Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Có đi mới biết, đời nghệ sĩ kể ra cũng lạ: Mới sáng bừng trong ánh đèn, hùng dũng, oai phong lẫm liệt đó, khi tấm màn nhung khép lại, nghệ sĩ gì cũng phải hít hà thổi cho tô cháo gà bớt nóng, húp một chút cho dạ dày quên reo.
Tôi không biết vì sao ông Cao Văn Lầu đặt tên cho tiền thân bài bản vọng cổ ngày nay là “dạ cổ hoài lang”, nhưng mỗi lần nghe đào, kép cất giọng, tôi cứ tưởng như họ đang rứt ruột, rứt gan ra mà hát. Bạn bè thời 7X biết tôi mê cải lương trề môi bảo “sến” cho dù thời con nít, họ cũng như tôi, cũng từng đội mưa ngồi giữa Bãi hát Thị xã cũ, tròn mắt mà xem Châu Thanh, Phượng Hằng vô vọng cổ cả trăm chữ. Cũng vì lẽ đó nên suốt thời phóng viên, anh em nghệ sĩ Đoàn Cải lương Tây Ninh lại í ới rủ tôi theo đoàn rong ruổi chỗ này, chỗ nọ. Có đi mới biết, đời nghệ sĩ kể ra cũng lạ: Mới sáng bừng trong ánh đèn, hùng dũng, oai phong lẫm liệt đó, khi tấm màn nhung khép lại, nghệ sĩ gì cũng phải hít hà thổi cho tô cháo gà bớt nóng, húp một chút cho dạ dày quên reo.
Nhưng, những ngày tháng đó đã xa, lâu lắm rồi!
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tặng hoa chúc mừng anh chị em nghệ sĩ Đoàn Cải lương Tây Ninh sau khi kết thúc vở diễn “Rừng nhựa trắng” tại Hội trường Ba Đình.
Kỳ cuối: Mai này ai nhớ cải lương?
Trong lịch sử hình thành và phát triển của Đoàn Cải lương Tây Ninh, năm 1982 được xem là một mốc son khi đoàn biểu diễn phục vụ cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V. Có thể nói, chưa đoàn nghệ thuật nào có được vinh dự 6 lần vào Hội trường Ba Đình chỉ diễn duy nhất một vở “Rừng nhựa trắng”, cả 6 lần cố Tổng Bí thư Lê Duẫn đều rưng rưng nước mắt khi nghe bà mẹ già - do nữ nghệ sĩ Ánh Hồng thủ diễn mang giỏ mía và củ mì lên thăm đứa con đi lính cho giặc: “Đây là mồ hôi, nước mắt của má. Bụi mía sau hè, giồng khoai trước ngõ. Mía ngọt quê hương, khoai bùi xứ sở, ăn đi con, ăn đi… để nhớ cội, nhớ nguồn”.
Thời hoàng kim
Sau giải phóng, Đoàn Văn công Tây Ninh được đánh giá là một trong những đoàn mạnh, có dàn diễn viên đồng đều nhất miền Nam. Tôi chắc rằng, những người thích cải lương thế hệ 6X, đầu 7X từng xem Đoàn Văn công Tây Ninh biểu diễn, không ai có thể quên được hình ảnh nghệ sĩ Thanh Hải (Chín Hải, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin, nguyên Trưởng đoàn Cải lương Tây Ninh) trong vai huyện quan Tô Đình Hàm cúi rạp mình để xin viên quan hai Pháp cây súng “hai nòng” trong vở “Tiếng hát An Cơ”. Vai diễn nửa hề, nửa độc nhưng cũng nhờ vai diễn này mà nghệ sĩ Thanh Hải thành danh. Nghệ sĩ Hoàng Giang – kép độc nổi tiếng của sân khấu cải lương miền Nam khi xem vở diễn từng khen rằng: “Vai này, ngoài Chín Hải ra, không ai đóng được vậy!”.
Một trong những nghệ sĩ được xem là người góp công rất lớn trong thời hoàng kim của Đoàn Cải lương Tây Ninh ở những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 là đôi vợ chồng nghệ sĩ Ánh Hồng – Hữu Lộc. Họ không chỉ là đào chánh – kép chánh suốt nhiều năm trời sau giải phóng, mà còn góp phần đào tạo những nghệ sĩ trụ cột của đoàn sau này như Kim Thoại, Thanh Thanh Mai, Thiện Lục…
Nghệ sĩ ưu tú Ánh Hồng nổi danh trên sân khấu cải lương miền Nam trước giải phóng. Năm 1962, bà đoạt Huy chương Vàng trong hệ thống Giải Thanh Tâm (1962). Những vai diễn nổi bật thời đó của bà trên sân khấu Hương Mùa Thu như: Quận chúa trong vở Người đàn bà dưới ánh trăng, Liên trong Người anh khác mẹ của soạn giả Thu An... Sau giải phóng, giới mộ điệu cải lương Tây Ninh khó mà quên được vai Công chúa An Tư trong vở diễn cùng tên. Đặc biệt vai bà ngoại trong vở Người trong cõi nhớ giúp bà đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Cũng trong vở này, chồng bà, Nghệ sĩ ưu tú Hữu Lộc – nguyên Phó đoàn Cải lương Tây Ninh trong vai diễn ông già trồng cây (chánh lão mùi) đoạt Huy chương Bạc.
Năm 1987, đôi vợ chồng nghệ sĩ Ánh Hồng – Hữu Lộc rời đoàn về hát cho Đoàn Cải lương Long An, khi này những tài danh mà hai ông bà góp phần đào tạo đã vững chân trên sân khấu.
Năm 1976, hai soạn giả Thanh Hải – Thanh Hiền về Trảng Bàng dự đám cưới một người bà con. Đêm văn nghệ thật sôi nổi, hào hứng. Có một cô bé khoảng 13-14 tuổi ca rất ngọt, nhịp nhàng điêu luyện, vóc dáng cao ráo, gương mặt dễ thương, hai anh như phát hiện ra viên ngọc quý ẩn mình. Sau đó, hai ông tìm đến nhà gặp mẹ cô bé, xin nhận cô làm con nuôi, và xin cho cô về Đoàn Văn công Tây Ninh để đào tạo. Thời đó, được tuyển làm diễn viên của Đoàn văn công tỉnh là một vinh dự lớn đối với gia đình, làng xóm, đồng thời chế độ bồi dưỡng của một diễn viên khá cao so với một số ngành nghề khác. Âu đó cũng là một cuộc đổi đời, thoát khỏi cảnh lam lũ đồng khuya ruộng sớm.
Từ đoàn văn công ca múa nhạc cải lương tổng hợp, chuyển thành đoàn cải lương Nhân Dân Tây Ninh. Vở diễn đầu tiên ra mắt đoàn là “Ngày tàn bạo chúa” của tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn: NSƯT Quốc Hòa, thiết kế sân khấu: họa sĩ Lê Trường Tiếu. Kim Thoại được phân công nhắc vở, Ánh Tuyết đóng vai Yên Ly, Đăng Minh trong vai Alikha. Sau đó, đoàn dựng tiếp vở “Tìm lại cuộc đời” của tác giả Huy Lam – Hoàng Khâm – Điêu Huyền, Kim Thoại được phân vai Oanh. Ngay lần đầu tiên ra mắt, Kim Thoại đã tạo được ấn tượng tốt với lối ca diễn chững chạc, gương mặt sáng đẹp, tuy đóng vai đào ba nhưng đã cho thấy khả năng vượt trội.
Tết năm 1979 với Kim Thoại là một cột mốc khó quên. Năm đó đoàn hát Tết tại đồng ớt xã Lộc Hưng – huyện Trảng Bàng. Đêm mùng 2 Tết đoàn chuẩn bị kéo màn diễn vở “Ngày tàn bạo chúa”, khán giả đã đầy chật sân diễn. Bất ngờ, Ánh Tuyết đau nặng không thể diễn được, Kim Thoại đã thay vai Yên Ly một cách ngọt ngào. Sau đó, Ánh Tuyết nghỉ hộ sản, Kim Thoại đương nhiên trở thành diễn viên chính của đoàn, lúc đó cô vừa tròn 16 tuổi.
Một lần trò chuyện khi chị vừa nghỉ hưu, Kim Thoại hồi tưởng, cha mất từ năm chị vừa tròn 12 tuổi, mẹ phải tần tảo nuôi dưỡng bốn đứa con. Làng Gia Bình, xứ Trảng là nơi có phong trào đờn ca tài tử từ lâu đời của đất Tây Ninh. Sau ngày lao động mệt nhọc, đêm đêm Kim Thoại cùng các chú, các anh chị quây quần trước sân nhà ca hát, giúp cho những người dân quê quên đi mệt nhọc đồng áng. Đám cưới, đám giỗ, đám tang, những cuộc liên hoan văn nghệ mừng ngày thống nhất đất nước của xứ Trảng đều có cô bé Kim Thoại.
Chị bảo, nếu không gặp chú Chín Hải, bác Tư Thanh Hiền, chị không có cơ hội đến với nghề hát. May mắn lớn nhất là chị được phát triển nghề nghiệp trong một môi trường chuyên nghiệp, được nhiều người thầy dẫn dắt. Kể lại cuộc đời đi hát của mình, Kim Thoại luôn cho mình “tốt số”, được bẻ tay bẻ chân với ông thầy Quốc Hoà rất nghiêm khắc trong giờ tập tuồng. Lần đầu tiên một cô bé nhà quê được dạy dỗ nghệ thuật biểu diễn, vũ đạo, động tác hình thể. Nghệ sĩ Hữu Lộc dạy chị kinh nghiệp khi đứng trên sân khấu, khai thác giọng ca, “đo ni đóng giày” cho chị một số vai diễn tạo được dấu ấn riêng. Nghệ sĩ Ánh Hồng dạy chị những động tác đào văn, đào võ, gọt giũa những thô mộc để sang trọng, đài các, tinh tế hơn trong những vai công chúa, tiểu thơ…
Những năm tháng sống và làm việc ở Tây Ninh, tác giả Hoa Phượng đã nhận Kim Thoại làm con nuôi, những bữa hầu trà, chị được ông tận tình chỉ dạy, nói về lao động nghệ thuật của nghệ sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết như những bài học làm kim chỉ nam dẫn đường, lời ông dạy tới bây giờ vẫn còn sống mãi trong lòng cô: “Người nghệ sĩ tài năng không chỉ bằng năng khiếu bẩm sinh mà phải có một quá trình khổ luyện, học tập, phải biết kết hợp bản năng và tri thức”. Có một vai diễn đã đưa Kim Thoại ra khỏi cái bóng của những nghệ sĩ đàn chị là vai Mỵ Nương trong vở Trương Chi – Mỵ Nương do ông đạo diễn và cùng sáng tác với tác giả Kiên Giang.
Duyên nghề đưa đẩy, năm 1985 trong vai người vợ vở “Người trong cõi nhớ” (tác giả Lưu Quang Vũ – Thể Hà Vân), qua bàn tay đạo diễn bậc thầy Đoàn Bá, Kim Thoại xuất sắc đoạt Huy chương Vàng trong đợt Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Quy Nhơn.
Đoàn Cải lương Tây Ninh vào thăm lăng Bác
Mai này ai nhớ cải lương?
Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, cải lương đã xuống dốc trước làn sáng phim ảnh. Năm 2011, đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga lên Tây Ninh dựng vở "Bản báo cáo màu hồng" (soạn giả Đăng Minh). Khi đó, đoàn còn đóng trong khuôn viên Bảo tàng cũ (giờ là Vincom Plaza). Trò chuyện bên bàn trà, ông bảo các nhà lý luận phê bình, đạo diễn sân khấu, nghệ sĩ cải lương đã phân tích đủ mọi nguyên nhân khách quan và chủ quan về tình hình cải lương xuống dốc. Có người mãi hoài niệm về cái thời hoàng kim của sân khấu, mỗi lần mở màn là khán giả chật rạp, cát-xê diễn viên cao ngất trời. Cũng có người lại tự an ủi, rồi hy vọng: Thôi thì cứ đợi đến một ngày, người ta sẽ chán phim Tàu, phim Hàn Quốc, "oải" Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Lam Trường… quay trở lại với nghệ thuật truyền thống. Ông ngã người ra sau, tựa vào lưng ghế, mắt xa xăm: "Cần phải nhìn nhận một điều, sân khấu cải lương sa sút, không thu hút được khán giả là lẽ tất yếu trong sự phát triển của kinh tế - xã hội. Ngày xưa, đời sống văn hoá nghèo nàn, món ăn tinh thần chỉ có cải lương, có hát bội, có chèo. Bây giờ kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ văn hoá cũng theo cái đà ấy mà tăng theo, đòi hỏi phải có nhiều món ăn tinh thần. Nói bình dân là, ngày xưa anh nghèo, sáng ra anh chỉ cần điểm tâm một tô hủ tíu là đã đời rồi. Bây giờ, anh khá lên rồi, anh tự hỏi, tại sao phải ăn hoài có mỗi món hủ tíu trong khi có đủ loại điểm tâm: bánh mì ốp-la, cơm bì, cơm tấm, phở, bánh ướt… Tất nhiên, họ không quên hủ tíu, vì nó cũng là món ngon mà. Từ đó mà suy luận, nếu không còn nghệ sĩ hát hay, kịch bản xuất sắc, sân khấu cải lương làm gì còn được sáng đèn… Mà anh thấy đó, bây giờ đâu phải hết những người mê cải lương. Họ ngồi nhà, rung đùi xem cải lương trên truyền hình, trên băng đĩa… toàn những ngôi sao tên tuổi, dại gì đến rạp, chờ mỏi cổ chỉ thấy được một hai người…
Một vở diễn dù lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, cải lương hay kịch nói, hát bội… được đánh giá là hay khi mang đầy đủ 3 yếu tố: Chuyển tải được nội dung tư tưởng của kịch bản; mang tính xã hội và thu hút được người xem. Nhưng có nhiều vị đạo diễn khá hời hợt, không nghĩ vấn đề nội dung tư tưởng, tính xã hội, chỉ thấy kịch bản éo le, tình yêu tay ba, tay tư… đem dựng ào ào lên là phản tác dụng, khán giả chán liền!".
Một cảnh trong vở “Người trong cõi nhớ”
Theo đạo diễn Huỳnh Nga, việc chấn hưng cải lương, không thể là một ngày, một bữa. Có nhiều người nói: Cứ để cho các soạn giả, đạo diễn, diễn viên chết đói hết. Đói ắt đầu gối phải bò, cải lương mới hay lên được. Nhưng chờ đến lúc đó thì chờ đến bao giờ. Trước mắt, từ trung ương đến địa phương, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho cải lương - một bộ môn nghệ thuật truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc ta. Mở các trại sáng tác để các soạn giả có điều kiện viết kịch bản và chú trọng việc đào tạo diễn viên trẻ. Ông hóm hỉnh: "Đừng để xảy đi, xảy lại cái cảnh, diễn viên trẻ bắt chước giọng của các nghệ sĩ nổi tiếng, rồi đặt cho mình nghệ danh giông giống như họ. Ví dụ như bắt chước Minh Vương thì đặt tên là Minh A, Minh B, Minh C… hay A Minh Vương, B Minh Vương, C Minh Vương. Nghệ thuật là phải có bản sắc riêng. Có ai thích vào một vườn hoa, chỉ trồng mỗi thứ bông vạn thọ, vàng nghế trời đất đâu?".
Những gì đạo diễn - nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga nói từ hàng chục năm trước, nghĩ theo một cách nào đó, dường như bây giờ vẫn còn “thời sự”. Năm 2012, Đoàn Cải lương Tây Ninh dời “cứ”, từ nơi ở tạm bợ trong khuôn viên Bảo tàng cũ về Rạp chiếu bóng Hoà Thành cũ sau khi việc nâng cấp, sửa chữa nơi này hoàn thành với tổng mức kinh phí gần 3 tỷ đồng. Còn nhớ, tôi và Phó đoàn Lâm Thành Hưng nâng ly chúc mừng nhau, dù trong thâm tâm vẫn dâng lên một nỗi hồ nghi về tương lai của sân khấu cải lương.
Vì nhiều lý do khác nhau, một đoàn nghệ thuật dày dạn truyền thống từ những năm kháng chiến như Đoàn Cải lương Tây Ninh đã phải sáp nhập vào Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh, không thể tiếp tục trụ được như Đoàn Cải lương Long An hay Hương Tràm - Cà Mau… Lớp gạo cội về hưu, ai “đủ chuẩn” mới tiếp tục ở lại, còn phần lớn là thất tán, ai mời thì đi hát cho đỡ nhớ nghề; có nghệ sĩ hằng đêm lên mạng xã hội, livestream hát theo yêu cầu.
Ban Giám khảo Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ đoạt huy chương của Đoàn Cải lương Tây Ninh
Lại nhớ, tại Hội nghị triển khai công tác văn hoá, thể thao và du lịch năm 2023, một vị lãnh đạo Chính phủ nói vầy: “Văn hoá có những đặc trưng mà ở góc độ nào đó rất khó cho đội ngũ thực hiện. Thứ nhất, đó là quan niệm ngành văn hoá vẫn thường được cho là không làm ra tiền, chỉ tiêu tiền. Thứ hai, làm văn hoá như phù sa bồi đắp dần dần, không phải vấn đề cấp bách, cái tốt nhiều năm mới thấy rõ, cái xấu cũng nhiều năm sau mới bộc lộ, và khi bộc lộ thì phải mất nhiều năm nữa, thậm chí cả thế hệ mới khắc phục được. Khi điều hành, thường thì những vấn đề cấp bách hơn lại được ưu tiên hơn...”. Ông cũng đề nghị, không chỉ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, mà cả các bộ, ngành cần quan tâm thực sự, thực chất đến giới văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, văn hoá. Trong đó, cần đặc biệt tháo gỡ những vướng mắc về đặt hàng sáng tác, đào tạo trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; hết sức quan tâm đến tính đặc thù của các ngành biểu diễn nghệ thuật khi thực hiện tinh giản, sáp nhập các đoàn nghệ thuật thay vì sáp nhập cơ học những chuyên ngành nghệ thuật rất khác nhau vào trong một đoàn nghệ thuật sẽ dẫn đến nguy cơ mai một; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào văn hoá, nghệ thuật.
***
Chuyện cũ viết lại, chỉ mong lưu giữ những gì đáng được trân trọng, để mai sau còn nhớ: Có một thời, nghệ sĩ - thật sự là chiến sĩ.
Đ.H.T