BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cải cách hành chính-những nỗ lực để giảm phiền hà cho dân

Cập nhật ngày: 04/01/2016 - 08:38

Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa tại thành phố Tây Ninh (ảnh minh hoạ - D.Đ).

Theo báo cáo trên, căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8.11.2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 30c) và tình hình thực tế địa phương, ngày 19.12.2014, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2015 của tỉnh; tiếp tục thực hiện các nội dung của chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị Quyết 30c, đồng thời đẩy mạnh việc hoàn thành các mục tiêu của chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2015.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Xác định năm 2015 là năm quyết định việc hoàn thành các mục tiêu của Chương trình hành động nói trên, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp rà soát, đánh giá những kết quả đạt được, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để tập trung hoàn thành các mục tiêu và rút kinh nghiệm trong giai đoạn thực hiện tiếp theo.

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác cải cách hành chính, ngày 13.8.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1814/QĐ-UBND về tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đơn giản hoá thủ tục hành chính. Thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính được rút ngắn đáng kể. Tính đến năm 2015, Tây Ninh đã đạt mục tiêu giảm 30% chi phí, giảm 1/3 thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với năm 2010; số thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ trên 95%.

Thực hiện Kế hoạch triển khai xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2014 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành tại Quyết định số 15/QĐ-BNV ngày 14.1.2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã báo cáo tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần chỉ số cải cách hành chính năm 2014 của tỉnh Tây Ninh; giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh thực hiện điều tra, khảo sát sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tây Ninh cũng đã triển khai thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25.3.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính Nhà nước ở các địa phương trong tỉnh.

Công khai, đơn giản hoá thủ tục hành chính

Năm 2015, UBND tỉnh ban hành 67 quyết định, trình HĐND tỉnh ban hành 26 nghị quyết quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đều được xây dựng dựa trên định hướng của các văn bản Trung ương, gắn với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện rà soát hơn 25 thủ tục hành chính và nhóm thủ tục hành chính thuộc nhiều lĩnh vực như tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư, công thương, tư pháp vv...vv…

Công khai thủ tục hành chính cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tổng số thủ tục hành chính của toàn tỉnh là 1.713, trong đó cấp tỉnh là 1.311; cấp huyện là 224 và cấp xã là 178. Các thủ tục hành chính sau khi công bố đều được nhập dữ liệu và công khai đầy đủ vào cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời công khai lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ban, ngành, các huyện và được niêm yết tại trụ sở các cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Tiếp tục thực hiện công tác giải quyết phản ánh, kiến nghị, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh tiếp nhận 12 ý kiến phản ánh, kiến nghị và đã chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, UBND tỉnh đã cho rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Theo đó, tiếp tục ổn định 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố theo quy định hiện hành; các cơ quan chuyên môn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, không có sự chồng chéo, trùng lắp.

Về phân cấp quản lý, Tây Ninh tiếp tục thực hiện các quy định của Chính phủ và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ đối với các nhiệm vụ đã phân cấp thông qua các cuộc họp giao ban của UBND tỉnh, của các sở, ngành với UBND cấp huyện và thông qua các cuộc kiểm tra cải cách hành chính....

Các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh hiện đang tiếp tục thực hiện một cách hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm bảo đảm sử dụng biên chế hợp lý và tiết kiệm kinh phí hoạt động. Về thực hiện cơ chế một cửa, trên địa bàn tỉnh có 123/123 cơ quan hành chính Nhà nước đã thực hiện cơ chế này, trong đó có 19/19 sở, ban, ngành tỉnh; 9/9 UBND huyện, thành phố và 95/95 UBND xã, phường, thị trấn (không tính các cơ quan thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 59/123 cơ quan đã triển khai, áp dụng phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (cấp tỉnh 4, cấp huyện 9 và cấp xã 46 cơ quan). Các cơ quan chuyên môn đã tiếp nhận các loại hồ sơ khác nhau thuộc các lĩnh vực như đăng ký thuế, đăng ký kinh doanh, tư pháp, xây dựng, đất đai... và được trang bị hệ thống máy tính, ki-ốt tra cứu bằng thiết bị mã vạch, màn hình cảm ứng phục vụ việc tra cứu, theo dõi hồ sơ trong quá trình giải quyết. Phần mềm một cửa điện tử tại UBND cấp huyện được tích hợp tính năng tra cứu thông tin hồ sơ qua tin nhắn SMS và một số đơn vị có trang bị hệ thống lấy số tự động.

Đổi mới công tác cán bộ

Đối với công chức, Tây Ninh đã tổ chức thi tuyển công chức theo hình thức cạnh tranh, bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp có thẩm quyền tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức năm 2014 và bổ nhiệm ngạch cho 35 trường hợp từ cán sự lên chuyên viên. Về viên chức, năm 2015 tỉnh đã tiếp nhận 12 viên chức về làm việc, công nhận kết quả xét tuyển viên chức cho 60 trường hợp; phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp cho 12 đơn vị.

Về chính sách thu hút và dự nguồn công chức, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ngày 26.5.2015 quy định về chính sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài thay thế cho Quyết định số 37/2012/QĐ-UBND ngày 13.8.2012. Năm 2015 đã thu hút 2 trường hợp (làm việc tại Sở Kế hoạch - Đầu tư và văn phòng UBND tỉnh), tiếp nhận 4 trường hợp diện dự nguồn công chức về các cơ quan trong tỉnh. Hiện nay, số dự nguồn công chức tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh là 142 trường hợp.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2015, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2011 - 2015. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện cơ bản đã đi vào nền nếp; mô hình một cửa hiện đại tiếp tục được thực hiện tại 9/9 UBND huyện, thành phố. Cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp tục được kiện toàn, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho dân.

Bộ máy hành chính Nhà nước được rà soát, sắp xếp tinh gọn, bảo đảm theo quy định và gắn với vị trí việc làm. Đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được xây dựng, thẩm định để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Công tác tuyển dụng công chức qua thi tuyển và không qua thi tuyển, tuyển dụng viên chức bảo đảm quy định. Công tác quản lý sử dụng biên chế công chức và số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện đúng quy định, trên tinh thần giữ ổn định biên chế và từng bước tinh giản biên chế.

Người dân đến giao dịch tại Bộ phận một cửa Tp. Tây Ninh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tại các cơ quan Nhà nước được đẩy mạnh, hỗ trợ trao đổi thông tin, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được nhanh chóng, thuận tiện hơn. Văn bản điện tử được sử dụng thông qua phần mềm liên thông giữa các cơ quan hành chính trong tỉnh, hệ thống thông tin dùng chung (họp không giấy, Cổng thông tin điện tử...) được xây dựng, kết nối liên thông từ cấp huyện đến cấp tỉnh đã góp phần đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin trong công tác quản lý và chỉ đạo điều hành khi có nhu cầu.

Công tác kiểm tra cải cách hành chính tiến hành theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên ngành (Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Thông tin - Truyền thông, Tài nguyên - Môi trường) nhằm bảo đảm công tác kiểm tra, đánh giá tại cơ quan, đơn vị được khách quan, đúng thực chất; tham mưu cấp thẩm quyền có chỉ đạo kịp thời để khắc phục những mặt hạn chế tại cơ sở.

Bên cạnh đó,việc thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn chậm. Việc cập nhật, niêm yết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của một số cơ quan cấp huyện, cấp xã chưa đầy đủ, chưa khoa học và chưa đúng theo quy định. Nguyên nhân được xác định là do những người đứng đầu cơ quan, đơn vị tuy có quan tâm chỉ đạo nhưng chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính. Nhân lực công nghệ thông tin của cấp huyện, xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nên việc liên thông văn bản vẫn chưa đạt yêu cầu.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 vừa diễn ra ngày 30.12 vừa qua, ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm trong hoạt động công vụ; cần rà soát, đơn giản hoá và bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để giảm bớt phiền hà, tốn kém về thời gian, chi phí… cho các doanh nghiệp và mọi người dân.

VIỆT ĐÔNG

Tính đến giữa năm 2015, số cán bộ cấp xã của tỉnh là 1.028 người, công chức xã 1.145 người. Trong đó, số công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ văn hoá và chuyên môn là 99%, chuẩn về trình độ lý luận chính trị đạt 72%, quản lý Nhà nước 17%. So sánh với năm 2010, các tỷ lệ đạt chuẩn, trên chuẩn so với quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30.1.2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn đều tăng lên đáng kể (nguồn Sở Nội vụ).