Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vàm Cỏ Đông ký sự
Kỳ V: Nhạc lễ và đờn ca tài tử trên đất Tây Ninh
Thứ hai: 08:18 ngày 03/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bên cạnh loại hình nhạc lễ của đạo Cao Đài, nghệ thuật đờn ca tài tử trên vùng đất Tây Ninh phát triển khá mạnh, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của cư dân ven dòng sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng.

Sinh hoạt CLB đờn ca tài tử - cải lương thị xã Hoà Thành.

Nhạc lễ phát triển ngày càng sâu rộng

Hàng trăm năm trước, ở Tây Ninh, nhạc lễ đã gắn liền trong các nghi thức tôn giáo, lễ hội dân gian như cúng đình, miếu, hôn nhân, tang lễ v.v... Gần 100 năm nay, ở Tây Ninh có thêm nhạc lễ của đạo Cao Đài phát triển khá mạnh. Một số nhạc sư danh tiếng như ông Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu là những người tích cực hoạt động trong phong trào khai đạo Cao Đài; họ đã thành lập ban nhạc lễ của đạo và truyền dạy cho tín đồ tại cơ sở thờ tự của đạo Cao Đài các địa phương. Nhiều môn đệ của đạo Cao Đài phát tâm, mở lớp dạy nhạc lễ rộng rãi cho những người đam mê âm nhạc. 

Điển hình như Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Hữu Trí, 72 tuổi, ở thị xã Hoà Thành. Ông Trí bị khiếm thị 2 mắt từ khi lọt lòng mẹ. Ông đã dành cả đời mình học nhạc lễ và đờn ca tài tử. Hơn 50 năm nay, ông truyền dạy miễn phí dòng âm nhạc này cho nhiều thế hệ ở Tây Ninh. Năm 2015, ông Huỳnh Hữu Trí được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong số những học trò của Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Hữu Trí, có một nghệ nhân cũng khiếm thị, đó là ông Lê Hữu Đức, 54 tuổi, ngụ phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh. Từ năm 2000 đến nay, ông Đức làm công quả, dạy trực tiếp và dạy online miễn phí nhạc lễ Cao Đài cho hàng ngàn học viên. Hiện nay, kênh YouTube dạy đờn online của ông có gần 7.000 lượt người đăng ký, trong đó những video clip có đến 60.000 lượt xem. Vợ chồng ông còn sản xuất nhiều loại nhạc cụ dân tộc để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Đức vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình đờn ca tài tử.

Cố soạn giả Thanh Hiền (bìa phải), cây đại thụ trong hoạt động đờn ca tài tử - cải lương ở Tây Ninh.

Tương tự, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Long là nhạc sĩ của Bộ nhạc Trung ương Toà thánh Tây Ninh, chủ nhiệm CLB lớp nhạc lễ và đờn ca tài tử Về nguồn ở khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành. Hơn 20 năm qua, ông chuyên tâm truyền thụ những ngón đờn điêu luyện của mình cho các em nhỏ ở địa phương và học viên từ nhiều tỉnh khác. Hiện tại, nhiều học viên nhỏ tuổi của ông đã thành thục những ngón đờn của nhạc lễ và tài tử.

Nhiều “lò” đờn ca tài tử nổi tiếng

Trảng Bàng trước đây là một trong những nơi có nhiều “lò” dạy đờn ca tài tử nổi tiếng của Tây Ninh. Điển hình như những lò dạy cổ nhạc của ông Hải Bởi, Chín Hảo, Chín Hoàng, Sáu Điểm v.v Từ những lò này đã đào tạo ra nhiều danh cầm guitar phím lõm, đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đào tạo nên nhiều nghệ sĩ sân khấu cải lương nổi tiếng như Hoài Thanh, Châu Thanh, Linh Huệ, Lý Bạch Huệ…

Ở huyện Gò Dầu cũng có nhiều nghệ nhân nổi danh như ông Ba Xứng với ngón đờn kìm, ông Hai Tý đờn cò, ông Minh Tâm đờn tranh, ông Hồng Ân đờn guitar phím lõm. Một thế hệ nghệ sĩ sân khấu tài danh như Cẩm Tiên, Bảo Châu, Tuấn An, Duy Phước cũng trưởng thành từ những lò đào tạo này.

Nghệ nhân Lê Hữu Đức (bên trái) hướng dẫn sản xuất các loại đàn.

Tương tự, ở huyện Bến Cầu, hơn 30 năm nay có lớp dạy đờn ca tài tử của nhạc sĩ Đức Lập. Từ lớp dạy đờn ca tài tử này đã cho “ra lò” một số học viên như Hoài Dương, Đức Long. Từ những thanh niên chân lấm tay bùn, đã thoát nghèo và trở thành ca sĩ khá nổi tiếng ở các sân khấu TP. Hồ Chí Minh.

Một gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật đờn ca tài tử Tây Ninh là cố soạn giả Thanh Hiền (tên thật là Đỗ Văn Trượng, quê phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng). Ông được mệnh danh là ông vua viết vọng cổ của Đài Phát thanh Giải Phóng. Từ năm 1958 - 2015, soạn giả này đã viết hơn 2 ngàn bài ca lẻ và khoảng 20 kịch bản cải lương. Hầu hết những tác phẩm đều được sử dụng trên các đài truyền hình, sân khấu, nhất là Đài Phát thanh Giải Phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều bài vọng cổ nổi tiếng nhất của ông được khán, thính giả cả nước biết đến như "Bông Huệ đỏ", "Rẽ mạ đầu mùa", "Bông điệp Sài Gòn", "Chuyến xe Tây Ninh"... 

Một trong những truyền nhân của cố soạn giả Thanh Hiền là soạn giả Hoàng Chín. Đến nay, ông có gần 100 bài vọng cổ, bản vắn, chập cải lương. Đặc biệt, soạn giả này có tác phẩm Nỗi lòng Thiên Hương, đoạt giải A Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ mở rộng năm 2023.

Ở khắp các vùng quê của Tây Ninh, người dân dễ dàng bắt gặp những câu lạc bộ đờn ca tài tử. Mỗi buổi tối, các câu lạc bộ thường xuyên tập họp người dân đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề đến đàn hát, vui ca. Câu lạc bộ đờn ca tài tử Đồng Quê ở xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng là một ví dụ. Ông Nguyễn Văn Chum, ngụ ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, kể: “Tôi mê đờn ca tài tử từ hồi còn thanh niên. Hồi đó, trong xóm có khoảng 10 anh em tập hợp lại, đờn bằng cây đờn guitar thùng. Thấy thị trường bán cây đờn guitar phím lõm điện, mê quá, dù đời sống còn khó khăn, 10 anh em vẫn rủ nhau "hùn vốn", mỗi người một giạ lúa, bán lấy tiền mua cây đờn điện với một bình điện về đờn hát. Khuya ra ruộng tưới ớt, tưới bầu, cắt lúa, đập lúa; chiều tối xúm xít lại đờn ca, nhờ vậy mà quên hết mệt nhọc và cuộc sống lúc nào cũng vô tư, vui vẻ”.

Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Hữu Trí dạy nhạc lễ cho các học viên.

Chị Trương Thị Thu Trang- cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin thị xã Trảng Bàng cũng là một trong những người đam mê đờn ca tài tử. Chị Trang nhớ lại, hồi còn bé, chị thường ngồi nghe các anh chị trong xóm tụ họp hát đờn ca tài tử. Từ đó, lời ca, tiếng hát thấm vào người và trở thành đam mê lúc nào không hay. Mỗi khi cất lời ca tiếng hát, chị như lấy lại được năng lượng sau một ngày làm việc. “Phong trào đờn ca tài tử xuất phát từ đam mê của những người lao động bình thường. Vì vậy, loại hình văn hoá nghệ thuật phi vật thể này sẽ càng ngày càng phát triển chứ không thể mất đi”- chị Trang khẳng định.

Hiện nay, Tây Ninh có đến 185 CLB, đội nhóm đờn ca tài tử - cải lương đang hoạt động; có 36 gia đình, 300 nghệ nhân đang là hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động đờn ca tài tử ở các cơ sở. Với lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân hùng hậu như thế, Tây Ninh xứng đáng được xem là một trong những nơi bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục