Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các luận điệu xuyên tạc và không thiện chí cho rằng việc đề cao giáo dục đạo đức cách mạng chẳng qua là sự bế tắc về quản lý đảng viên, nhất là những đảng viên giữ chức vụ cao nên hô hào giáo dục đạo đức chẳng qua là để vuốt đuôi (!?).
Vừa qua, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9.5.2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; trên các diễn đàn mạng xã hội đã có nhiều bài viết xuyên tạc, phủ nhận công việc này. Các luận điệu xuyên tạc và không thiện chí cho rằng việc đề cao giáo dục đạo đức cách mạng chẳng qua là sự bế tắc về quản lý đảng viên, nhất là những đảng viên giữ chức vụ cao nên hô hào giáo dục đạo đức chẳng qua là để vuốt đuôi (!?). Rằng, bản chất con người là tham nên chỉ hô hào giáo dục và tu dưỡng đạo đức sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả mà chỉ có pháp luật nghiêm minh mới có thể mang lại hiệu quả… Thoạt nghe, những lập luận nguỵ biện này có vẻ có lý và trong thực tế các luận điệu này cũng đã mê hoặc được không ít người vốn chỉ lớt phớt đọc qua. Thế nhưng đi sâu bản chất vấn đề thì những luận điệu kiểu này chỉ là những luận điệu nguỵ biện và không đúng với xu thế hướng thiện của con người nói chung, với bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng.
Bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 3.2.1969
Chúng ta đều biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên của Đảng. Người cũng khẳng định rằng “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ 2 điều kiện cần và đủ là: ĐỨC và TÀI. Bài giảng đầu tiên cho lớp cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 1927 do đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì và đứng lớp với nội dung “Tư cách một người cách mệnh”. Trong bài giảng này, Người đã nêu lên 23 tư cách cần có của một người cách mạng. Trong suốt cuộc đời cách mạng sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức cho đội ngũ đảng viên, bởi theo Người: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”. Ngay trong những ngày gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại chiến khu Việt Bắc, Người đã dành thời gian viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” với rất nhiều những chỉ dẫn về “sửa đổi lối làm việc”, đặc biệt là những vấn đề về trau dồi đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu không tính Di chúc thì tác phẩm được xem là cuối cùng viết về giáo dục đạo đức chính là bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Nhân dân ngày 3.2.1969.
Tại sao phải đề cao giáo dục đạo đức và đạo đức cách mạng? Chúng ta đều biết rằng con người có lý trí và luôn dùng lý trí của mình để điều chỉnh hành vi, vì vậy, con người bao giờ cũng luôn hướng về những điều cao cả, tốt đẹp. Nếu đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, hẳn nhiên chúng ta đều “quen biết” một nhân vật là Hồ Tôn Hiến. Khi thấy vẻ đẹp của Thuý Kiều, Hồ Tôn Hiến đã “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Thế nhưng cái phần “con” trong con người Hồ Tôn Hiến đã bị ngay cái lý trí nổi lên chặn đứng, để rồi Hồ Tôn Hiến bừng tỉnh: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Điều đó cho thấy, đâu đã cần tới kỷ luật của triều đình, đâu đã cần đến luật pháp, chính tự ý thức đã đánh thức phần “người” trong vị mệnh quan triều đình Hồ Tôn Hiến đó chứ. Vậy nên chúng ta sẽ không khó khăn gì để giải thích vì sao cũng một công việc ấy, cũng chức vụ ấy, cũng là đảng viên nhưng có những người tận tâm tận lực với công việc, hết mình đóng góp cho công việc chung; trái lại, có người tham ô, tham nhũng, làm những việc tồi bại. Họ đều là đảng viên, vậy họ đều chịu chung kỷ luật của Đảng, họ đều là công dân của nước CHXHCN Việt Nam, vậy là họ đều chịu sự chi phối và điều chỉnh của hệ thống pháp luật Việt Nam. Thế thì đâu phải do kỷ luật hay do pháp luật không nghiêm mà là do tự ý thức về trách nhiệm, bổn phận và tự rèn luyện đạo đức. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức của những người cùng chung lý tưởng. Lý tưởng là cái cao đẹp nhất mà con người hướng tới. Vì là tổ chức của những người cùng chung lý tưởng nên trước khi vào Đảng, mỗi người đều đọc lời thề thiêng liêng trước cờ Đảng. Chính lời thề thiêng liêng ấy mà bao lớp cán bộ, đảng viên của Đảng đã chấp nhận tù đày, hy sinh, đó là giá trị đạo đức cao nhất: Đạo đức của những người cộng sản chân chính.
Cần khẳng định rằng quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng không có nghĩa là không tiến hành kỷ luật Đảng nghiêm minh và xử lý nếu cán bộ, đảng viên vi phạm. Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng những năm vừa qua, nhất là công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vừa qua đã xử lý kỷ luật, truy tố hàng loạt cán bộ, đảng viên suy thoái, thoái hoá, biến chất, tham ô, tham nhũng… Đó là những con số “biết nói” để khẳng định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiến hành song song hai nhiệm vụ: vừa giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời tiến hành kỷ luật nghiêm minh và xử lý nghiêm khắc các hành vi sai phạm.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết”. Kỷ luật Đảng nghiêm minh, pháp luật nghiêm minh là cần thiết nhưng nó chỉ góp phần xử cái sai, cái xấu, cái ác, chỉ có đạo đức mới làm cho cái tốt nảy nở, sinh sôi. Việc Đảng ban hành Quy định 144 không có nghĩa là Đảng không siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
“TƯ CÁCH MỘT NGƯỜI CÁCH MỆNH
Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hoà mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất.
Bí mật.
Đối người phải:
Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm.
Có lòng bày vẽ cho người.
Trực mà không táo bạo.
Hay xem xét người.
Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể”.
(Đường cách mệnh - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, trang 280-281)
Hồng Phúc