Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vàm Cỏ Đông ký sự
Kỳ VI: Những cánh đồng màu mỡ ven sông
Thứ hai: 21:45 ngày 10/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ bao đời nay, dòng sông Vàm Cỏ Đông lặng lẽ chở nặng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng ven sông. Những nơi ấy được ví như “vựa lúa” trù phú của vùng đất Tây Ninh.

Mùa thu hoạch lúa.

Những vùng trọng điểm sản xuất lúa

Toàn tỉnh hiện có khoảng 45.000ha lúa, trong đó, các cánh đồng ven sông Vàm Cỏ Đông đã chiếm trên 40.000ha. Những cánh đồng này trải dài qua các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, thị xã Hòa Thành và thị xã Trảng Bàng.

Nếu như những cánh đồng ven sông được ví là vựa lúa của Tây Ninh thì thị xã Trảng Bàng được xem là “vựa lúa” quan trọng nhất của tỉnh. Nhiều năm nay, trên các cánh đồng ở các xã Hưng Thuận, Phước Chỉ đã được nông dân gieo trồng thành công giống lúa ST25- loại lúa cho ra gạo ngon nhất thế giới.

Cụ thể, năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phước Hòa ở xã Phước Chỉ đã đem giống lúa ST25 từ các tỉnh miền Tây về cho bà con xã viên trồng thử nghiệm. Ông Trần Hoàng Ân- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Hòa nhớ lại: "Thời gian đầu, tôi chỉ thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp, trồng thử nghiệm giống lúa ST25 trên diện tích 5 ha.

Vựa lúa trên vùng đất Tây Ninh.

Thời điểm đó, nông dân ở đây quen trồng lúa sử dụng phân, thuốc hóa học, không chịu sử dụng phân, thuốc sinh học. HTX phải hỗ trợ cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học miễn phí, sau khi thu hoạch, HTX bao tiêu sản phẩm mới trừ lại chi phí hỗ trợ. Về kỹ thuật, HTX hỗ trợ miễn phí hằng tuần, hằng tháng, nhờ đó bà con mới yên tâm trồng lúa theo hướng hữu cơ”.

Đến nay, HTX có khoảng 200 ha trồng giống lúa ST25 và các giống lúa chất lượng khác. Năng suất trung bình đạt 7 tấn/ha, lợi nhuận gấp 1,5 lần so với trồng các giống lúa thông thường. Năm 2023, sản phẩm gạo sạch ST25 của HTX Phước Hòa đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đã bán vào siêu thị.

Gia đình ông Lê Quang Thành sinh sống trên bờ sông Vàm Cỏ Đông từ 3 đời nay. Người nông dân này tâm sự: “Dòng sông Vàm Cỏ Đông rất quan trọng đối với gia đình tôi và những người dân nơi đây. Mùa nước nổi, dòng sông này rửa phèn và đem theo nhiều tôm cá nuôi sống người dân ven sông. Khi nước rút, phù sa bồi đắp ruộng đồng, giúp người dân làm nông nghiệp thuận lợi”.

Những cánh đồng mênh mông ở xã Trí Bình, huyện Châu Thành cũng là bồ lúa không nhỏ của tỉnh. Đa số nông dân ở đây canh tác giống lúa ST25. Vụ thu hoạch vừa qua, chủ nhân của các cánh đồng ấy rất vui vì họ lại có thêm một vụ lúa trúng mùa, được giá. Những bao lúa ST25 no tròn vừa thu hoạch được đổ xuống ghe đưa về nhà máy. Hai năm nay, nông dân được Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt (gọi tắt là Công ty Lúa Vàng Việt) hỗ trợ lúa giống, phân, thuốc, kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm nên không còn lo sợ bị thương lái ép giá.

Nông dân Tây Ninh trúng mùa, được giá nhờ canh tác những giống lúa mới.

Ông Lê Quang Thành- Tổ trưởng Tổ liên kết Lúa Vàng Việt ở xã Trí Bình cho biết: “Gia đình tôi liên kết sản xuất với Công ty Lúa Vàng Việt 2 năm. Lúc đầu, nông dân chưa am hiểu nhiều nên chỉ có 42 hộ gia đình tham gia trồng lúa sạch với diện tích hơn 100 ha. Hiện nay, có gần 100 hộ dân đăng ký trồng lúa sạch với diện tích gần 300 ha.

Trước đây, khi chưa liên kết với Công ty, nông dân canh tác những giống lúa thông thường, năng suất thấp, khoảng 6 - 7 tấn/ha/vụ. Từ khi chuyển qua trồng những loại lúa chất lượng cao như OM18, ST25, năng suất tăng lên 8 - 9 tấn/ha/vụ. Các giống lúa mới bán được giá cao hơn nên lợi nhuận cũng tăng lên từ 20 - 30 triệu đồng/ha/vụ”.

Vận chuyển lúa về nhà máy.

Hiện nay, Công ty Lúa Vàng Việt có 586 nông hộ chuyên trồng lúa sạch với diện tích hơn 2.000 ha đất nông nghiệp ở khắp trong tỉnh. Không chỉ trồng lúa ST25, Công ty còn liên kết với các hộ dân trồng nhiều loại lúa gạo ngon khác như Mắt Rồng, Xương Gà, Thơm Mỹ, Hương Ngọc, Lộc Việt trên đất Tây Ninh.

Để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, Công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy gạo Lúa Vàng Việt ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành với quy mô lớn nhất Tây Ninh hiện nay. Sản phẩm gạo của nhà máy được phân phối khắp thị trường miền Đông Nam bộ và xuất khẩu ra nước ngoài.

 Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quốc Việt cảm nhận: “Cánh đồng ven sông Vàm Cỏ Đông như những mâm cỗ thịnh soạn của trời đất bày ra trước mắt. Màu vàng lúa chín trên đồng ruộng là màu vàng ấm no, nuôi sống nhiều thế hệ Tây Ninh trong suốt quá trình lịch sử gần 200 năm qua. Khi đời sống người dân no đủ, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng lên theo. Đặc biệt, hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông này, có nhiều vùng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Lần nào có dịp đến sông, tôi cũng dừng lại để ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên”.

Thêm nhiều giống lúa mới

Không dừng lại ở hiện tại, thời gian qua, một số nhà nông chịu khó đi tìm thêm những giống lúa mới đem về thử nghiệm trên những cánh đồng ven sông. Nông dân Phạm Văn Minh, ngụ xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng là một trong những người như thế. Đã nhiều lần ông Minh đến Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam ở TP. Hồ Chí Minh để đi tìm những giống lúa mới.

Cảm động trước sự tâm huyết, nhiệt tình của ông Minh, Tiến sĩ Đào Minh Sô, một nhà khoa học của Viện đã cung cấp cho ông Minh 7 giống lúa mới, như: giống SR21 chịu hạn; SR22 hạt tròn, gạo trắng, cứng cây, kháng được sâu rầy, bệnh, hạn chế đổ ngã, phù hợp cho bà con trồng vào vụ mùa mưa; SR28 lai tạo giữa gạo xương gà truyền thống với ST25; giống lúa Đen 29 mang tính thảo dược v.v

Niêm vui mùa vụ bội thu.

Tất cả các giống lúa này đã được ông Minh đem về gieo trồng thử nghiệm trên vùng đất nông nghiệp ở xã Hưng Thuận và bước đầu cho kết quả rất khả quan. Ông Phạm Văn Minh cho biết: “Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đưa lên đây 7 giống lúa mới. Qua trồng thử nghiệm, có 6 giống lúa đạt năng suất cao, hơn 12 tấn/ha, phẩm chất gạo ngon, hạn chế đổ ngã, không bị sâu rầy”.

Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đi tìm những giống lúa mới về trồng thử nghiệm, đánh giá và sau đó phổ biến rộng rãi cho nông dân canh tác. Điển hình là các giống lúa TN1, TN2 (ký hiệu của giống lúa Tây Ninh), được trung tâm đặt hàng với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đưa về Tây Ninh trồng thử nghiệm.

Ông Hà Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết: "Bên cạnh những giống lúa TN1, TN2, Trung tâm khuyến nông đang trồng thử nghiệm một số giống lúa khác như Huyết rồng, lúa Đen của Lạng Sơn. Chúng tôi đang đánh giá mức độ sinh trưởng, năng suất. Sau đó sẽ chọn những nông dân tâm huyết trồng với mô hình nhỏ và tổ chức cho bà con tham quan, học tập, sau đó mới nhân rộng ra”.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục