cỏ bàng

“Cô cố gắng đan đệm để dành tiền mua máy ép mà làm hoài không mua nổi (khoảng 7 triệu đồng/máy ép). Cỏ bàng tươi dần khan hiếm, máy ép khó mua được, đã nhiều lần cô muốn bỏ cuộc nhưng lại nghĩ đây là cái nghề do cha mẹ truyền lại nên ráng làm. Hơn nữa, tuổi mình đã cao, điều kiện sức khoẻ không đủ để làm các công việc khác, đành tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi tại nhà ngồi đan đệm kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cô thường hay trăn trở, con cháu về sau có còn ai biết đan đệm cỏ bàng”- cô Thuỷ chia sẻ.

Thực tế, tại địa bàn phường Gia Bình còn rất ít người làm nghề đan đệm cỏ bàng. Do công việc vất vả, kỳ công, khó học thành thợ lành nghề, nguồn thu nhập từ nghề không cao, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cỏ bàng ngày càng khan hiếm. Về nguyên nhân khách quan khác, theo nhịp sống hiện đại hoá, đa số khách hàng ưa chuộng dùng nệm công nghiệp với nhiều mẫu mã đẹp, bắt mắt, hợp thời, độ bền và êm hơn đệm bàng.

Theo đó, nghề đan đệm qua năm tháng dần mất đi nguồn nhân lực, bởi các thợ lành nghề trước đây giờ đã là người cao tuổi, trong khi hầu hết người lao động trẻ ở địa phương đều chọn công việc có nguồn thu nhập ổn định hơn tại các khu công nghiệp, nguy cơ mai một nghề đan đệm.

Bà Vương Thị Kim Quyên- Chủ tịch Hội LHPN phường Gia Bình cho biết nghề đan đệm bàng tại khu phố Bình Nguyên 1 hiện nay dần mai một. Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng đệm truyền thống của người dân ngày càng ít, nguồn thu nhập từ nghề đan đệm thấp, nguồn nguyên liệu cỏ bàng dần khan hiếm nên tại địa phương chỉ còn một vài người cao tuổi đan đệm cỏ bàng.

Bảo Thi – Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục