Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá trị dẫn đường trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Kỳ cuối: “Vạch đường” để đất nước và dân tộc Việt Nam tiến bước 

Cập nhật ngày: 31/07/2024 - 14:59

BTN - Nhìn vào tất cả những thành tựu mà đất nước ta, dân tộc ta đã đạt được hơn 94 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có quyền tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc.

Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, song, không thể thiếu vai trò của những người lãnh đạo, vì vậy, trong bài viết “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư đã khẳng định: “Công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng (1)”.

Chiều 26.7.2024, gia đình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng Nhân dân và bạn bè quốc tế đã đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nghĩa trang Mai Dịch, tiễn ông về với đất mẹ.

Về phát triển kinh tế, tác giả khẳng định chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam phải “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển (2)”.

Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là: “Nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (3)”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Việt Nam chúng ta không chỉ thành công bởi tăng trưởng bình quân hơn 7% mỗi năm trong 35 năm thực hiện đổi mới đất nước, không chỉ vì chúng ta vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN vào năm 2020, không phải vì thu nhập bình quân đầu người tăng 17 lần so với trước đổi mới mà chúng ta tự hào vì đã thực hiện rất tốt các chính sách xã hội, chăm lo cho người nghèo, xoá đói, giảm nghèo…

Đó chính là ưu việt của xã hội chúng ta mà Tổng Bí thư đã khẳng định rằng chúng ta cần một xã hội “mà trong đó sự phát triển thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người (4)”.

Về phát triển văn hoá, con người, theo Tổng Bí thư, chúng ta coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc: “Đảng ta nhấn mạnh, văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội (…).

Đặc trưng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học (5)”. Tổng Bí thư cũng chỉ ra những nhiệm vụ để xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hoá dân tộc, trong đó có nội dung quan trọng là xây dựng hệ giá trị văn hoá, giá trị quốc gia - dân tộc.

Về lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Tổng Bí thư khẳng định chúng ta cần “chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc từ sớm, từ xa (6)”. Tình hình thế giới tiếp tục được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy, chúng ta nhất quán thực hiện nguyên tắc 4 không: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Điều này thể hiện nhất quán đường lối quốc phòng của Việt Nam hiện nay là hoà bình và tự vệ.

Về lĩnh vực đối ngoại, Tổng Bí thư chỉ rõ chúng ta: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; xử lý đúng đắn, linh hoạt, mềm dẻo, cân bằng trong mối quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng và các đối tác quan trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Phát huy bản sắc văn hoá ngoại giao “cây tre Việt Nam”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “kiên quyết, kiên trì xử lý các thách thức đối ngoại một cách mềm mại, hiệu quả”; khai thác, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Tổng Bí thư đã nêu ra trường phái đối ngoại và ngoại giao “Cây tre Việt Nam” với khẳng định: “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam (7)”. Trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” với nội hàm đặc sắc “…“thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt (8)”.

Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Như một sự mách bảo thiêng liêng của tổ tông, lá cờ của Đảng và cờ Tổ quốc đều có nền đỏ và biểu tượng màu vàng. Công cụ búa liềm của cờ Đảng và ngôi sao của cờ Tổ quốc đều có màu vàng. Theo thuyết ngũ hành, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn trải qua năm trạng thái là: Hoả , Thuỷ, Mộc, Kim, Thổ

Năm trạng thái này được gọi là Ngũ hành . Học thuyết Ngũ hành diễn giải sinh học của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản Sinh còn gọi là Tương sinh và Khắc hay Tương khắc.

Năm hành này ứng với 5 màu, hành Thổ: màu vàng, hành Kim: màu trắng, hành Thuỷ: màu đen: hành Mộc: màu xanh, hành Hoả: màu đỏ. Màu đỏ của nền cờ Đảng và cờ Tổ quốc thuộc hành Hoả, màu vàng của công cụ búa liềm (cờ Đảng) và ngôi sao (cờ Tổ quốc) thuộc hành Thổ.

Tương sinh - Hoả sinh Thổ, như vậy sẽ tương sinh, sẽ trường tồn mãi mãi! Chắc hẳn vì mách bảo thiêng liêng ấy của tiền nhân, vì sự sắp đặt tưởng ngẫu nhiên mà không hề ngẫu nhiên ấy, nước Việt Nam mến yêu vẫn mãi trường tồn và phát triển qua bao bão giông, thử thách.

Và, chắc chắn với sự sắp đặt và mách bảo thiêng liêng ấy, đất nước ta, dân tộc ta sẽ mãi mãi trường tồn và phát triển. Trong cuốn sách này, có bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2019) với tiêu đề “Đảng vững mạnh, Đất nước phát triển, Dân tộc trường tồn”.

Nhìn vào tất cả những thành tựu mà đất nước ta, dân tộc ta đã đạt được hơn 94 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có quyền tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc.

Và, con đường chúng ta đi chắc chắn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đó không phải là con đường bằng phẳng song với về bề dày và chiều sâu văn hoá, được dẫn lối đưa đường từ tư tưởng của người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh, đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta sẽ trường tồn và phát triển, đó chính là thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm trong cuốn sách này.

Ngay từ lúc sinh thời, Marx và Engels đã khẳng định: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lặp lại một cách máy móc (9)”. Chúng ta không thể bắt Marx và Engels phải suy tư cho chúng ta gần 200 năm sau, chúng ta cũng không thể bắt Hồ Chí Minh phải suy tư cho chúng ta hơn 50 năm sau.

Đại văn hào người Trung Quốc là Lỗ Tấn từng nói “trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi”. Vì vậy, những chỉ dẫn trong cuốn sách này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể xem là những chỉ dẫn mang tính “vạch đường” để đất nước và dân tộc Việt Nam “tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại (10)”.

Vũ Trung Kiên

(1) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 338

(2) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 27

(3) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 25-26

(4) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 21

(5) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 163-164

(6) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 447-448

(7) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 201

(8) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr. 184

(9) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 796

(10) Lời nói đầu Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946

Tin liên quan