BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Giúp được người khác là tôi thấy vui” 

Cập nhật ngày: 22/06/2020 - 22:28

BTN - Hơn 3 năm qua, chị Ngô Thị Thanh, sinh năm 1975, ngụ ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, hội viên Hội LHPN xã lặng lẽ làm việc từ thiện, giúp đỡ, sẻ chia với những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn.

Chị Thanh (bên phải) chia sẻ về việc làm từ thiện của mình.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, chị phải nghỉ học sớm, làm lụng phụ giúp gia đình. Chị lập gia đình khi mới 18 tuổi. Hai bên đều nghèo khó, phải đi làm thuê, làm mướn đủ việc kiếm sống. Cuộc sống gia đình chị càng vất vả hơn khi hai đứa con lần lượt ra đời. Công việc làm thuê thất thường, thu nhập không đủ xoay xở, nỗi lo cơm áo đè nặng trên vai đôi vợ chồng nghèo.

Quyết không chấp nhận đói nghèo, vợ chồng chị Thanh động viên nhau phải vươn lên. Dành dụm được ít tiền, vợ chồng chị mua hai con nghé để nuôi lớn lên thành đôi trâu khoẻ mạnh, đủ sức đi cày bừa. Đến mùa vụ, vợ chồng chị đi cày thuê, kéo mướn, nhờ đó có thêm được thu nhập.

Do tiết kiệm, tích luỹ, vợ chồng chị tậu được miếng đất nhỏ, rồi bỏ công sức ra cải tạo đất để trồng lúa. Năm đầu sản xuất, ruộng lúa bị chuột phá hoại gần hết, thất trắng, không có đồng nào trả tiền diêm tro cho đại lý. Không nản chí, vợ chồng chị tiếp tục vay mượn tiền đầu tư, cần mẫn gieo sạ.

Cuối cùng, vợ chồng chị cũng gặt hái được trái ngọt khi liên tiếp những vụ sau lúa trúng mùa, có lời, có tiền xoay xở, trả nợ nần. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, gia đình chị vay vốn nhiều lần từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cộng với tiền tích cóp, vợ chồng chị tiếp tục mua trâu, bò về nuôi. Không có tiền mua con lớn, vợ chồng chị chỉ mua con nhỏ, chăm sóc để chúng lớn, rồi bán bớt để trang trải cuộc sống, lấy vốn đầu tư vào sản xuất.

Cứ thế suốt tháng quanh năm, vợ chồng chị làm lụng không ngơi tay, vừa chăm chỉ sản xuất, vừa chăn nuôi. Sau này công việc đồng áng, chăn nuôi cũng thuận lợi hơn nhờ có máy móc, không còn dùng sức người nhiều nữa, nên chị Thanh để chồng lo việc sản xuất, còn chị đi làm công nhân để lo cuộc sống. Nhờ có được nhiều nguồn thu nhập, kinh tế gia đình chị Thanh dần được cải thiện.

Kinh tế gia đình đã ổn định hơn trước, không phải chạy ăn từng bữa, còn xây được căn nhà khang trang thay cho căn nhà tranh vách đất cũ kỹ. Thành quả ấy tạo động lực cho vợ chồng chị không ngừng phấn đấu lao động để tạo dựng kinh tế bền vững hơn.

Từng trải qua cuộc sống khó khăn, hơn ai hết, chị Thanh hiểu rõ nỗi vất vả, buồn tủi. Vậy nên, khi nghe có ai khó khăn, bệnh tật- nhất là chị em công nhân làm chung công ty gặp khó khăn là chị Thanh lui tới thăm hỏi, hỗ trợ. Của ít lòng nhiều, đôi khi chị mua nhu yếu phẩm, chút ít tiền tuỳ vào từng hoàn cảnh.

Với mong muốn giúp đỡ được nhiều người hơn, chị Thanh không ngại vất vả, bỏ công sức đi vận động người thân, những người xung quanh, chị em phụ nữ tôn giáo quyên góp tiền giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật.

Chị Thanh chia sẻ, thời gian đầu chị vận động quyên góp không được bao nhiêu, bởi chưa tạo được sự tin tưởng của nhiều người, phần do chị còn ngại. Nhưng dần chị cũng quen, chị nói khéo hơn, nhiều người biết được việc làm ý nghĩa của chị nên đóng góp mỗi người một ít tặng quà cho người nghèo.

Vừa qua, từ nguồn vận động được, chị Thanh đã tặng 30 phần quà, mỗi phần trị giá 250.000 đồng gồm các nhu yếu phẩm cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở ấp. Năm vừa qua, biết được căn nhà của chị Tâm, ngụ xã An Thạnh sắp sập, chị Thanh đã đứng ra vận động anh em thợ hồ, chị em đi làm công quả chung đóng góp công sức, vật liệu để xây căn nhà mới tặng gia đình chị Tâm.

Hiểu được tình cảm, nhiệt tình của chị Thanh, nhiều mạnh thường quân qua chị làm cầu nối giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Theo chị Thanh, chị làm từ thiện không phải một mình mà nhiều người cùng đóng góp. Việc làm của chị chỉ nhỏ thôi, không đáng kể. “Làm từ thiện không cần đợi giàu có, chủ yếu là cái tâm. Mỗi khi giúp được người khác là tôi thấy vui, hạnh phúc, nên sức tới đâu tôi làm tới đó để giúp người nghèo giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống” - chị chia sẻ.

THẾ ANH