Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20-10-2024
0-10-2024
Nâng cao chất lượng lúa, hướng đến hình thành vùng lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ
Thứ bảy: 06:43 ngày 19/10/2024

(BTNO) - Lúa là một trong những cây trồng truyền thống chiếm diện tích lớn so với các cây trồng khác tại Tây Ninh. Vùng sản xuất lúa tập trung chủ yếu ở 5 huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng. Tổng diện tích sản xuất lúa năm 2023 của tỉnh đạt trên 148.000 ha, năng suất khoảng 55 tạ/ha, sản lượng thu hoạch gần 821.000 tấn. Dự kiến diện tích sản xuất năm 2024 khoảng 146.700 ha, năng suất ước đạt 56 tạ/ha, sản lượng trên 821.000 tấn.

Thu hoạch lúa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm gần đây, Tây Ninh tăng cường triển khai ứng dụng kỹ thuật canh tác “1 phải - 5 giảm” trên cơ sở kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, trong đó, ngành chức năng tập trung khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận, sạ thưa, giảm lượng giống gieo sạ và đã đạt được một số chuyển biến tích cực. Bộ giống lúa chủ lực nông dân sử dụng trong vụ chủ yếu là giống xác nhận, chất lượng tốt được thị trường chấp nhận, gồm: OM18, OM5451, OM1352, Đài Thơm 8, ST24, ST25, nếp IR4625...

Cơ giới hoá trên cây lúa hiện được áp dụng khá phổ biến, nhiều nhất là máy cày, máy xới, thiết bị sạ hàng, máy phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV và máy gặt đập liên hợp. Trong đó đã cơ giới hoá 100% khâu làm đất và thu hoạch; 2,5% khâu gieo, cấy; 65%-70% khâu chăm sóc.

Ông Trần Văn Thậm– Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Hoà (phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng) cho biết, HTX sản xuất 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu, gồm các giống OM18, Đài Thơm 8, OM5451, OM380. Hiện HTX có hơn 100 thành viên, diện tích sản xuất gần 220 ha. Bên cạnh hoạt động sản xuất, HTX liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu lúa cho nông dân; đầu tư trang thiết bị cơ giới hoá để làm dịch vụ chăm sóc, thu hoạch lúa.

“Hiện HTX có 1 máy gặt đập liên hợp, 2 máy kéo lúa, một phà vận chuyển lúa. HTX dự định sẽ đầu tư thêm 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy bay phun thuốc không người lái, 1 máy cày làm đất và máy sạ cụm để đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc, cơ giới hoá trên cây lúa”– ông Thậm nói.

Sở NN&PTNT đánh giá, thời gian qua, tình hình sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, hầu hết sản lượng lúa đáp ứng nhu cầu của thị trường, được tiêu thụ chủ yếu trong nước. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ngày càng rộng rãi, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng các nông sản trên địa bàn tỉnh.

Nông dân cắt cỏ trên ruộng lúa

Tính đến tháng 9.2024, trên địa bàn tỉnh có gần 70 ha diện tích trồng lúa đang áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Tỉnh cũng hình thành các vùng sản xuất lúa lớn, tập trung và có hợp đồng liên kết tiêu thụ với một số doanh nghiệp như công ty CP sản xuất - thương mại Lúa Vàng Việt, Công ty TNHH DV NN Lộc Trời, công ty Cổ phần Thành Thành Công, công ty TNHH vật tư nông Nghiệp Khánh Ngọc, công ty TNHH MTV-SX-TM-DV Huỳnh Phương, công ty CP giống cây trồng Miền Nam, Nhà máy chế biến hạt giống Lộc Trời...

Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường, công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, thường xuyên gặp rủi ro, không chủ động nước tưới, năng suất thấp đã được chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có gần 1.500 ha cây trồng kém hiệu quả trên đất lúa được chuyển đổi, trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hàng năm khoảng 840 ha (bắp gần 280 ha, ớt 165 ha, mì 190 ha, rau các loại 125 ha, một số cây trồng khác như dưa leo, mía, bí...); chuyển đổi sang cây lâu năm gần 620 ha (sầu riêng gần 410 ha, cao su 63 ha, nhãn 43 ha và một số cây ăn quả khác).

Xả nước vào ruộng lúa

Theo Sở NN&PTNT, định hướng trong thời gian tới, tỉnh giảm dần diện tích lúa ở mức bảo đảm các yêu cầu về an ninh lương thực quốc gia và của địa phương; dự kiến diện tích gieo trồng lúa đến năm 2030 là 141.500 ha. Diện tích lúa một vụ kém hiệu quả sẽ chuyển sang canh tác rau, củ, quả, thực phẩm và cây ăn trái; diện tích lúa hai vụ sẽ chuyển sang luân canh với rau, củ, quả, thực phẩm nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và giảm sâu bệnh hại; diện tích chuyên lúa sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là đê bao, nâng cao chất lượng lúa, hướng đến hình thành vùng lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ.

Ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn nông dân các quy trình kỹ thuật canh tác sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) gắn với truy xuất nguồn gốc và kiểm soát sâu bệnh trên cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trúc Ly

Tin liên quan