Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Về bài bình luận của một “ngáo sư” mất hết lý trí (Tiếp theo và hết)
Chủ nhật: 09:52 ngày 25/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với loạt bài “bình luận” mới nhất, ngay trong những ngày Tết Giáp Thìn 2024 này, thực sự “ngáo sư” đã “húc đầu vào hòn đá tảng” của Đảng ta, dân tộc ta trong lúc “ngáo” đã tỏ ra “sức cùng lực kiệt” (!).

Sau khi viết bài “bình luận” hai phần đầu trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; “vị giáo sư xưa và kẻ phản đảng hiện nay” Nguyễn Đình Cống tiếp tục có bài thứ ba để gọi là “bình luận” nội dung phần thứ ba bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phần thứ ba bài viết của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có tiêu đề là “Phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

Phần thứ ba này thực sự là đúc kết các bài học kinh nghiệm 94 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng ta trải qua hai giai đoạn “thời chiến” và “thời bình” trên đất nước Việt Nam thân yêu trong bối cảnh thế giới liên tiếp xảy ra nhiều cuộc chiến dữ dội của lịch sử loài người, mà khốc liệt nhất lại là cuộc “chiến tranh Việt Nam” trong thế kỷ XX.

Tiếp theo đó là một phần tư cuối thế kỷ XX, đất nước ta tuy đã thực sự độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn phải đối phó với tình trạng bị cô lập, bao vây, cấm vận kinh tế trong một khoảng thời gian dài không kém thời gian chiến tranh giải phóng dân tộc. Cho đến nay, sau hơn hai thập niên đầu thế kỷ XXI, với sự kiên định đường lối cách mạng, Đảng ta đã lèo lái con thuyền đất nước vượt qua muôn trùng khó khăn của phong ba bão tố để xác định vị thế hiện tại của Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng trên trường quốc tế.

Trong phần thứ ba của bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên tình hình hết sức phức tạp của thế giới hiện đại, để xác định hướng đi tới của đất nước, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư nhận định tình hình và xác định nhiệm vụ của Đảng, của đất nước ta như sau: “Chúng ta tự hào, tin tưởng tiến lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt; sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp; các cuộc xung đột quân sự ở một số khu vực trên thế giới tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu; khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia, dân tộc; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe doạ nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta...

Ở trong nước, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn: Để hoàn thành được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội XIII của Đảng đề ra thì tốc độ tăng trưởng bình quân 6 năm 2024-2030 phải đạt khoảng 8%, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải phát triển mạnh mẽ hơn, tăng khoảng 4,5 điểm phần trăm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; đây là mức rất cao, đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được”.    

Đối mặt với thực tế đó, Tổng Bí thư khẳng định: “Tình hình trên đây đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; mà trái lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nhiệm kỳ khoá XIII và đến năm 2030”.

Đới với tình hình và nhiệm vụ sắp tới mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá khách quan và đề ra sát hợp như thế, “kẻ phản Đảng” - GS Cống chỉ có thể phản bác kiểu lu loa chung chung như “Đề ra mục tiêu, chỉ tiêu của phát triển kinh tế không phải thuộc kinh tế thị trường mà là do cái đuôi định hướng XHCN, tàn dư của nền kinh tế kế hoạch, mang nặng chất duy ý chí”.

GS Cống cho rằng: “Ngoài tầm nhìn đến năm 2030, người ta còn vạch ra tầm nhìn đến năm 2045 (một trăm năm thành lập chế độ). Cách tạo ra tầm nhìn là một đặc điểm của xã hội Việt Nam trong những năm gần đây. Đó cũng là một loại duy ý chí, đặc biệt trong một thế giới đầy biến động”.

Đọc câu này, “người ta” không khỏi thắc mắc, GS Cống căn cứ vào cái gì để nói lên điều đó? Chẳng lẽ trong “thế giới đầy biến động này” ngoài Việt Nam không ai biết đặt ra tầm nhìn vào tương lai? Như thế, các tổ chức quốc tế chuyên đánh giá tốc độ phát triển các quốc gia trên thế giới ắt phải “thất nghiệp” hết nếu không đến Việt Nam để học tập (?!)…

Tất nhiên, khi đặt ra những câu hỏi này, tự “người ta” cũng đã có câu trả lời bằng… một câu hỏi khác: phải chăng, do cả đời GS Cống chỉ có học, dạy, làm chủ nhiệm khoa và viết sách về nghề xây dựng.

Cụ thể, ông ta là chuyên gia về vật liệu xây dựng là bê-tông, chứ chưa hề đảm trách một vị trí quản lý kinh tế, kế hoạch nào nên ông mới dám mạnh dạn nói (một cách ngây ngô) rằng “tạo ra tầm nhìn… cũng là một loại duy ý chí”! Cách nói võ đoán này GS Cống còn đặt ra rất nhiều lần trong bài “bình luận” về phần thứ ba trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng có lẽ không cần thiết để nêu lên thêm ở đây cho tốn giấy mực!

Qua nghiên cứu bài viết nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đọc loạt bài “bình luận” bài viết trên của “ngáo sư bê-tông học” Nguyễn Đình Cống, người viết bài này cảm thấy có một sự khập khiễng quá lớn giữa bài viết phân tích sâu sắc, có tính định hướng sâu rộng của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam với bài “bình luận” ngô nghê, hời hợt của “vị giáo sư xưa và kẻ phản Đảng hiện nay” Nguyễn Đình Cống. Sự khập khiễng này, có lẽ ai có đọc kỹ hai bài nêu trên đều sẽ nhận ra.

Nhất là đối với những ai có theo dõi bước đường “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của kẻ suy thoái “gần đất xa trời” này sẽ thấy rõ sự cùng quẫn của GS Cống khi “chọn” đề tài đầy tâm huyết của một nhà lý luận cách mạng - người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng từng lãnh đạo nhân dân đánh thắng nhiều kẻ xâm lược thuộc hàng cường quốc trên thế giới, đưa đất nước đến bến bờ phồn vinh hạnh phúc hôm nay, để “bình luận” với giọng điệu xuyên tạc.

GS Cống đã có không ít bài viết đả kích, chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên với loạt bài “bình luận” mới nhất, ngay trong những ngày Tết Giáp Thìn 2024 này, thực sự “ngáo sư” đã “húc đầu vào hòn đá tảng” của Đảng ta, dân tộc ta trong lúc “ngáo” đã tỏ ra “sức cùng lực kiệt” (!).

Lời kết

Nhà Phật có câu “quay đầu là bờ” với ý nói khi một người đang chơi với giữa sông sâu vực thẳm, nếu người ấy thật sự mong muốn quay lại thì sẽ lập tức nhìn thấy bờ. Sâu xa hơn, “quay đầu là bờ” mang hàm ý cảnh tỉnh con người hãy biết dừng ngay những điều sai trái trước khi quá muộn. Câu thành ngữ này còn nhắc nhở người ta khi phạm sai lầm thì nên biết thành tâm hối cải, thực lòng sửa chữa bằng những suy nghĩ đúng đắn, việc làm tích cực sẽ trở về được với bản tính tốt đẹp của con người.

Nêu lên câu thành ngữ này ở đây, trong bài viết về sự sai trái thông qua hành vi chống phá Đảng, Nhà nước của GS Cống, một người từng là “thầy” của những sinh viên đại học, từng là một đảng viên 31 tuổi Đảng, từng được vinh danh là “Nhà giáo nhân dân”, người viết bài này thật lòng không dám “lên giọng…” với một người ngấp nghé tuổi 90 từng có quá khứ vẻ vang như thế.

Nhưng dù sao cũng mong GS Cống sẽ có lúc tĩnh tâm, suy nghĩ, kiểm điểm lại sau 8 năm tự thông báo từ bỏ Đảng, ông đã làm gì có lợi cho xã hội, gia đình và bản thân ông, hay chỉ được hưởng chút ít khoản “nhuận bút còm” của những kẻ kích động ông chống phá Đảng, Nhà nước ta để làm lợi cho chúng (?!).

Có lẽ, ông cũng chẳng vui sướng gì khi tự mình buông trôi tất cả sự nghiệp, quá trình cống hiến không kém vẻ vang của mình đối với đất nước nhiều năm về trước, để rồi phải nhận lấy bao nhiêu lời phê phán, thậm chí “nặng nhẹ” bằng những từ ngữ không mấy thuận tai của những người kém ông hàng chục tuổi, kể cả những học trò của chính ông ngày trước.

Có lẽ, nếu ông có được sự tĩnh tâm ấy trong những ngày còn lại của cuộc đời, ông sẽ cảm thấy thực sự nhẹ nhàng, thanh thản hơn…

NGUYỄN TẤN HÙNG

Tin cùng chuyên mục