Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người Khmer ở Kà Tum theo Đảng
Kỳ cuối: ĐẢNG VIÊN TỐT, CHI BỘ MẠNH
Thứ năm: 08:39 ngày 22/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tân Đông được như ngày nay, không thể phủ nhận những đóng góp của cộng đồng người Khmer nơi đây, đặc biệt là kể từ khi có đảng viên, có chi bộ.

Từ quán cà phê ngay ngã ba chợ, chúng tôi nhìn qua bên kia đường, ngay cổng Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân là hàng hàng xe ô tô đời mới của phụ huynh chờ đón con trong giờ tan học chiều. Anh bạn đồng nghiệp nhanh miệng liệt kê gần như có đủ tên các hãng xe - từ hạng phổ thông đến hạng sang.

Trên đường dẫn vào các ấp người đồng bào dân tộc không ít gương mặt của các cô gái Khmer duyên dáng lướt qua trên những chiếc xe gắn máy đời mới. Chợ vùng biên cuối ngày mưa nhưng vẫn duy trì được âm thanh rộn rã của sự sung túc. Tân Đông được như ngày nay, không thể phủ nhận những đóng góp của cộng đồng người Khmer nơi đây, đặc biệt là kể từ khi có đảng viên, có chi bộ.  

Ông Phạm Hùng Thái, khi còn giữ chức Bí thư Huyện uỷ Tân Châu, phát biểu trong buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ ngày 30.5.2013. Ảnh: Công Điều

Ông Phạm Hùng Thái -Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, người từng giữ chức Bí thư Huyện uỷ Tân Châu, gắn bó với cán bộ, nhân dân huyện trong nhiều năm và dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đối với các ấp người Khmer ở xã Tân Đông. Ông đã không giấu được sự ngạc nhiên của mình, khi nói về những đổi thay ngoạn mục ở Tân Đông.

Theo ông Thái, giai đoạn 2007 – 2013, một phần do Nhà nước chưa đủ nguồn lực để đầu tư, đảm bảo hạ tầng kinh tế xã hội, hệ thống đường sá lúc bấy giờ chủ yếu là đường đất, nắng bụi, mưa lầy khiến việc đi lại của bà con rất khó khăn, nhất là việc học sinh đến trường. Phần khác do đặc điểm, tập quán trong sinh hoạt, lao động sản xuất, nên cuộc sống của cộng đồng bà con dân tộc Khmer nơi đây còn khó khăn, thiếu thốn.

Vậy mà giờ đây, ông Thái nhấn mạnh, cuộc sống của họ đổi thay rõ rệt. Đã có hàng trăm học sinh là con em bà con dân tộc Khmer của xã Tân Đông được học dạy song ngữ (Việt- Khmer) và được học lên cấp 3 của Trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Nhiều con em của người Khmer tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể và chính quyền của xã, đặc biệt là có 26 thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, trong đó có 4 chiến sĩ mới được kết nạp Đảng.

Lãnh đạo tỉnh và huyện Tân Châu chứng kiến Lễ ký kết thi đua giữa 3 ấp Khmer Tầm Phô, Kà Ốt và Suối Dầm trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018. Ảnh: Công Điều

Kiến tạo nên bộ mặt mới này của các ấp người Khmer, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc triển khai, thực hiện một số chương trình hỗ trợ cho các xã biên giới, xã có đông đồng bào dân tộc, xây dựng nông thôn mới… không thể phủ nhận vai trò của các già làng, đặc biệt là vai trò nêu gương, đi đầu của các đảng viên là người dân tộc thiểu số.

Được vay vốn sản xuất, bà Lò Út đã gầy dựng được bầy heo giúp bà thoát nghèo.

Quả thật, từ đảng viên đầu tiên là Úk Long - Già làng Tầm Phô, biết đọc, biết viết tiếng Việt đến các đảng viên trẻ như Nách Chan Nên, Vuốt Chan Na, Thạch Thành Lợi, Sơn Thành Hải với trình độ tiếng Việt cấp 2,3 hoặc cao đẳng, đại học… không chỉ nâng cấp về lượng mà còn là một bước nhảy vọt, vững vàng về chất.

Ông Tô Thanh Nam, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tân Đông cho biết, tổng số đảng viên chính thức người Khmer hiện nay ở 3 ấp Kà Ốt, Tầm Phô, Suối Dầm là 12 người, trong đó đảng viên nữ chiếm 25%. Có 3 đảng viên là những người có uy tín, có thành tích xuất sắc trong các phong trào xây dựng khu dân cư, có nhiều đóng góp cho đồng bào dân tộc thiểu số được cộng đồng tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021. Từ đây đến cuối năm 2020, dự kiến sẽ phát triển thêm 4 đảng viên là thanh niên tiến bộ trong cộng đồng người dân tộc ở đây.

Chúng tôi hỏi ông Bảy Liêm, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Tân Châu, khác biệt dễ thấy nhất trong cộng đồng người Khmer ở Kà Tum từ khi có chi bộ đảng là gì? Đau đáu một thời trong việc xoá các ấp trắng cơ sở đảng, nhất là nơi những nơi có đông người dân tộc Khmer, quyết tâm thực hiện và đã thực hiện được việc thành lập tổ chức đảng ở ba ấp bà con dân tộc, ông Bảy Liêm không khó để đưa ra nhận xét: “Khi chưa xây dựng và thành lập được chi bộ các ấp, mình (cấp uỷ Đảng - NV) cũng thường xuyên tuyên truyền nhưng việc tiếp thu những điều mình nói có mức độ. Nặng lo nhất là, không biết họ có hiểu mình không? Nhưng từ khi có chi bộ ở các ấp, mình có thể khẳng định là họ chí cốt với mình. Hơn nữa, trước kia, họ cũng biết Đảng lãnh đạo, nhưng sau khi có chi bộ, họ biết thêm Đảng làm gì!”.  

Quyết định 1068 đã kết dính BĐBP và người dân trong các ấp đồng bào dân tộc.

Đảng đã làm gì cho cộng đồng dân tộc Khmer? Khi quay lại Tầm Phô, ghé thăm căn nhà bà Lò Úk (1964), mà cách đây không lâu, Đồn Biên phòng Kà Tum vận động nguồn lực xã hội xây tặng; chúng tôi thử đặt câu hỏi đó. Lò Úk cười, chỉ căn nhà tường chắc chắn của mình, cái lò nấu rượu và gần hai chục con heo sắp xuất chuồng phía sau nhà, như thay lời muốn nói: Đảng đã làm cho bà có nhà (Mái ấm tình thương), có việc làm ra tiền (nấu rượu) và có vốn nuôi heo (được vay Ngân hàng Chính sách Xã hội).

Cái nhà mà bà nói Đảng làm, to gấp 10 lần cái chòi trước kia, chưa đầy 4m2, chỉ vỏn vẹn hai cái nồi nhôm móp méo đen xì, vách nhà trống hoác, mái “lợp” bằng cả chục loại vật liệu phế thải do bà Lò Úk lượm lặt khắp nơi mang về chắp vá, chắn che. Nhìn nụ cười mãn nguyện của bà, chúng tôi không có cách nào nghĩ khác hơn, đó là một sự xác tín, Đảng đã thực sự hồi sinh một phận người bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Năm 1974, ông Tô Thanh Nam theo mẹ rời làng Thái Bình Trung, Mộc Hoá, Long An về định cư ở Kà Tum. Năm 1985, ông bắt đầu làm việc cho Xã đội, bây giờ là Phó Bí thư Đảng uỷ xã. 35 năm gắn bó với cộng đồng người Khmer trong các phum, sóc, ông Nam gần như là “cuốn tự điển sống” về phong tục tập quán, thói quen của người Khmer ở vùng đất này. Mỗi lần ông đến các ấp người Khmer, từ trẻ con đến người già đều cúi chào Tà (ông lớn) Nam một cách kính trọng.

Chúng tôi hỏi, với thâm niên ngụ cư và thấu hiểu người Khmer nhiều như vậy, làm cán bộ nhiều nhiệm kỳ như vậy, điều hài lòng và điều băn khoăn của ông trong sự lãnh đạo của Đảng uỷ đối với chi bộ các ấp người Khmer là gì? Việc hài lòng, ông nói, thứ nhất là già làng là người quyết định cuối cùng trong ấp. Già làng nói được là được! Bí thư giỏi là phải được lòng già làng. Để mất lòng tin già làng rất khó khăn trong công việc. Thực tế, bí thư cả ba ấp hiện nay đều được lòng già làng.

Tuy không đuổi kịp Tầm Phô, Kà Ốt nhưng ở Suối Dầm cũng ngày càng nhiều những ngôi nhà mới xuất hiện.

Hiện nay, Bí thư ấp Kà Ốt là người Khmer, nên già làng và bí thư gần như thống nhất mọi chuyện, đó là thuận lợi rất lớn. Vì vậy, Đảng uỷ xã đang tiếp tục bồi dưỡng hai Phó bí thư người Khmer chuẩn bị nhân lực kế cận hai bí thư còn lại.

Thứ hai, từ năm 2018, việc triển khai đề án 1068 của Tỉnh uỷ, đưa Bộ đội Biên phòng là đảng viên về sinh hoạt cùng với các chi tổ hội của các ấp, gắn liền bộ đội là đảng viên với người dân. Trước kia “xa xôi” lắm, anh đảng viên, tôi cũng đảng viên, mà không biết nhau. Giờ về sinh hoạt chung, tạo không khí cởi mở, thông tin kịp thời cho nhau, nếu như đề án này mà phát huy hết mức thì có nhiều lợi ích cho dân lắm.

Thứ ba, vấn đề nhận thức của người Khmer hiện nay đã được nâng cao. Bây giờ, các gia đình luôn động viên con em đi học, nhiều em đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Người Khmer hiểu rằng, học vấn chính là con đường duy nhất thoát nghèo bền vững mà.

Điều băn khoăn duy nhất còn lại chính là làm sao để ấp Suối Dầm nhanh chóng bắt kịp hai ấp Kà Ốt và Tầm Phô. Rút kinh nghiệm từ hai ấp mạnh, Đảng uỷ xã đã tăng cường thêm cho chi bộ ấp Suối Dầm một đảng uỷ viên là Phó chủ tịch xã, một đảng viên là Bộ đội Biên phòng theo đề án 1068 về sinh hoạt chung.

Đại tá Nguyễn Tài Sơn, thăm hỏi, động viên Bí thư  Danh Ngất đồng thời nắm việc triển khai QĐ 1068 trên địa bàn Kà Ốt

Đại tá Nguyễn Tài Sơn – Bí thư Đảng uỷ, Chính ủy BĐBP Tây Ninh cho biết, với Quyết định 1068, Bộ đội Biên phòng không chỉ tham gia về công tác xây dựng đảng, mà còn là những tuyên truyền viên giúp địa phương nắm vững tình hình về công tác biên phòng, về những thông tin liên quan hai bên biên giới; ngược lại Bộ đội Biên phòng cũng nhận được từ cấp uỷ, từ các đảng viên tại nơi sinh hoạt nhiều thông tin liên quan đến an ninh trật tự, về các hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn, dư luận của quần chúng nhân dân… giúp lực lượng Biên phòng nắm chắc thông tin để chủ động trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, trong công tác tuyên truyền cảm hoá những người cá biệt trên địa bàn, chủ động xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Nguyễn Thiện – Đức An – Lê Quân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục