BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mứt dừa “nhà làm” 

Cập nhật ngày: 04/01/2020 - 08:04

BTN - Thực ra, nếu cầm tiền đi chợ, đi siêu thị để mua sắm thì thượng vàng hạ cám gì cũng có. Nhưng một số chị em bận rộn chỉ thích và tin dùng một số thực phẩm sạch từ bếp gia đình: “mẹ em làm”, “nhà em nấu”, nhất là các món ăn truyền thống.

Mới đầu tháng Chạp, má đã hỏi: “Năm nay có mần củ kiệu, mứt bánh gì hôn bây?”. Hỏi vậy, có nghĩa là mấy đứa con gái trong nhà, dù có ở chung hay không cũng phải lo mà… “tha” đồ về chuẩn bị cho một mùa làm thức ăn Tết… mệt xỉu. Má giờ không làm được gì nhiều, nhưng luôn thích đồ ăn nhà làm, vừa hợp khẩu vị, vừa hợp vệ sinh.

1.Nhiều năm trước đây, cứ tầm này là má đi chợ mua củ kiệu, củ cải trắng, cải bẹ xanh về muối chua. Kiệu còn cả lá, rễ, mới nhổ mang về chợ, mùi hăng nồng. Má cắt lá non, rễ kiệu muối chung với lá cải, làm món ăn ghém lai rai tới… tết.

Riêng củ kiệu thì ngâm đường để lên men từ từ, trước Tết chừng một tuần là ăn ngon. Mùi vị kiệu ủ đường chua ngọt thanh tao, ăn với bánh tét thôi là đủ tuyệt cú mèo! Rồi củ cải trắng, chẻ dọc cắt ngang làm tư làm tám, trộn muối phơi nắng, sau đó làm món củ cải ngâm nước tương. Món này thì dù có ăn mâm cao cỗ đầy rồi thì cũng phải tìm tới nó, gắp một miếng, ăn với cơm trắng nóng hổi, nghe vị nồng nàn của củ cải muối, của ớt, của tỏi, của nước tương đậu nành quyện vào nhau mà ngây ngất hơn cả thịt cá, “ăn rồi lại muốn ăn thêm”.

Độ chừng rằm tháng Chạp, tủ bếp của má đã được dọn dẹp sạch sẽ và chất đầy đủ những thứ dưa, kiệu, mắm... “để dành ăn Tết”. Sau này bọn trẻ lớn lên, thích thì làm nem chua, lạp xưởng, cá khô… thứ một ít đủ dùng trong tết và “ra ngoài ngày” bận bịu đi làm, vẫn còn thực phẩm khô để ăn dần, chờ… lương!

Nhưng cái món hấp dẫn bọn trẻ con nhất trong bếp mùa tết vẫn là mứt. Hầu như những thứ rau trái hằng ngày đều có thể làm mứt được, từ gừng, bí, dừa dẻo, dừa khô, chùm ruột, đu đủ… lắm khi nhà có gì làm mứt nấy. Các công đoạn sửa soạn nguyên liệu thường mất cả một, hai ngày, nên má tranh thủ lúc nào rảnh thì làm.

Những thứ mứt để lâu được thì làm trước, các loại mứt dẻo, ít ngọt, để làm lúc cận tết. Những đứa trẻ lớn được má trưng dụng trong việc gọt xắt, xách nước, rửa nguyên liệu, canh nắng… những đứa nhỏ chơi ngoài sân, chỉ hong hóng nghe mùi thơm là nháo vào bếp xin miếng mứt dừa mới ra lò, còn nóng hổi.

Sau hết những công đoạn đó rồi thì má ngồi phân phối: chỗ này cho cô Hai, chỗ này là biếu bác Năm, chỗ này là dành cho mợ Sáu, cho những người bạn thân thiết với má. Mứt tết chỉ được gói trong bao giấy dán từ tập cũ, bên ngoài thêm tờ giấy bóng kiếng đỏ đỏ vàng vàng. Chỉ vậy thôi mà nghe cả một trời yêu thương, trân trọng.

2.Vài năm nay, cái thương hiệu “Nhà làm” đã trở nên... thời sự, đặc biệt nó lan toả rộng rãi nhờ mạng xã hội. Từ những món ăn vặt như cà na xí muội, bánh tráng trộn đến khô gà, bánh kẹo, mứt, chè cháo… Những cô gái chỉ định mang đồ ăn vào công sở ăn cùng với bạn, khoe món ngon mẹ làm, hoặc khoe tài đảm đang của chính mình và cùng chia sẻ lên facebook.

Nếu “hạp tần số”, nhiều người sẽ vào nhấn like và trở thành khách hàng ngay. Cô gái nào “lỡ” khoe món nhà mình ngon thì cơ hội trở thành người nấu ăn chuyên nghiệp chỉ trong một cái nhấp chuột! Có một cô giáo xinh đẹp, tay nghề nấu ăn giỏi, ưa làm bánh mứt, đã phát triển cái bếp của mình thành “lò thực phẩm một thành viên”, thu nhập cũng kha khá. Cô thong thả đi dạy, thong thả vào bếp, thỉnh thoảng “quăng” lên face mấy tấm ảnh lung linh: “hôm nay nhà em có…” thế là hàng làm ra hết veo. Mùa tết, những hình ảnh được post lên còn kèm theo một câu “hăm he”: số lượng có hạn nhe mấy mom!

Thực ra, nếu cầm tiền đi chợ, đi siêu thị để mua sắm thì thượng vàng hạ cám gì cũng có. Nhưng một số chị em bận rộn chỉ thích và tin dùng một số thực phẩm sạch từ bếp gia đình: “mẹ em làm”, “nhà em nấu”, nhất là các món ăn truyền thống. Rồi từ kinh nghiệm bản thân, họ chia sẻ với nhau nhà chị A làm món lạp xưởng tươi rất ngon, chị B gói bánh tét giỏi, chị C làm mứt rất ok…

Những người phụ nữ giữ mùi bếp tết này chỉ tỉ mẩn làm theo đơn đặt hàng, ngày một chút nhưng rất chuyên nghiệp. Món nào cũng tươi mới và đậm đà hương vị. Mùa Tết đến, dù có nhiều đơn hàng nhưng họ cũng chỉ ráng thêm một chút, nhằm giữ nguyên hương vị “nhà làm”, không vì lợi nhuận mà chạy theo số lượng. Tuy cực mà ai cũng vui vẻ “ráng”, thêm chút tiền để mua sắm đồ tết, để bỏ bao lì xì cho con nít.

3.Chiều nay, đi ngang qua phố, thấy một chiếc bàn nhỏ trên đặt vài hộp mứt dừa có hình thức rất bình dân với tấm bảng viết tay: “Kiệu mứt tết nhà làm”, chợt nghe lòng xôn xao khó tả. Ghé vô mua hộp mứt, bà chủ nói mua giùm đi cô, tui bán rẻ. Mứt ngon vừa ý nhưng tui lấy công làm lời thôi à. Mấy ngày gần tết rồi mà nhà còn gặp khó, tui ráng làm thêm kiếm đồng ra đồng vô lo cho tụi nhỏ. Hồi đó giờ chỉ làm nhà ăn, nay đem ra đường bán, tính toán đủ đường, mệt quá! Bà nói tự mua dừa nguyên quày về lột vỏ, tự xắt tự bào các công đoạn, cực lắm nhưng ráng, ráng vì mấy nhỏ.

Lại nghĩ tới một người mẹ già, gần bảy mươi, cứ đầu tháng Chạp là bà đều cặm cụi ngồi gọt dừa, bào dừa phụ cho cô hàng xóm làm mứt Tết, mong kiếm được bộ đồ mới cho mấy đứa cháu nội mồ côi. Mỗi ngày bà được trả công hơn trăm ngàn, “nhiều hơn cạo hột điều”, nên cũng ráng ráng làm. Mà không chỉ ngồi gọt xắt, bà còn bày cho cô hàng xóm hết “bài” làm mứt các kiểu, làm sao cho ngon, cho đẹp, cho lành.

Bà nói mình làm không nổi, tụi bây còn trẻ, có sức thì làm được gì làm, nhưng nhớ là mình làm để thưởng thức và cho người thưởng thức, thì phải đặt hết tâm trí vô miếng mứt, đừng vì lợi nhuận mấy ngày này mà để miếng mứt ngọt thơm thành “hàng chợ”.

Gió xao xác hôn trên những mâm mứt thơm tho phơi ngoài sân, mang mùi mứt thơm trên chảo nóng lan qua nhà hàng xóm, ra đường. Người đi đường dừng xe, hít một hơi dài mà nhớ má.

Tết thật gần!

SÔNG GẤM