Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người Khmer ở Kà Tum theo Đảng
Kỳ 4: Cô giáo Nách Chan Nên - Con đường theo Đảng và ước mơ một xã hội học tập
Thứ ba: 12:43 ngày 20/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vòng quanh những con đường to đẹp trong ấp Tầm Phô, như cách nói dí dỏm của Bí thư ấp "Danh Xà Mâu" (Tám Mậu), không khí học tập ở cộng đồng người Khmer nơi đây như muốn tràn luôn ra đường.

Ở bên kia người ta treo ảnh Quốc vương còn bên mình treo ảnh Bác Hồ là điều nên làm nhìn vào để mình học tập dạy dỗ con cháu.

Điều ông Tám Mậu nói không ngoa chút nào. Lúc chúng tôi ghé thăm nhà của vợ chồng chị Chum Ran Ly Đa, thấy mặt tiền nhà chị có hai bức ảnh Bác Hồ treo cạnh nhau. Một ảnh chân dung, một ảnh Bác Hồ đang ngồi “với cây chì đỏ”, kèm câu chú thích ngay dưới ảnh. Khi qua nhà anh nông dân lao động giỏi Danh Vuốt, cũng một ảnh chân dung và một ảnh Bác ngồi trước đền Hùng với câu chú thích “Các vua Hùng đã có công dựng nước...” treo trước cửa chính. Hơn 200 hộ gia đình ở Tầm Phô đều như vậy. Việc này không chỉ bày tỏ tình cảm quý mến của người Khmer dành cho Bác mà còn là cách sáng tạo của chi bộ trong phong trào nhà nhà học và hiểu tiếng Việt.

Những ngày cơn bão số 5 đổ vào miền Trung, thông tin ngập lụt đường sá, sạt lở núi đồi khắp nơi tràn đầy mặt báo, cũng là những ngày ở làng quê vùng biên giới này trời đổ mưa suốt sáng đến chiều. Biên giới đất rộng người thưa, ngồi nhà nhìn mưa không ít người thốt lời cảm thán. Theo hẹn, chúng tôi tạt xe qua nhà ông Tám Mậu để rước “Thổ địa”. Vợ ông Tám nói: “Ổng đang trú mưa ngoài chợ”. Lại vòng xe ngược lại chợ Tân Đông trong cơn mưa mịt mờ kính lái. Cặp gạt nước trước xe gần như bất lực… Tám Mậu bảo,  mười năm trước mưa vầy, chỉ có xe trâu đi được thôi!    

Bí thư Nguyễn Văn Mậu và Già làng Nin Phay luôn tự hào khi 100% nhà dân trong Phum Tầm Phô đều treo ảnh Bác.

Theo chỉ dẫn của “Thổ địa”, chúng tôi đến nhà vợ chồng Vuốt Chan Na. Cơn mưa trưa đã thưa hạt. Con đường nhựa mới vùng biên giới như phảng phất mùi thơm của sự ấm êm, hạnh phúc. Trước nhà Chan Na, hai chiếc máy cày to đùng của vợ chồng cô đang được cậu em trai tranh thủ xịt nước “tắm rửa” sau mấy chuyến lội bùn chở thuê khoai mì cho chòm xóm. Lướt nhanh qua nhưng Tám Mậu cũng kịp đánh giá: “Hai chiếc xe chắc cũng xấp xỉ cả tỷ đồng!”.

Vuốt Chan Na bê trà ra chiếc bàn trước hiên nhà. Mặc dù đã có chồng con, nhưng nhan sắc vẫn còn rất “đậm đà”. Nghe nói mấy năm trước cô suýt thành Á hậu trong cuộc thi người đẹp Khmer tổ chức ở tỉnh Trà Vinh. Vuốt Chan Na là con gái của Danh Vuốt- một trong những gương điển hình nông dân sản xuất giỏi ở địa phương. Ba năm trước, Danh Vuốt cũng được chi bộ gửi đi dự lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng ở trên huyện, nhưng Chanh Na được kết nạp sớm hơn. Giờ cô là đảng viên thuộc chi bộ Tầm Phô, Bí thư chi đoàn ấp, phụ trách phong trào “treo ảnh Bác, học điều hay” - một sáng kiến linh động và phù hợp với cộng đồng Khmer, nhằm hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà toàn xã hội đang thực hiện.

Chùa Kà Ốt ngày càng có nhiều người dân nơi khác đến tham quan, tìm hiểu về văn hoá truyền thống của người dân nơi đây.

Ông Tô Thanh Nam - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Tân Đông nhớ lại: “Sau khi tìm hiểu phong tục, tập quán của bà con nơi đây, chúng tôi quyết định xuất kinh phí mua tặng ảnh Bác Hồ cho toàn bộ người dân ấp Tầm Phô. Lúc đầu cũng băn khoăn không biết người dân suy nghĩ như thế nào về mô hình này, nhưng khi thực hiện, bà con dân tộc ấp Tầm Phô đều hưởng ứng. Thậm chí, nhiều gia đình, sau khi sửa nhà xong, họ tìm những bức ảnh Bác Hồ đẹp, treo lên một cách trang trọng”.

Nói về chuyện học, Trưởng ấp Kà Ốt Cao Văn Xây phấn khởi khoe, số trẻ cấp 1 trong độ tuổi đến trường là 76 em, đạt tỷ lệ 100%, cấp 2 - 3 có rơi rụng một ít, nhưng trong ấp hiện cũng đã có nhiều em học xong Cao đẳng hoặc Đại học, đã có việc làm hoặc đang chờ nhận việc như Sai Thiết, con trai Khuôn Sai tốt nghiệp khoa tiếng Anh, Trường Đại học KHXH &NV TP. Hồ Chí Minh, đã có việc làm và Sai Lôm con của Nach Sai, vừa tốt nghiệp khoa Xét nghiệm trường Cao đẳng Viễn Đông TP. Hồ Chí Minh đang chờ nhận thử việc ở bệnh viện lớn trong tỉnh. Người truyền cảm hứng và tạo nên không khí xã hội học tập sôi động của cộng đồng người Khmer ở Kà Tum không ai khác hơn chính là Cô giáo - đảng viên Nách Chan Nên.

Nách Chan Nên là con gái thứ 6 trong gia đình có 12 người con của già làng Kà Ốt Nách Chan. Lúc nhỏ, Chan Nên chỉ nghĩ việc cố gắng học tập như là một cách báo hiếu. Nhưng khi hết lớp 12, cô mới thực sự hiểu vì ít học mà bà con trong phum sóc của mình cứ mãi theo nghiệp chăn trâu hoặc làm mướn, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Vì vậy, cô chọn con đường trở thành cô giáo. “Ước mơ lớn nhất của tôi là mong sao đời sống của bà con được phát triển hơn, trẻ em trong phum sóc được học hành đàng hoàng, tới nơi tới chốn, không phải vì quá tất bật với chén cơm, manh áo mà phải bỏ học giữa chừng, để rồi sau này thua kém mọi người và hối tiếc” – Chan Nên tâm sự.

Cô giáo Nach Chan Nên luôn là tấm gương sáng cho các em nhỏ trong phum học tập noi theo.

Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Tây Ninh, Chan Nên xin quay về đúng ngôi trường ngày xưa mình từng học, để có cơ hội nhiều hơn trong việc kèm cặp và động viên các em nhỏ trong phum. Để giúp các em hứng thú đến trường, cô liên hệ với nhiều mạnh thường quân làm khu vui chơi thiếu nhi ngay cạnh trường; cô xin sách cũ khắp nơi để làm tủ sách đọc thêm; những trường hợp thật sự khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng, cô vận động bạn bè người thân để xin học bổng.

Người truyền cảm hứng và tạo nên không khí xã hội học tập sôi động của cộng đồng người Khmer ở Kà Tum không ai khác hơn chính là cô giáo - đảng viên Nách Chan Nên.

Cô dạy tiếng Khmer cho các em chưa đến tuổi cấp một, cô dạy các điệu múa truyền thống cho các em cấp hai… Sau ba năm nỗ lực thực hiện ước mơ vì cộng đồng của mình, năm 2014, Nách Chan Nên được chi bộ Trường tiểu học Tân Đông kết nạp Đảng. Từ thời điểm đó, với vai trò một đảng viên, cô giáo Nên càng hiểu thêm ý nghĩa của việc làm gương để tạo nên sinh khí cho một xã hội học tập.

Chan Nên dạy các em học điệu múa truyền thống của người Khmer.

“Từ bản thân mình, tôi nhận ra đảng viên người dân tộc nhất định cần phải có trình độ học vấn tương xứng. Học vấn mang lại tri thức. Tri thức không chỉ là con đường thoát nghèo hiệu quả mà còn là con đường tốt nhất để theo Đảng”. Vì vậy bằng mọi giá trong khả năng mình, cô nhất định không để cho trẻ con trong làng thất học.

Thư viện sách tại nhà cô giáo Chan Nên thu hút nhiều em nhỏ.

Những cống hiến của cô cho cộng đồng nhỏ ở quê mình, Nách Chan Nên đã được đánh giá và nhìn nhận. Cô liên tục nhận được nhiều bằng khen không chỉ cấp tỉnh mà còn cấp Trung ương.

Riêng năm 2019, Chan Nên là một trong 63 thầy cô giáo trong cả nước được Bộ Giáo Dục & Đào tạo vinh danh và tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh giáo dục sinh dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn năm học 2018- 2019.

Chan Nên còn được Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ trẻ; bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc trong giảng dạy tại những lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… là đại biểu Đại hội các dân tộc thiểu số toàn quốc…

Nguyễn Thiện – Đức An – Lê Quân

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục