Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tây Ninh dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã như thế nào?
Chủ nhật: 09:11 ngày 30/03/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 29.3, UBND tỉnh Tây Ninh cho biết đã có tờ trình gửi Tỉnh ủy về các phương án tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

Tây Ninh hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã, 6 huyện) và 94 đơn vị hành chính cấp xã (17 phường, 6 thị trấn và 71 xã). Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện là 1.240 người, cấp xã 1.917 người. Ngoài ra, số người hoạt động không chuyên ở cấp xã là 1.418 người (tính đến tháng 2.2025).

Hai phương án sắp xếp bộ máy hành chính cấp xã

Nhằm thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chỉ đạo của T.Ư, UBND tỉnh Tây Ninh đề xuất 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1: Giảm từ 94 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 28 đơn vị (8 phường và 20 xã; trong đó có 8 xã biên giới). Phương án này có ưu điểm đảm bảo tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo định hướng của T.Ư; tăng số lượng phường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đô thị, thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm như 1 địa phương phải sáp nhập với các địa phương khác sẽ khó khăn trong lấy ý kiến người dân; việc tăng thêm 2 phường do ghép với các xã dự báo khó khăn từ các cơ quan thẩm định để phát huy lợi thế đô thị loại III.

Phương án 2: giảm còn 26 đơn vị hành chính (5 phường và 21 xã; trong đó có 8 xã biên giới). Phương án này có ưu điểm đảm bảo tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo định hướng của T.Ư; tận dụng lợi thế đô thị loại III, trung tâm tôn giáo Cao Đài, hệ thống giao thông nội thị đồng bộ; đảm bảo tính ổn định do ưu tiên giữ lại nhiều đơn vị hành chính hiện hữu; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp do ít phải thay đổi địa chỉ.

Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm về số lượng phường ít hơn so với phương án trên, có thể làm giảm cơ hội đô thị hóa tại một số khu vực phát triển; một số địa phương tổ chức lại có thể gặp khó khăn trong công tác quản lý hành chính do diện tích lớn hơn.

Đặt tên đơn vị hành chính sau khi sắp xếp như thế nào ?

Cũng theo UBND tỉnh Tây Ninh, việc đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp trên có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính ở Tây Ninh nhằm đảm bảo tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo định hướng của T.Ư. ẢNH: THANH QUÂN

Khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập hoặc tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng thuận. 

Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hoặc phạm vi tỉnh, thành phố dự kiến thành lập theo định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, trung tâm hành chính mới phải có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển; dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, bảo đảm tính hài hòa, hợp lý.

Đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số đạt từ 300% trở lên tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định; phường có diện tích tự nhiên từ 35 km² trở lên, quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; xã có diện tích tự nhiên từ 90 km² trở lên, quy mô dân số từ 24.000 người trở lên.

Nguồn TNO

Tin cùng chuyên mục