Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vì sao người ta mua bằng?
Thứ sáu: 08:35 ngày 23/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Có thể thấy, “văn hóa trọng bằng” về mặt nào đó đã làm tha hóa cả một số trí thức là người hướng dẫn, những nhà tổ chức...


Minh họa: Khánh Linh

Trước khi bàn chuyện Đại học Đông Đô mấy hôm nay nóng bỏng trên báo chí, tôi xin kể hai chuyện. Thứ nhất, năm 1995, bạn tôi làm tiến sỹ triết học. Sau khi bảo vệ thành công, anh được bổ nhiệm vụ trưởng một cơ quan cấp Bộ. Tháng sau, anh gửi một bài báo đến cơ quan tôi, thấy anh không đề học vị trước tên tác giả, tôi thắc mắc. Anh trả lời: “Học để bổ nhiệm thôi, ghi thêm học vị tôi thấy ngại” (!). Tất nhiên, về sau anh đã tự tin để làm việc đó.

Chuyện thứ hai, khoảng 9 năm trước, tôi có dịp dự bảo vệ luận án tiến sỹ tại Đại học Kinh tế quốc dân của một người quen đang là Phó chủ tịch tỉnh. Sau khi Hội đồng công bố điểm, Chủ tịch tỉnh đó được mời lên phát biểu. Anh nói rất thành tâm: “Tỉnh tôi hiện nay chỉ còn Chủ tịch là không tiến sỹ, các Phó chủ tịch 100% tiến sỹ. Đây là điều mừng. Hy vọng tỉnh nhà sẽ phát triển tốt hơn”. Vị Phó chủ tịch này sau đó lần lượt giữ các cương vị: Chủ tịch, Bí thư và nay là hàm Bộ trưởng ở Hà Nội.

Một người làm công tác cán bộ nhiều năm cho tôi biết, đối với công chức, hiện nay quy định tuyển dụng đang được thực hiện theo Nghị định 24/2010. Những người tốt nghiệp thủ khoa, hoặc tốt nghiệp đại học và sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài sẽ được áp dụng chính sách tuyển dụng đặc biệt. Chế độ lương tập sự cũng luôn ưu đãi người có bằng cấp cao hơn.

Đối với viên chức, chính sách ưu tiên cho những người có bằng cấp cao càng thể hiện rõ hơn. Cụ thể, tại Điều 14, Nghị định 29/2012 về tuyển dụng, sử dụng quản lý viên chức nêu rõ: ‘Những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng sẽ được xét tuyển đặc cách”.

Do quy định như vậy, nên xảy ra nhiều chuyện đáng suy nghĩ. Số lượng tiến sỹ trong “khu vực công” làm nhiệm vụ quản lý vô cùng lớn. Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội từng chia sẻ tại một hội nghị rằng, Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nên rất khó tinh giản biên chế. Đây đúng là chuyện “cười ra nước mắt”.

Có thể nói, “trọng bằng” từ lâu đã trở thành một phần “văn hóa Việt”. Bằng cấp, không chỉ là giấy chứng nhận cho trình độ bản thân mà còn để ghi lên danh thiếp, ghi vào gia phả dòng họ và thực sự trở thành “ưu thế” lớn trong “khu vực công”.

Xã hội Việt Nam đang vận động theo hai chiều “ngược” nhau. Trong khi hầu hết các nhà tuyển dụng ở “khu vực tư“ không coi bằng cấp như một điều kiện tiên quyết thì tại “khu vực công”, người có bằng cấp cao lại đang được hưởng những chính sách ưu tiên, đặc cách trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm mà sau đó không hề phải trải qua một bài kiểm tra hay đánh giá năng lực thực sự nào trong quá trình công tác.

Tất nhiên, điều này đi ngược với thế giới. Ở các nước phát triển, người tuyển dụng chỉ chọn người tài, cốt làm được việc, lương trả theo năng lực thực tế, hiệu quả công việc. Trong các công ty, vị trí không chỉ dựa vào bằng cấp. Kỹ sư lãnh đạo tiến sĩ là thường.

Bằng cấp dĩ nhiên là cần trong giới hàn lâm nhưng nó đã là chuẩn chung, không phải là cái thứ làm cho có để được bổ nhiệm, để khoe mẽ. Tôi từng “đau” khi xin việc cho đứa cháu vừa tốt nghiệp đại học và nhận được câu trả lời: “Cái bằng đại học có nghĩa gì, quan trọng là cháu có làm được việc không. Công ty em không nhận loại nhân lực phế phẩm”.

Quay trở lại chuyện Đại học Đông Đô “bán” văn bằng 2 đại học không phép. Phải gọi là “bán”, vì người “mua” rất nhiều, họ không đi học, không có trình độ nhưng vẫn có thể có bằng với giá vài chục triệu đồng.

Vì sao người mua nhiều thế? Vì mua xong có đất dụng võ. Chắc trăm người mới có một người mua bằng làm cảnh, mua trưng cho oai.

Câu chuyện “lò đào tạo tiến sỹ” siêu nhanh, siêu khủng ở viện nọ một thời gian “ngập” trên báo chí là tiếng chuông cảnh báo. Và câu chuyện Đại học Đông Đô “bán” bằng khiến hiệu trưởng và một số “thuộc hạ” bị bắt, Chủ tịch HĐQT đang bị truy nã là hệ quả tất yếu.

Có thể thấy, “văn hóa trọng bằng” về mặt nào đó đã làm tha hóa cả một số trí thức là người hướng dẫn, những nhà tổ chức, cầm cân nảy mực trong việc đo lường đánh giá giá trị học vấn của người học. Nó cũng là nguyên nhân góp phần làm “lệch chuẩn” các giá trị xã hội. Để chặn đứng được vấn nạn này, không chỉ dùng lệnh bắt hay bỏ tù là được mà cần phải thay đổi cả hệ thống đánh giá cán bộ, công chức. Chỉ khi nào văn bằng “giả” không mua được ghế “thật”, việc này mới chấm dứt.

Nguồn baogiaothong

Tin cùng chuyên mục