Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời - Tầm nhìn vượt thời gian
Bài 3: Hợp tác quốc tế về giáo dục - tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh
Thứ hai: 14:20 ngày 21/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong logic tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn đặt con người lên vị trí hàng đầu trong mọi quá trình xã hội.

“Khái niệm “công dân tốt” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ sớm, lần đầu tiên là trong thư gửi nhi đồng về công tác Trần Quốc Toản vào tháng 2.1948, Người viết: “Giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến. Và do đó, các cháu sẽ luyện tập cái tinh thần siêng năng và bác ái để sau thành người công dân tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Trong logic tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn đặt con người lên vị trí hàng đầu trong mọi quá trình xã hội. “Vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả” - Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục.

Không “khoán trắng” cho nhà trường

Trong thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc, tháng 3.1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy dạy là chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Cùng với khái niệm “công dân tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sử dụng các khái niệm có liên quan trực tiếp như “công dân đứng đắn”, “công dân kiểu mẫu”, “công dân xã hội chủ nghĩa”. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người công dân tốt phải có đủ tài và đức. Người chỉ rõ: “Chúng ta phải khéo giáo dục để mai sau nhi đồng ta thành những công dân có tài, có đức, xứng đáng là người chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Trước những nhiệm vụ lịch sử vẻ vang nhưng cũng rất khó khăn như giải phóng dân tộc, kháng chiến, kiến quốc, đất nước cần có người tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đức là gốc của mọi phẩm chất, năng lực mà người công dân tốt cần có. Trong nhiều bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những nội hàm của đạo đức công dân. Để có thể hưởng trọn những hạnh phúc của công dân một nước độc lập, tự do, mọi công dân cần phải làm tròn bổn phận của mình, có trách nhiệm với Tổ quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc và các giảng viên của khoá học bồi dưỡng quốc tế “Nâng cao năng lực lãnh đạo và quản trị địa phương hiệu quả” tổ chức tại Tây Ninh đầu tháng 9.2024. Ảnh: Phương Thuý

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp cận đạo đức theo chủ thể, tức là người công dân nói chung hay những nhóm công dân cụ thể, mà còn tiếp cận trong các mối quan hệ với mình, với người và với việc; trong nước và nước ngoài... Chẳng hạn, nói đến đạo đức công dân trong quan hệ quốc tế, Người chỉ rõ, mọi người Việt Nam phải nêu cao tinh thần hoà bình, hữu nghị, muốn làm bạn với các nước dân chủ trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành riêng một bài viết để nêu khái quát quan điểm của người về đạo đức công dân: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công dân chứa đựng nhiều giá trị nhân loại và thời đại sâu sắc. Trong hầu hết các bài nói, bài viết có liên quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trách nhiệm của giáo dục, đào tạo trong xây dựng người công dân tốt. Chẳng hạn, Người viết: “Ở các trường, trước đây chúng ta đã làm, từ nay cần tăng cường hơn nữa. Kết hợp chặt chẽ lý luận với thực hành, giáo dục với lao động, văn hoá với đạo đức cách mạng. Cần làm cho con em chúng ta thành những trò giỏi, con ngoan, bạn tốt, và mai sau là những công dân dũng cảm, cán bộ gương mẫu, người chủ xứng đáng của chế độ xã hội chủ nghĩa”. Tất nhiên, với tư duy toàn diện, nhấn mạnh vai trò của giáo dục, đào tạo trong xây dựng người công dân tốt, điều đó không có nghĩa là trách nhiệm đặt hết lên vai nhà trường. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà trường là chủ thể chính của giáo dục và đào tạo nhưng các chủ thể giáo dục khác trong xã hội cũng phải vào cuộc. Người chỉ rõ: “Mỗi người chúng ta đều phải nhận trách nhiệm góp phần vào việc giáo dục. Do đó, cần phải liên hệ chặt chẽ việc giáo dục giữa nhà trường với gia đình, với xã hội; giữa nhà trường với các đoàn thể - trước hết là đoàn thể thanh niên”. Người còn nói: “Gia đình, trường học và xã hội chăm lo giáo dục, đều nhằm mục đích làm cho các em mai sau trở nên những công dân tốt, những cán bộ tốt, những người chủ tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Giờ học tiếng Anh ở Trường liên cấp TH-THCS-THPT IGC (gọi tắt trường IGC).

Đặc biệt coi trọng vai trò và chất lượng đội ngũ thầy cô giáo trong đào tạo công dân tốt, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nội dung dạy của ta phải thiên về lao động. Trước kia thì đào tạo thành các cậu tú, cô tú xem khinh lao động. Bây giờ thì phải yêu lao động, thực sự lao động. Ta làm dần dần, “tả” quá cũng không được, nhưng phải đi đến một chế độ học tập bao gồm văn hoá, kỹ thuật và lao động”.

Người còn yêu cầu phải xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp từng đối tượng người học, kịp thời thích ứng với những thời kỳ cách mạng mới. Việc xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo phải trên cơ sở nắm vững đặc điểm, tâm lý của đối tượng giáo dục, căn cứ vào nhu cầu của người học trong quá trình giáo dục. Giáo dục cũng phải “căn cứ vào trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng”. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng chương trình giáo dục, đào tạo phải phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước và nhiệm vụ cách mạng của dân tộc. Người nhấn mạnh: “Phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc”. Quan điểm này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người trong việc xây dựng nền giáo dục gắn bó với vận mệnh của đất nước, đồng hành với dân tộc, một nền giáo dục nhân bản, phát huy cao nhất mọi năng lực, phẩm chất vốn có của con người, thực sự vì con người, phục vụ sự nghiệp khai sáng, nâng cao dân trí và phát triển.

Gửi thanh niên đi học ở nước ngoài

Người còn chủ trương hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo, đưa những công dân trẻ của Việt Nam đi học tập ở nước ngoài. Từ nhận thức sâu sắc thế giới luôn đổi thay, công việc kháng chiến và kiến quốc ngày càng nhiều và mới, trong khi sự hiểu biết của con người lại có hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc mở rộng giao lưu, hợp tác với các nước trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là một trong những yêu cầu hết sức cần thiết. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, Người đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đề nghị gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định, một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác. Khi nói chuyện với những công dân trẻ là trí thức Việt kiều và du học sinh, Người cũng căn dặn họ cần “gắng sức học tập nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, để sau này về nước góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh”.

Có thể thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn từ sớm, từ xa, không chỉ sớm quan tâm đến vấn đề người công dân tốt, còn xây dựng cả một chiến lược đào tạo người công dân tốt. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về người công dân tốt và đào tạo người công dân tốt chứa đựng nhiều giá trị và sức sống vượt thời gian.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tại hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục (6.1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giáo dục bây giờ không phải như giáo dục thời trước. Trước kia thì “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”, nghĩa là tất cả mọi tầng lớp ở dưới thấp cả, chỉ có người đọc sách, người trí thức, mới là cao hơn hết. Đó là giáo dục của phong kiến”. “Người lao động trí óc, mà không liên hệ với lao động chân tay thì mới là trí thức một nửa. Còn người lao động chân tay mà văn hoá kém, không biết lao động trí óc thì cũng là người không hoàn toàn, cũng chỉ được một nửa... Người trí thức phải biết làm lao động chân tay. Người công nhân, nông dân phải có trình độ văn hoá”.

Tin liên quan