BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu Liên hợp Phước Đông - Bời Lời: Dự kiến thành lập phân khu công nghiệp dệt may

Cập nhật ngày: 28/11/2012 - 03:22

Theo đề xuất, phân khu công nghiệp dệt may có diện tích 327,8 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 277,56 ha.

Đường vào Khu LH Phước Đông - Bời Lời đã được xây dựng khang trang

Khu Liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (KLH PĐ-BL) là khu công nghiệp (KCN) có quy mô diện tích lớn nhất tỉnh Tây Ninh hiện nay, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào danh mục khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới từ tháng 4.2008. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư. Năm 2009 dự án bắt đầu triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, kêu gọi đầu tư.

Theo đồ án quy hoạch chung, KLH PĐ-BL có tổng diện tích hơn  2.800 ha, bao gồm 2 khu chính là KCN có diện tích khoảng 2.200 ha và Khu đô thị - dịch vụ có diện tích khoảng 650 ha. Giai đoạn 1 dự án bồi thường, giải toả với diện tích là 1.262,6 ha và triển khai xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên sau hơn 2 năm triển khai, tình hình thu hút đầu tư vào KLH này còn rất khiêm tốn, chỉ mới có 6 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 460 triệu USD và 611 tỷ đồng. Tổng diện tích đất các dự án thuê vào khoảng 89 ha - chiếm khoảng hơn 13% tổng diện tích đất công nghiệp trong khu. Theo chủ đầu tư, sở dĩ tình hình thu hút đầu tư vào KLH chưa khả quan do tình hình kinh tế thế giới suy thoái kéo dài, đồng thời phải cạnh tranh khá gay gắt với nhiều KCN ở các tỉnh lân cận đang có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.

Để tăng cường khả năng thu hút đầu tư, chủ đầu tư KLH PĐ-BL đã đề xuất thành lập phân khu công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ. Theo chủ đầu tư, công nghiệp dệt may trên phạm vi toàn quốc hiện đang yếu và thiếu, do đó từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may và UBND tỉnh cũng đã có công văn về việc bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư vào KLH PĐ-BL. Theo đề xuất, phân khu công nghiệp dệt may có diện tích 327,8 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 277,56 ha. Các ngành nghề dự kiến phát triển ở khu này gồm: Sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu ngành dệt may... Hiện trạng đất dự kiến xây dựng phân khu công nghiệp dệt may đã được bồi thường giải phóng mặt bằng và đang có 1 doanh nghiệp dệt may đầu tư xây dựng.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, việc thành lập phân khu công nghiệp dệt may trong KLH PĐ-BL là cần thiết bởi ngành dệt may đang là ngành quan trọng của cả nước, có giá trị xuất khẩu lớn. Tuy nhiên hiện nay ngành dệt may chủ yếu là gia công, nguyên liệu vải hầu như phải nhập khẩu nên giá trị tăng không cao. Trong chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã xác định ngành này là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu. Hiện tại, KLH PĐ-BL đang triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chuẩn bị đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1 công suất 10.000m3/ngày đêm, nhà máy cấp nước giai đoạn 1 công suất 10.000m3/ngày đêm và đang chuẩn bị bước triển khai đầu tư nhà máy cấp nước giai đoạn 2... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phân khu công nghiệp dệt may khi triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về vấn đề môi trường khi thành lập KCN dệt may, bởi vì trong đó có công đoạn nhuộm. Theo ý kiến một số sở, ngành liên quan thì việc kiểm soát môi trường hiện nay ở KLH PĐ-BL là có thể thực hiện được do trong khu đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải; đồng thời luật cho phép đóng cửa nếu các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng chủ đầu tư cũng cần xác định quy mô thu hút dự án đầu tư có công đoạn nhuộm, đảm bảo kiểm soát tốt an toàn môi trường. Các nhà đầu tư thực hiện dự án có công đoạn nhuộm phải cam kết thực hiện các quy định về môi trường, phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kết nối với công ty hạ tầng và nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động. Riêng KLH phải có diện tích để xây dựng hồ điều hoà dự phòng chứa lượng nước thải chưa xử lý khi nhà máy xử lý nước thải tập trung gặp sự cố... Về vấn đề bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư vào KLH PĐ-BL, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN&MT thống nhất và đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG phải hướng dẫn các dự án đầu tư thực hiện các quy định đánh giá tác động môi trường, hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành; đồng thời có biện pháp kiểm soát nước thải, khí thải để đảm bảo yêu cầu chất lượng đầu vào trạm xử lý nước thải tập trung.

Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã có văn bản xin chủ trương về việc thành lập phân khu công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ trong KLH PĐ-BL. Theo văn bản này, việc thành lập phân khu dệt may sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường do công nghệ dệt nhuộm ngày càng hiện đại, sử dụng hoá chất ít nguy hại, vị trí phân khu xa đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông, có hiệu quả đối với xã hội là sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Sơn Trần


Liên kết hữu ích