BAOTAYNINH.VN trên Google News

Uỷ ban TVQH cho ý kiến về 4 dự án Luật

Cập nhật ngày: 28/09/2009 - 05:53

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc phiên họp.

Ngày 28.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 24, cho ý kiến lần cuối về các dự án Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông, Luật Người cao tuổi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông

Dự thảo Luật Viễn thông đã được UBTVQH cho ý kiến lần đầu từ phiên họp thứ 22, theo đó cần chỉnh sửa phạm vi điều chỉnh của Luật, quy định về cạnh tranh và phát triển thị trường viễn thông vẫn còn một số ý kiến khác nhau.

Tại phiên họp sáng nay, một số đại biểu cho rằng nhằm phát triển dịch vụ viễn thông, tránh độc quyền, cần rà soát lại các quy định trong dự thảo của Luật và Luật Cạnh tranh để đảm bảo tính thống nhất.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ "khai thác, sử dụng" vào Điều 1 để bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người tham gia hoạt động viễn thông...

Theo UBTVQH, các chế tài xử lý vi phạm trong các hoạt động viễn thông được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật về dân sự và pháp luật về hình sự.

Về quản lý tài nguyên viễn thông và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông cũng như việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, có đại biểu cho rằng Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo theo hướng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông để các doanh nghiệp thuê lại. Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ chế tài bảo đảm sự hợp tác của các doanh nghiệp khi sử dụng chung hạ tầng viễn thông, trong đó cơ quan quản lý Nhà nước làm trọng tài quyết định.

Tiếp thu các ý kiến trên, UBTVQH thống nhất Điều 60 về sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Điều 61 về quản lý công trình viễn thông được sửa theo hướng yêu cầu các ngành (điện nước, giao thông, viễn thông) sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật và giao Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành để lắp đặt thiết bị viễn thông.

Cho phép đấu giá cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

Liên quan tới các vấn đề về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện, UBTVQH đề nghị bổ sung vào Điều 7 dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện quy định thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện thuộc hệ thống tổ chức Thanh tra thông tin và truyền thông. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức hoạt động của thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện.

Cho ý kiến về việc cấp giấy phép, đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, UBTVQH nhận định đây là vấn đề mới, việc đấu giá hay thi tuyển quyền sử dụng tần số phụ thuộc vào giá trị của nó ở từng thời kỳ cụ thể.

Để đảm bảo tính khả thi của Luật, dự thảo Luật cần được chỉnh sửa theo hướng cho phép áp dụng phương thức đấu giá trong cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, còn việc áp dụng với băng tần nào, kênh, tần số nào, vào thời điểm nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định để đảm bảo sự linh hoạt.

80 tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội

Dự thảo Luật Người cao tuổi được các đại biểu thảo luận sôi nổi xung quanh các vấn đề về đối tượng hưởng chính sách và mức trợ cấp. Đa số các đại biểu đều tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đó là chỉ quy định người cao tuổi là công dân Việt Nam, có độ tuổi từ 60 trở lên đối với nam và từ 55 trở lên đối với nữ.

Các đại biểu thống nhất, đối tượng người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội là từ 80 tuổi trở lên. Tuy nhiên để đảm bảo chính sách xã hội cho đối tượng này, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định "cứng" số tuổi vào Luật chứ không quy định ở văn bản hướng dẫn.

Về mức trợ cấp xã hội hàng tháng, đa số ý kiến thống nhất Chính phủ thực hiện việc quy định dựa trên điều kiện kinh tế đất nước trong từng thời điểm. Nhiều ý kiến cũng tán thành quy định giảm giá vé, giá dịch vụ cho người cao tuổi.

Theo UBTVQH, đây là chính sách đáp ứng nhu cầu chính đáng của người cao tuổi. Tuy nhiên để phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quy định tiết giảm cụ thể sẽ giao Chính phủ thực hiện.

Thống nhất tên gọi Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Về tên gọi của Luật, các đại biểu thống nhất lấy tên là Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

UBTVQH thống nhất bổ sung vào dự thảo Luật quy định về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề được giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc các Sở Y tế. Việc cấp chứng chỉ hành nghề đơn vị trực thuộc Bộ sẽ do Bộ trưởng cấp; đơn vị thuộc địa phương do Giám đốc Sở Y tế cấp. Quy chuẩn cấp giấy chứng chỉ hành nghề do Chính phủ quy định.

Giấy chứng chỉ hành nghề có giá trị trên toàn quốc. Thời hạn giấy chứng chỉ hành nghề 5 năm hay 1 năm sẽ được triển khai có lộ trình, đảm bảo nguyên tắc quản lý Nhà nước chặt chẽ về chuyên môn, không gây phiền hà, đảm bảo trình độ của đội ngũ cán bộ y tế cập nhật kiến thức khoa học công nghệ tiến tiến phục vụ tốt cho người bệnh.

Các ý kiến cũng thống nhất trong dự thảo Luật, cán bộ y tế công lập không được lập bệnh viện tư nhân nhưng được khám chữa bệnh ngoài giờ cho các bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân.

(Theo chinhphu.vn)