BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cầu An Phước-Hiện thực hoá khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Trảng Bàng 

Cập nhật ngày: 05/03/2022 - 00:20

BTNO - Một cây cầu để nối liền 2 xã cánh Tây với trung tâm Thị xã sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cầu An Phước nối liền 2 bờ sông Vàm Cỏ Đông hình thành, đáp ứng niềm hy vọng, mong mỏi của nhiều thế hệ người dân 2 xã cánh Tây.

Cầu An Phước hứa hẹn sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội 2 xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng.

Thị xã Trảng Bàng là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Tây Ninh, nằm về phía Đông Nam của tỉnh với diện tích tự nhiên 340km2, dân số gần 200.000 người. Thị xã Trảng Bàng có vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ của tỉnh giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thuộc miền Đông Nam bộ. Thị xã có tuyến quốc lộ 22 đi qua nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia. Trên địa bàn Thị xã có 4 khu công nghiệp, thu hút hơn 50.000 lao động làm việc.

Thị xã có 10 đơn vị hành chính cấp xã gồm 6 phường, 4 xã, trong đó, về phía Tây của Thị xã có 2 đơn vị hành chính cấp xã (trước đây là 3 đơn vị hành chính gồm Phước Chỉ, Bình Thạnh, Phước Lưu) với đường biên giới giáp Campuchia dài 14,5km.

Với địa hình đặc thù, những năm qua, các xã phía Tây chia cắt với trung tâm Thị xã bởi sông Vàm Cỏ Đông, việc di chuyển từ trung tâm đến các xã này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa (phải di chuyển bằng phà hoặc đi vòng qua địa phận của huyện Gò Dầu). Có thể nói, việc xây dựng cầu An Phước nối liền 2 xã cánh Tây và trung tâm thị xã Trảng Bàng là ước muốn của bao thế hệ cán bộ, người dân thị xã Trảng Bàng nói chung và các xã phía Tây nói riêng.

Một người dân ở xã Phước Chỉ chia sẻ, ngày trước, muốn đến trung tâm Thị xã, người dân phải đi phà Lái Mai qua sông. Riêng việc vận chuyển hàng hoá thì đi đường vòng qua các huyện Bến Cầu, Gò Dầu. Vì thế, sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 xã cánh Tây so với các địa phương khác của thị xã Trảng Bàng chậm trễ hơn. Một cây cầu để nối liền 2 xã cánh Tây với trung tâm Thị xã sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cầu An Phước nối liền 2 bờ sông Vàm Cỏ Đông hình thành, đáp ứng niềm hy vọng, mong mỏi của nhiều thế hệ người dân 2 xã cánh Tây.

Theo UBND thị xã Trảng Bàng, cầu được vận hành chính thức sẽ là bước đột phá quan trọng đầu tiên để phát triển kinh tế - xã hội của các xã cánh Tây của Thị xã, cùng với tuyến đường An Thạnh - Trà Cao vừa được xây dựng sẽ phá vỡ thế độc đạo đã kìm hãm sự phát triển của các xã cánh Tây trong nhiều năm qua, khơi gợi tiềm năng, lợi thế của các xã này, đặc biệt là lợi thế về công nghiệp, thương mại, dịch vụ; việc thu hút và mở rộng các dự án kinh tế trên địa bàn sẽ được đẩy mạnh, nhất là ngành khai thác, chế biến sản phẩm nông nghiệp phù hợp với lợi thế, đặc điểm vùng của địa phương; qua đó giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân các xã cánh Tây.

Để phát triển 2 xã cánh Tây, thị xã Trảng Bàng tập trung định hướng phát triển một số lĩnh vực cụ thể như phát triển du lịch dừng chân, nghỉ dưỡng dọc theo tuyến sông Vàm Cỏ Đông; thu hút nhiều dự án, nhà đầu tư lớn phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, thị xã Trảng Bàng sẽ tận dụng lợi thế biên giới, tập trung phát triển kinh tế biên mậu, tiến tới hình thành các cửa khẩu phụ, chợ, siêu thị đường biên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Khu công nghiệp Thành Thành Công (dự kiến được mở rộng) và các dự án trọng điểm của địa phương; xây dựng và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đối với các xã cánh Tây.

Tấn Hưng