BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đòi độc lập, châu Âu lo ngại những tiền lệ nguy hiểm 

Cập nhật ngày: 01/10/2017 - 20:23

Càng gần đến ngày trưng cầu dân ý về việc độc lập của vùng Catalunya (ngày 1/10), nhiều nước châu Âu càng theo dõi sát diễn tiến với cái nhìn đầy lo ngại. Sẽ là tiền lệ tai hại nếu chính quyền vùng Catalunya (Catalonia) miền Đông Bắc Tây Ban Nha tổ chức được cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập. Tây Ban Nha và châu Âu đang tìm mọi cách để dập tắt “cơn sốt” ly khai.

Trưng cầu dân ý là vi phạm hiến pháp Tây Ban Nha

Đầu tháng 6-2017, chính quyền vùng Catalunya thông báo sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập vào ngày 1-10 tới, cho dù biết rõ là luật pháp Tây Ban Nha không cho phép và sẽ làm gia tăng căng thẳng với chính quyền Madrid.

Thủ hiến Catalunya Carles Puigdemont cho biết, nội dung câu hỏi trưng cầu sẽ là: "Bạn có muốn Catalunya trở thành quốc gia độc lập theo đường lối cộng hòa hay không?".

Ngay sau khi công bố thông tin trên, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã đình chỉ luật về trưng cầu dân ý được cơ quan lập pháp vùng Catalunya thông qua.

Ngày 21-9, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tiếp tục kêu gọi lãnh đạo vùng Catalunya hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý. Ông Rajoy hối thúc các chính trị gia vùng Catalunya chấm dứt những hành động khiến tình hình leo thang căng thẳng.

Vị trí vùng Catalunya của Tây Ban Nha.

Chính quyền Tây Ban Nha cũng đã mạnh tay với giới lãnh đạo ở vùng Catalunya. Ngày 20-9, cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ 13 thành viên bộ máy chính quyền vùng Catalunya.

Tuy chưa công bố nguyên nhân bắt giữ nhưng giới chức quốc gia cảnh báo những người tham gia vào quá trình chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân mà chính quyền trung ương cho là bất hợp pháp đều có thể đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Lực lượng Cảnh sát bảo vệ dân sự của Tây Ban Nha đã lục soát một số trụ sở của chính quyền vùng Catalunya tại thành phố Barcelona, thu giữ hơn 1,3 triệu áp phích, tờ rơi quảng cáo và các cuốn sách liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp.

Trong khi đó, những thị trưởng đầu tiên trong số hàng trăm thị trưởng vùng tự trị Catalunya đã bị các công tố viên triệu tập thẩm vấn. Cơ quan công tố Tây Ban Nha cho biết, đã mở cuộc điều tra hình sự đối với hơn 700 thị trưởng vùng tự trị Catalunya vì những người này ủng hộ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập vào ngày 1-10.

Văn phòng Công tố Trung ương Tây Ban Nha đã ra lệnh triệu tập các thị trưởng trên đến tòa án trong vai trò nghi can chính, đồng thời cho biết nếu họ không thực hiện lệnh triệu tập, có thể bị cảnh sát bắt giữ. Khoảng 50 thị trưởng đã chính thức bị triệu tập để thẩm vấn.

Để tăng cường an ninh, chính quyền trung ương của Tây Ban Nha đã nắm quyền kiểm soát trực tiếp đối với lực lượng cảnh sát vùng Catalunya.

Đồng thời, Tổng công tố Tây Ban Nha Jose Manuel Maza không loại trừ khả năng phát lệnh bắt giữ Thủ hiến Catalunya Carles Puigdemont. Tuy nhiên, quyết định bắt giữ đối với Thủ hiến Puigdemont vẫn đang được xem xét kỹ lưỡng. Trước đó, cơ quan công tố Tây Ban Nha đã chính thức khởi kiện chống lại người đứng đầu vùng Catalunya và các thành viên chính quyền vùng về kế hoạch trưng cầu trái phép.

Không ai muốn thấy tiền lệ xấu

Tại sao Tây Ban Nha lại hành động quyết liệt để ngăn cuộc trưng cầu dân ý? Câu trả lời là: Để họ không phải trả lời câu hỏi “sau Catalunya sẽ đến lượt nơi nào?” mà chắc chắn nhiều nhà lãnh đạo của Tây Ban Nha và châu Âu đang suy nghĩ. Bởi thời gian gần đây, không ít quốc gia phải đối mặt với nguy cơ trào lưu ly khai bùng lên khi có cơ hội.

Vấn đề Catalunya trở nên không chỉ nghiêm trọng với Tây Ban Nha mà còn cả với Liên minh châu Âu. Từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay, trong khi cố gắng tránh đưa ra lập trường về việc độc lập của Catalunya, Bruselles nhắc lại quan điểm mà cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi vào năm 2004: Một nhà nước ra đời từ ly khai trong lòng Liên minh châu Âu hiển nhiên sẽ không được coi là một bộ phận của liên minh.

Nước Pháp vốn có không ít nỗi lo về phong trào ly khai ở một số vùng, như xứ Basque hay đảo Corse cũng tỏ ra thận trọng với cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng phương Nam. Paris kêu gọi “tôn trọng khuôn khổ thể chế Tây Ban Nha” hay hành động “theo đúng Hiến pháp Tây Ban Nha”.

Ông Jérémy Dodeigne, Giáo sư Khoa Chính trị Đại học Namur (Bỉ) nhận định: “Cuộc khủng hoảng ở Catalunya đã quá sâu và sẽ là quá nguy hiểm cho Liên minh châu Âu”.

Chuyên gia chính trị, quan hệ quốc tế Rumani, ông Dan Dungaciu cho rằng “việc thừa nhận Catalunya độc lập sẽ tạo ra một tiền lệ kinh khủng trong Liên minh châu Âu”. Liên tục phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng từ cuộc nội chiến ở Ukraine, đến vấn đề Brexit..., châu Âu đang bị đặt trước thách thức mới, đó là nguy cơ lây lan của trào lưu đòi độc lập như những gì đang diễn ra tại xứ Catalunya.

Catalunya vốn là vùng đất giữa Tây Ban Nha và Pháp. Vùng này thuộc về Tây Ban Nha từ sau năm 1.500 trước Công nguyên. Với dân số 7,5 triệu người và nền kinh tế năng động, vùng Catalunya tạo ra 20% GDP, 25% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp tới 1/5 nguồn thu của cả Tây Ban Nha.

Nguồn Báo QĐND